Không phải đâu, tin tốt lành, việc tốt lành, người tốt lành vẫn có nhưng không biết từ bao giờ chúng ta đã trở nên “dị ứng” với những điều tốt đẹp thay cho những điều xấu xa.
|
Ảnh: LĐO |
Đơn cử một hiện tượng gần nhất đó là kỳ thi THPT quốc gia vừa diễn ra sau khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bị “ném đá” tả tơi vì ý tưởng “bỏ biên chế giáo viên”… Một kỳ thi thành công mang lại sự hài lòng cho phụ huynh, cho thí sinh, cho giáo viên, cho cả xã hội mà nguyên nhân chắc ai cũng đã rõ. Kỳ thi diễn ra tại địa phương nên ngoài chuyện không phải tốn kém, ảnh hưởng sức khỏe của người thi và người nhà như mọi năm còn tạo cho thí sinh một tâm lý thật tốt và thoải mái khi đi thi. Mỗi học sinh một mã đề thi nên giám thị coi thi cũng rất thoải mái, kết quả đánh giá thí sinh cũng khách quan và công bằng hơn mọi năm. Thế nhưng, trong khi hiếm có ai lên tiếng khen ngợi kỳ thi này thì không ít người còn kiếm cớ để tiếp tục “ném đá” như “ném đá” chữ “thấu cảm” trong đề thi ngữ văn, thậm chí có nhà nghiên cứu còn chê luôn cả đoạn trích từ “Đất nước” (trích “Mặt đường khát vọng”) của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Phản hồi từ đa số học sinh và phụ huynh (những người có đọc kỹ đề thi) là đề thi rất hay khi chọn hai vấn đề “thấu cảm” và “đất nước” rất ý nghĩa và phù hợp với tình hình xã hội hiện nay. Giáo dục là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm và gần gũi với xã hội, song không phải vì thế mà bất cứ ai cũng có thể phán, ngay cả khi họ không hề có kiến thức, không hề tìm hiểu gì về giáo dục. Không hiểu thì phán càng dễ... Nếu ai ngồi lên vị trí ấy cũng không được yên thân, cũng phải nhận “gạch đá” tơi bời như vậy thì họ khó lòng làm tròn trách nhiệm và thử hỏi những người “ném đá” ấy, liệu có đề xuất gì hay ho để phát triển giáo dục hay không, hay chỉ là phê phán?
Khi thấy ai đó làm được việc tốt, nhiều người tỏ ra nghi ngờ rằng tốt để làm màu, để PR, hay là có âm mưu, tư lợi chi đây. Khi ai đó khen một việc làm tốt của người khác cũng bị nghi ngờ chắc là có ai thuê viết, chắc là viết để lấy tiền rồi đây. Khi có ai đó chia sẻ một người tốt việc tốt thì nhiều người lướt qua chẳng thèm like… Dường như có sự hoán đổi rất rõ ràng, nếu trước đây nhiều người dị ứng với cái xấu bao nhiêu thì giờ họ dị ứng với cái tốt bấy nhiêu. Xin hãy trả lại đúng trật tự ban đầu: Dị ứng với cái xấu và ủng hộ cái tốt, điều đó tùy thuộc vào thái độ của mỗi người với cuộc sống, bởi: “Hai người cùng nhìn xuống. Một người chỉ thấy vũng nước, người kia lại nhìn thấy những vì sao” (Đốp-Gien-Cô).