Gia tăng những cái chết vì… “selfie”
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Family Medicine and Primary Care cho biết, từ chỗ chỉ có 3 trường hợp tử vong do “selfie” được ba báo cáo vào năm 2011 thì đến năm 2016 con số đó đã tăng lên 98. Đến nay có khoảng 259 người trên toàn thế giới đã tử vong trong khi chụp ảnh tự sướng.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Y khoa toàn Ấn Độ - một nhóm các trường Đại học Y tế công lập ở New Delhi, phát hiện ra rằng, từ tháng 10/2011 đến tháng 11/2017, số lượng nạn nhân của “selfie” nhiều nhất là ở Ấn Độ, tiếp theo là Nga, Mỹ và Pakistan. Trong đó, Ấn Độ chiếm hơn một nửa tổng số người chết vì “selfie” với 159 trường hợp. Số ca tử vong do “selfie” cũng đang gia tăng.
|
Ảnh minh họa. |
Hầu hết nạn nhân là nam giới (khoảng 72%) và dưới 30 tuổi, dù phụ nữ thường có nhiều ảnh “selfie” hơn nam giới. Theo lý giải của các nhà nghiên cứu về số lượng tử vong và sự cố của nam giới khi chụp ảnh tự sướng thường cao hơn nữ giới là do bản tính phiêu lưu, ưa mạo hiểm nên nam giới thường gặp nhiều rủi ro hơn phụ nữ khi “selfie”.
Nghiên cứu cũng thống kê được chết đuối là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong khi chụp ảnh “selfie”, thường xảy ra do người chụp ảnh tự sướng với những đợt sóng biển và bị cuốn trôi hoặc rơi ra khỏi tàu/thuyền trong lúc chụp ảnh.
Nguyên nhân thứ hai được liệt kê liên quan đến sự “di chuyển” như, bị tai nạn trong khi cố gắng chụp một bức ảnh với nền là một chuyến tàu đang lao tới. Nguyên nhân thứ ba dẫn đến những cái chết do “selfie” dính dáng đến hỏa hoạn và rơi từ trên cao. Và có đến 8 người đã chết trong khi chụp ảnh tự sướng với những con vật nguy hiểm.
Ngoài ra, Mỹ dẫn đầu số người chết khi chụp ảnh tự sướng với súng vì vô tình để súng cướp cò. Tuy nhiên, những sự cố đáng tiếc này nhiều khi chỉ được báo cáo như những vụ tai nạn thông thường mà không lưu ý đến nguyên nhân chính là do chụp ảnh tự sướng.
Cảnh báo các khu vực “không được tự sướng”
Để tránh những hậu quả đáng tiếc này, nhiều ý kiến đề nghị nên thiết lập các cảnh báo về những “khu vực không được selfie” ở các khu du lịch, đặc biệt là trên các đỉnh núi, gần các vùng nước và trên các tòa nhà cao tầng. Ấn Độ có hơn một chục khu vực như vậy, bao gồm một số khu ở Mumbai. Cảnh sát Mumbai đã xác định chính xác các địa điểm quanh TP nơi họ muốn “hạn chế” mọi người để ngăn chặn thêm thương vong do bất cẩn khi “selfie”. “Đây là một vấn đề mới đối với chúng tôi”, phát ngôn viên cảnh sát Dhananjay Kulkarni nói với CNN.
Sau một loạt các vụ tử vong liên quan đến “selfie” vào năm 2015, cảnh sát ở Nga đưa ra một cuốn sách nhỏ cảnh báo mọi người về việc “chụp ảnh tự sướng an toàn” và phát cho cả học sinh và công chúng. “Một bức ảnh tự sướng có thể khiến bạn mất mạng”, cuốn sách nhỏ này cảnh báo. Những hướng dẫn trong hai trang sách chứa các hình ảnh minh họa giống như các biển báo giao thông, hầu hết đều dựa trên các sự cố thực tế. Chẳng hạn như trường hợp của một phụ nữ 21 tuổi vô tình bắn vào đầu và một thiếu niên bị tàu hỏa đâm sau khi cố chụp ảnh tự sướng trên đường ray. Tài liệu cũng cảnh báo chống lại được chụp ảnh tự chụp với động vật, trên mái nhà, trên dây,…