Dương Thị Vân có thể hình nhỏ bé nhưng luôn chơi bóng đầy năng lượng
Nỗ lực của cô gái nhỏ bé
Phút 59 trận chung kết bóng đá nữ SEA Games 31 giữa Việt Nam và Thái Lan, giữa thời điểm đội bóng xứ Chùa Vàng đang gây sức ép nghẹt thở, ở phần sân nhà, Dương Thị Vân giành được bóng trong chân đối thủ và tung đường chuyền tuyệt vời cho Huỳnh Như băng xuống mở tỷ số trận đấu.
Pha kiến tạo của cô gái quê Hà Nam chính là khác biệt lớn nhất giữa hai đội bóng, mở toang cửa chiến thắng cho đội chủ nhà. Tình huống đó cũng lột tả hết những điểm mạnh của Vân như khả năng tranh chấp, kỹ thuật tốt và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời.
Dù sở hữu thể hình nhỏ bé nhưng tiền vệ sinh năm 1994 luôn hoạt động không biết mệt mỏi, vừa đóng vai trò chốt chặn, vừa phát động tấn công nơi tuyến giữa của tuyển Việt Nam.
Bên cạnh tấm HCV SEA Games 31, Vân cũng là trụ cột, góp công lớn giúp các cô gái áo đỏ giành tấm vé lịch sử tham dự World Cup 2023, trước đó là HCV SEA Games 30.
“Tôi biết hạn chế của mình nên nỗ lực tập luyện thật nhiều để gia tăng sức mạnh, sức bền và cố gắng đơn giản hóa lối chơi, tránh rườm rà. Nếu mình không xử lý nhanh, dứt khoát thì sẽ bị đối phương ập vào tranh chấp, khiến mình gặp bất lợi. Bên cạnh đó, tôi thấy mình hơi yếu ở khả năng rê bóng, qua người và sẽ nỗ lực cải thiện trong thời gian tới”, Vân chia sẻ.
Đánh giá về cô học trò ở tuyển nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung rất ấn tượng với đức tính cần cù, chơi bóng quyết tâm cao của cô: “Tuy thể hình thua thiệt nhưng bù lại Vân có nền tảng thể lực tốt, hoạt động không biết mệt mỏi ở giữa sân. Có những trận đồng đội xuống sức, gần như mình em tả xung hữu đột tại hàng tiền vệ, chơi rất xuất sắc”.
Cũng theo ông Chung, để chơi tốt hơn, nữ tuyển thủ quê Hà Nam cần cải thiện độ nhanh trong những pha xử lý bóng: “Ngoài thể lực, Vân phải chơi bóng nhanh hơn, mọi động tác phải trước đối phương một nhịp vì nếu tranh chấp tay đôi thì em thua thiệt so với đối thủ. Tôi tin nếu chăm chỉ rèn luyện, Vân có thể phát triển hơn khi đang ở độ tuổi chín nhất sự nghiệp”.
Tuy đóng vai trò quan trọng ở tuyển nữ Việt Nam, có sự thừa nhận của giới chuyên môn và HLV Mai Đức Chung nhưng cô gái 28 tuổi lại ít khi được nhắc tới trong những chiến công của đội tuyển nữ Việt Nam.
Hỏi cô có buồn vì điều này thì cô cười nói: “Bóng đá là môn thi đấu tập thể, tôi hạnh phúc khi cống hiến sức mình cho thành tích của đội tuyển. Ngoài ra tôi không quan tâm những thứ khác”.
Nở muộn, chín sớm
Dương Thị Vân (giữa) và các đồng đội ăn mừng bàn thắng ghi được cho đội tuyển nữ Việt Nam
So với nhiều đồng nghiệp, Dương Thị Vân tới với bóng đá khá muộn, khi 15 tuổi. Cơ duyên gắn cô vào trái bóng tròn cũng không quá đặc biệt.
Ở trường, cô tập luyện bóng đá cùng các bạn và chưa bao giờ nghĩ sẽ chơi bóng đá chuyên nghiệp. Năm 2010, Trung tâm Huấn luyện thi đấu Thể thao Hà Nam có đợt tuyển quân cho bộ môn bóng đá. Ông Phạm Hải Anh, Giám đốc trung tâm đã trực tiếp đi tới nhiều địa phương để tìm người.
Và ông gần như bị thuyết phục khi thấy Vân chơi bóng tại Trường THCS Tràng An (Bình Lục, Hà Nam). Tuy nhiên, khi đưa cô về nhận đội thì Ban huấn luyện cho rằng cô quá nhỏ bé, rất khó chơi bóng chuyên nghiệp nên ngỏ ý từ chối.
