Trận thua bạc nhược trước Atletico Madrid đã chính thức dập tắt mọi hi vọng của Arsenal trong nỗ lực cố gắng cứu vãn một mùa giải bết bát. Đội bóng của Arsene Wenger vẫn không thể lọt vào Top 4 giải Ngoại hạng, nhận thất bại tệ hại trước Man City trong trận chung kết League Cup, và giờ là nói lời chào tạm biệt danh hiệu Europa League. Giấc mơ có một kết thúc ngọt ngào chia tay chiến lược gia người Pháp cũng chấm hết từ đây.
Phải chứng kiến vết tích đáng quên này của đế chế lụi tàn Arsene Wenger, các CĐV Pháo thủ không thể tránh khỏi đau lòng. Họ gắn bó bằng tình yêu và niềm tin với đội bóng thành London, vẫn khắc sâu trong tâm trí thành tích vô tiền khoáng hậu 49 trận bất bại của The Gunners. Thế nhưng, những dấu ấn ngọt ngào đó giờ đây đã trôi về dĩ vãng, chỉ là một miền quá khứ "vang bóng một thời".
|
Wenger (phải) trong thời đại hoàng kim cùng Arsenal. |
Quay ngược dòng thời gian trở về quá khứ, Arsene Wenger đặt chân đến London vào một ngày mùa thu năm 1996. Mang theo những bài học tôi luyện ở Nhật Bản, HLV người Pháp tạo nên một cuộc cách mạng làm thay đổi mọi thứ tại Highbury, từ chiến thuật thi đấu, chính sách chuyển nhượng của đội bóng cho đến chế độ dinh dưỡng, phương pháp tập luyện cho cầu thủ.
Thành công đến với Giáo sư không lâu sau đó. Mùa giải 1997/98, Arsenal lập cú đúp Ngoại hạng Anh và FA Cup, thậm chí còn hoàn thành cú ăn ba trong mùa 2001/02. Các Pháo Thủ đạt tới đỉnh cao huy hoàng khi trở thành The Invincibles hai năm sau đó, với chuỗi 38 trận bất bại một cách trọn vẹn, là tiền đề để đi vào lịch sử cùng thành tích 49 trận bất bại vang danh sử sách.
11 mùa giải đầu tiên khi Wenger đương nhiệm, Arsenal vô địch hoặc về nhì đến 8 lần. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì các CĐV có thể nhớ về những ngày tháng huy hoàng của The Gunners. Sau đó, chỉ toàn là những cơn thất vọng và cay đắng.
11 mùa giải cuối cùng của Wenger, Arsenal chỉ vọn vẹn có 3 chiếc cup FA cùng 3 Siêu cup nước Anh. Là do Ngoại hạng Anh ngày càng khắc nghiệt hay Wenger đã hết phép màu?
Gánh nặng trả nợ đè lên vai
Mỗi lần nhớ lại giai đoạn khó khăn khi Arsenal phải trả nợ khoản phí xây Emirates, Wenger không khỏi rùng mình. Thời điểm năm 2006, đội bóng thành London đánh đổi khoản nợ tăng từ 153 triệu bảng lên 262 triệu bảng để được chơi trên sân vận động mới hoành tráng.
"Giai đoạn 2006 - 2014 là cực kỳ khó khăn, khó nhất trong đời tôi. Sân vận động tiêu tốn 420 triệu bảng và chúng tôi phải trả nợ cho nó mỗi năm. Nếu bạn muốn trải qua điều đó một lần nữa, tôi sẽ nói không, cảm ơn", Giáo sư ngậm ngùi chia sẻ.
|
Sân Emirates khiến Arsenal vấp phải một khoản nợ khổng lồ. |
Từ việc mở rộng quy mô sân vận động, Ban lãnh đạo Arsenal đã vô tình đẩy đội bóng vào những khó khăn tài chính cùng cực, kéo theo hàng loạt hệ luỵ về sụt giảm thành tích.
Thậm chí, có người đã khẳng định đây chính là bước đi sai lầm, cho thấy tầm nhìn tài chính ngắn hạn của Arsenal trong bối cảnh các CLB tại Ngoại hạng Anh phát triển như vũ bão.
Để trả nợ, dĩ nhiên Wenger phải bán đi những gì tốt nhất của ông. Họ bán đi mọi cầu thủ đang đạt đến phong độ cao nhất, miễn là có ai đó hỏi và chào một mức giá tương xứng.
