Tổ trọng tài đầu tiên của Việt Nam được thực hành công nghệ VAR là trọng tài chính Hoàng Ngọc Hà, 2 trợ lý là các ông Phạm Hoài Tâm và ông Nguyễn Trung Hậu. Trọng tài thứ 4 là ông Nguyễn Trung Kiên.
|
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà trao đổi với trọng tài phòng VAR. |
Hỗ trợ và điều hành buổi thực tế là cựu trọng tài Võ Minh Trí - Uỷ viên Ban Trọng tài VFF và "cựu cờ vàng" Phạm Mạnh Long. Các thành viên của FIFA trực tiếp giám sát hoạt động ngoài sân và trong xe VAR.
18 trọng tài Việt Nam tham gia tập huấn được chia làm 4 tổ vận hành. Các cầu thủ U17 Hà Nội FC được chọn làm "quân xanh" để mô phỏng tình huống thực tế. Ông Võ Minh Trí là người điều hành các cầu thủ trẻ thực hiện tình huống sao cho đúng yêu cầu. Ở tổ vận hành đầu tiên, các cầu thủ của U17 Hà Nội FC gặp khá nhiều khó khăn và nhiều thời điểm chưa thích nghi được với yêu cầu.
|
PhòngVAR được các trọng tài thực hành tại Việt Nam. |
Trọng tài Hoàng Ngọc Hà không gặp nhiều khó khăn để ra quyết định liên quan đến các tình huống phạm lỗi trong vòng cấm, tình huống để bóng chạm tay hay tình huống việt vị. Tuy nhiên, theo yêu cầu thực tế tình huống, ông Hà tham khảo VAR khi có tình huống bóng vào lưới nhưng nghi ngờ cầu thủ ghi bàn mắc lỗi. Từ phòng VAR, các trọng tài thông báo qua bộ đàm cho trọng tài Hoàng Ngọc Hà.
Theo tư vấn từ FIFA, trọng tài chính là người duy nhất được giao tiếp với phòng VAR. Các trợ lý có quyền lắng nghe bất kể trao đổi nào từ phòng VAR nhưng được yêu cầu không hồi đáp. Ở các tình huống việt vị, trọng tài chính trực tiếp tham khảo hình ảnh từ màn hình nếu cảm thấy cần thiết.
Trong ngày 14/6, sẽ có một trận đấu thực tế để các trọng tài tham gia vận hành VAR. Đây là bước quan trọng và quyết định đến việc VAR có được áp dụng tại V-League 2023 hay không.
|
Việc thực hành, khóa đào tạo trọng tài VAR thứ 3 được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức. |
Bên cạnh việc thực hành, khóa đào tạo trọng tài VAR thứ 3 được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức. Khóa đào tạo này có 18 trọng tài, trợ lý trọng tài tham dự.
Đây cũng được xem là khóa đào tạo trọng tài VAR rất quan trọng, bởi nếu các trọng tài vượt qua được đợt kiểm tra, đánh giá của FIFA thì thời điểm VAR được phép áp dụng tại Việt Nam sẽ sớm được xác định.
Trước khóa này, các trọng tài đã trải qua các bước đào tạo lý thuyết và 2 đợt tập trung tại phòng LAB. Ở đợt 3, các trọng tài được đào tạo thực hành trên xe VAR, với độ khó tăng dần. Cụ thể, bước 3A đào tạo trong 2 ngày với hai đội bóng thi đấu trên sân, diễn tập các tình huống mô phỏng ngắn trong 10 phút.
Bước 3B diễn ra trong 6 ngày, với các tình huống mô phỏng 30 phút. Cuối cùng là bước 3C đào tạo trong 3 ngày, với hai đội thi đấu trọn vẹn 90 phút. Các chuyên gia của FIFA sẽ giám sát, hướng dẫn sự phối hợp giữa trọng tài chính với trọng tài VAR.
Trong buổi khai mạc khóa đào tạo trọng tài VAR đợt 3 sáng 8-6, Tổng giám đốc VPF Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: "Khóa đào tạo đợt 3 này rất quan trọng. Việc quyết định thời điểm triển khai VAR tại Việt Nam phụ thuộc vào đợt đào tạo này. Do đó, chúng tôi hy vọng 18 trọng tài, trợ lý trọng tài sẽ vượt qua các bài kiểm tra, đánh giá của FIFA để chúng ta có thể sớm áp dụng VAR vào các giải bóng đá chuyên nghiệp".