“Tôi có niềm tin rằng Vân sẽ trở thành một cầu thủ giỏi nên đã giới thiệu cho CLB Than Khoáng sản Việt Nam để cháu có cơ hội chơi bóng. Tôi rất vui khi cháu có bước tiến như hiện tại, mừng cho bóng đá Hà Nam và đội tuyển quốc gia”, ông Hải Anh không giấu được niềm tự hào khi nói về nữ tuyển thủ Việt Nam.
“Khi được đội Than Khoáng sản Việt Nam nhận, lúc đó tôi chẳng nghĩ nhiều, chỉ thấy hào hứng nên tìm mọi cách thuyết phục bố mẹ cho đi. Thời gian đầu sang Quảng Ninh tập luyện, tôi gặp khó khăn trong việc thích nghi và rất nhớ nhà nên chỉ muốn về.
Nhưng rồi lại nghĩ nếu mình theo được bóng đá thì ngoài việc giúp bản thân có công việc ổn định thì còn đỡ bố mẹ một phần gánh nặng nên tôi ở lại và dần dần quen với cuộc sống mới”, Vân bộc bạch.
Đến với bóng đá muộn nhưng nhờ sự siêng năng, nỗ lực không biết mệt mỏi, Dương Thị Vân trưởng thành rất nhanh, chiếm suất đá chính ở CLB Than Khoáng sản Việt Nam từ năm 2012.
Một năm sau, cô chập chững lên tuyển Việt Nam và nằm trong diện quy hoạch cho tương lai. Sự nghiệp của cô bắt đầu thăng hoa từ năm 2019, năm cô cùng tuyển nữ Việt Nam vô địch giải Đông Nam Á lẫn SEA Games 30. Để rồi, giờ đây cô gái sinh năm 1994 trở thành cái tên không thể thay thế ở đội tuyển nữ Việt Nam.
Dù vậy, ít người biết, bản thân cô gái nhỏ nhắn này đã từng nghĩ về việc giải nghệ: “Giai đoạn 2017-2018 tôi cảm thấy rất khó khăn, chán nản và không có tương lai. Khi đó tôi đã có ý chia tay bóng đá để về quê tìm việc gì đó làm rồi lấy chồng, sinh con.
Nhưng các thày và mọi người động viên tôi nên tiếp tục nỗ lực để có chỗ đứng ở đội tuyển, mọi thứ sẽ khá hơn. Nhờ vậy, tôi đã ở lại, quyết tâm tập luyện và gặt hái thành quả như ngày hôm nay. Tôi cảm thấy mình may mắn bởi nhiều bạn không thể đi đến cùng con đường đã chọn”.
Sinh ra, lớn lên trong một gia đình thuần nông, cuộc sống của Vân lúc nhỏ cũng như bao bạn bè cùng trang lứa ở nông thôn. Ngoài việc học, cô phụ giúp gia đình việc đồng áng. Ấy thế mà cô gái nhỏ bé ngày nào còn loắt choắt ra đồng cùng mẹ giờ đã là tuyển thủ quốc gia, khiến gia đình và làng xóm, họ hàng tự hào.
“Mỗi lần tôi về quê, bà con, cô bác đều tranh thủ sang chơi và động viên tôi cố gắng hơn nữa. Có bác còn mang quà bánh cho, bảo ăn lấy sức mà thi đấu. Đi đây đi đó nhưng về quê tôi cảm thấy ấp áp, nhẹ lòng nhất”, Vân bộc bạch.
Nhà vô địch SEA Games kể thêm, trước kia cuộc sống gia đình cô vất vả lắm vì cả nhà chỉ trông vào mấy sào ruộng, địa phương không có nghề phụ.
Một vài năm gần đây, chị em cô khôn lớn, đi làm cả nên bố mẹ cũng không còn phải quá lam lũ. Chia sẻ với người viết, mong ước của cô là tích cóp đủ tiền xây cho bố mẹ một căn nhà mới khang trang hơn.
VÀI NÉT VỀ DƯƠNG THỊ VÂN
Sinh ngày 20/9/1994. Quê quán: xã Tràng An, huyện Bình Lục, Hà Nam. Chiều cao: 1m50, cân nặng: 46kg. Thành tích đáng chú ý - Vô địch Quốc gia 2012; hạng Ba các năm 2018, 2019, 2020 trong màu áo Than Khoáng sản VN. - HCV Sea Games 30 (2019), 31 (2022); Vô địch Giải bóng đá nữ Đông Nam Á năm 2019.