Nhiều sinh viên đi ở ký túc xá thường phàn nàn về những tình huống “dở khóc dở cười” họ gặp phải khi sống chung phòng với người khác. Chuyện bạn cùng phòng ở quá bẩn, là “thánh lười biếng”, có tính tắt mắt không phải hiếm gặp.
|
Hình ảnh căn phòng ký túc xá bừa bộn, bẩn thỉu được chia sẻ trên mạng. Ảnh chụp màn hình. |
Phòng thành bãi rác vì “cha chung không ai khóc”
Mới đây, trên trang Confession của một trường đại học tại Hà Nội, một nữ sinh viên đã chia sẻ hình ảnh căn phòng "bẩn không chịu được" khi đến chơi ký túc xá của bạn.
"Ấn tượng đầu tiên của mình là kinh khủng. Mình là con gái mà nhìn còn thấy phát khiếp. Bát đĩa ăn xong mốc meo vứt ngay trên giường, rác dồn vào góc hành lang thành đống bốc mùi", cô chia sẻ.
Chứng kiến hình ảnh này, nhiều bạn trẻ vẫn không khỏi sửng sốt vì độ ở bẩn của một bộ phận sinh viên trong ký túc xá. Không ít sinh viên lên tiếng vì chính họ cũng gặp phải cảnh tượng tương tự khi đi ở trọ chung với người khác.
Thu Hương (sinh viên năm 2, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên) cho biết cô không ít lần bức xúc vì bạn ở chung phòng “thi gan” với nhau xem ai là người dọn phòng trước. Và những người có tính sạch sẽ thua cuộc đầu tiên.
|
Rác chất đống bốc mùi mà không ai đổ vì những người cùng phòng "thi gan" nhau. Ảnh: Hàn Triệt.
|
“Phòng mình có 8 người mà toàn con gái nên rất nhiều đồ linh tinh. Mỗi người một tính nên dù đã lên lịch phân công dọn vệ sinh phòng hàng tuần, có người vẫn không tuân thủ. Nhiều khi mình xấu hổ khi có bạn đến chơi”, Hương kể và cho hay, điều này khiến phòng của cô cũng dần “tan đàn xẻ nghé”.
Hoài Thu - một nữ sinh khác tại Hà Nội - cũng phàn nàn cô nhiều lần phải dọn tóc rụng của các bạn cùng phòng ký túc.
“Ở chung với nhau nhưng ai cũng có tâm lý cha chung không ai khóc. Cứ thế ngày qua ngày rác chất đống, tóc rụng tắc hết cống, nhà vệ sinh thì bẩn. Mình ở năm đầu tiên trong ký túc, đến năm thứ hai phải dọn ra ngoài gấp vì không chịu nổi”, Hoài Thu chia sẻ.
Đáng nói, tác giả của những “bãi chiến trường” này đôi khi lại là những cô nàng xinh đẹp, bề ngoài luôn sạch sẽ nhưng lại có tâm lý “sạch mình, bẩn người” khi ở chung.
Dùng chung, "hack" đồ của bạn
Bạn cùng phòng ở bẩn là vấn đề nan giải nhưng nhiều sinh viên lại lo ngại, khó nói hơn khi gặp phải người ở cùng luôn thích dùng ké đồ của người khác, thậm chí coi đó cũng là đồ của mình.
Với những cao thủ ở bẩn, bạn còn có cách đối phó là phân công lịch dọn vệ sinh nhưng việc không cho bạn cùng phòng dùng chung đồ chưa bao giờ là điều dễ bày tỏ và cần nhiều sự tế nhị.
Lê Thanh - sinh viên ĐH Thương mại Hà Nội - chia sẻ cô có người bạn cùng phòng luôn tự tiện dùng đồ khi người khác đi vắng.
“Có lần bạn ấy tự tiện lấy đôi giày mới mua của mình đi rồi làm bẩn hết. Người có ý thức giặt trả còn đỡ tức, đằng này bạn ấy vứt lại chỗ cũ như chưa từng đi khiến mình rất khó chịu”, nữ sinh viên chia sẻ.
Quá nhiều lần như vậy khiến Thanh không muốn giữ ý tứ với cô bạn ấy nữa. Cả phòng phải ra quy định “đồ ai người ấy dùng” nhưng chỉ được thời gian đầu, cô ấy lại “ngựa quen đường cũ".
Chuyện dùng chung dầu gội, sữa tắm một cách nghiễm nhiên cũng không thiếu khi đi ở trọ chung với nhiều người. Nhiều sinh viên “lúc nào người cũng thơm tho sạch sẽ dù cả tháng không thấy mua dầu gội, sữa tắm”. Đơn giản bởi họ chuyên dùng đồ của người khác để sẵn trong phòng tắm.
Và người sắm cứ sắm, người dùng cứ dùng. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều người ở chung mất lòng nhau.
Một kiểu bạn cùng phòng cũng hay gặp khi đi ở trọ đó là người có tính “tắt mắt”, nhòm ngó đồ của người khác. Chỉ cần mắt trước mắt sau, đồ của bạn có thể “không cánh mà bay” mà thủ phạm chính là “người cùng một nhà”.
Vì thế, tốt nhất các sinh viên khi ở chung phòng nên tự bảo quản đồ dùng có giá trị để tránh nảy sinh những sự việc đáng tiếc. Đôi khi sự thoải mái của bạn lại tạo cơ hội để người khác làm việc xấu.