Nội dung đồng đội hỗn hợp ở môn cầu lông lần đầu xuất hiện ở SEA Games. Đây là nội dung đã được chủ nhà thông qua theo điều lệ và quy định 5 nước tham gia là Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste và Myanmar.
Điều này nghĩa là cầu lông sẽ có thêm một bộ huy chương cho 5 nước kể trên tranh tài, mà không vấp phải sự cạnh tranh lớn từ các quốc gia có thế mạnh cầu lông ở Đông Nam Á khác như Malaysia, Indonesia, Singapore hay Việt Nam.
Thùy Linh và các đồng đội ở ĐT Cầu lông việt Nam sẽ phải cố gắng hết sức.
Ở SEA Games 32, mục tiêu của cầu lông Việt Nam là giành từ 1 tới 2 HCĐ, nên việc không thể dự nội dung đồng đội hỗn hợp này không làm ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch và mục tiêu của đội tuyển cầu lông.
Một cán bộ Đoàn Thể thao Việt Nam cho biết, nội dung này đã được các nước đồng ý. Chủ nhà cũng không bỏ nội dung phổ biến nào như đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ. Giới chuyên môn tin rằng chủ nhà Campuchia sẽ có tính toán để dồn sức lấy HCV, qua đó nâng cao thành tích ở kỳ SEA Games đầu tiên trên sân nhà.
Tuy nhiên, việc chủ động giới hạn đối thủ tranh tài ở môn cầu lông nói riêng cũng không phải tiền lệ tốt. Một số lãnh đội các đội cũng có ý kiến không tán thành từ đầu nhưng cuối cùng, nội dung này vẫn được thông qua và đưa vào tranh tài.
Trước khi tham dự SEA Games 32, đoàn cầu lông Việt Nam sẽ tranh tài ở giải cầu lông vô địch châu Á tại Dubai (UAE). 8 VĐV tham dự là Nguyễn Hải Đăng, Nguyễn Thùy Linh, Nguyễn Đình Hoàng, Trần Đình Mạnh, Đinh Thị Phương Hồng, Phạm Thị Khánh, Phạm Văn Hải, Thân Vân Anh.