Lần lượt những các thủ lĩnh Vieira, Henry rời khỏi Arsenal để đến với những đội bóng lớn tại châu Âu. Theo lẽ đó, đội hình của Pháo thủ nứt vỡ ngày càng nhiều hơn, trong khi các cầu thủ trẻ đóng vai trò san lấp vẫn cần thêm thời gian để phát triển.
Biến học trò thành đối thủ
Khi Arsenal với dàn nhân sự mỏng thể hiện rõ sự hụt hơi, các đối thủ cùng giải đấu lại phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thế lực mới nổi Chelsea được ông chủ người Nga vung tiền mua bom tấn, trong khi kỳ phùng địch thủ MU luôn biết đưa về Old Trafford những bản hợp đồng đầy tài năng.
Chỉ 2 năm sau mùa giải 2003/04 lịch sử, Arsenal đã không còn là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua giành ngôi vô địch giải Ngoại hạng. Thậm chí, vào thời điểm sau này, Man City chính thức bước vào cuộc chơi Top 4, đá bật bãi thầy trò Wenger ra khỏi vị trí tưởng chừng bất khả xâm phạm.
Bán cầu thủ có lẽ là cách làm kinh tế hiệu quả nhất đối với Giáo sư. Nhưng bán học trò cưng cho các đối thủ trực tiếp thì thực sự là thảm họa.
Mùa giải 2011/12 là giai đoạn các CĐV Arsenal đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Samir Nasri, Clichy sang Man xanh, Fabregas trở về Barcelona, còn Wenger đưa về Emirates những Andre Santos, Mikel Arteta và Gervinho để bù đắp khoảng trống.
|
Arsenal chấp nhận bán chân sút hàng đầu Van Persie cho MU |
Như một cơn ác mộng bất tận, mùa bóng tiếp theo, khi Robin Van Persie gần như gánh cả đội leo lên vị trí thứ ba trên bảng xếp hạng Premier League, Wenger cũng phải bán anh cho sân Old Trafford, còn Alexandre Song chuyển tới xứ Catalan.
Từ việc đóng vai trò là trụ cột trong đội hình của Pháo thủ, các cầu thủ kể trên bỗng trở thành những thách thức khó nhằn khi họ cứ ngày ngày làm giàu lên bảng thành tích của đội bóng mới. Arsenal không thể trách ai, ngoài chính mình.
Năm 2014, Wenger gần như chuộc lỗi với các khán giả nhà bằng cách vung tiền đưa hàng loạt cầu thủ Alexis Sanchez, Calum Chambers, Gabriel, Welbeck và Debuchy về Emirates.
Tuy nhiên, bấy nhiêu cũng không đủ để Arsenal cạnh tranh ngôi vô địch quốc nội với các thế lực hùng hậu khác. Có chăng chỉ là một chức vô địch FA Cup xoa dịu cơn khát danh hiệu sau 8 năm tay trắng.
Tuy nhiên, một cái tên xứng đáng được đưa về Emirates, thì Wenger lại khước từ, đó là Cesc Fabregas. Wenger cho rằng việc mua F4 là không logic, thừa mứa khi đội bóng đã có quá nhiều cầu thủ mang thiên hướng tấn công.
Kết quả, Fabregas tỏa sáng rực rỡ trong màu áo Chelsea, cùng The Blues đăng quang hai mùa Premier League, như càng xát muối thêm vào trái tim của các CĐV phía bên kia thành London.
Thiếu một thủ lĩnh trên sân cỏ
Đã từ rất lâu Arsenal không có một người đội trưởng thực sự. Họ chỉ có một người cầm đầu duy nhất, đó là Asene Wenger.
Tại Emirates, Pháo thủ thiếu đi một người đội trưởng có khả năng dẫn dắt, truyền cảm hứng và là sức mạnh tinh thần cho các đồng đội. Wenger giờ đây không thể tìm ra một ai đó làm được như những gì Patrick Vieira, Campell, Henry có thể làm cho The Gunners.
|
Wenger chẳng thể tìm được một thủ lĩnh tinh thần như Henry cho Arsenal. |
Ở phía bên kia chiến tuyến, những người đồng nghiệp của Wenger lại sở hữu John Terry, Wayne Rooney, Steven Gerrard... những người đội trưởng đóng vai trò là linh hồn, là xương máu của CLB. Thậm chí tại Leicester City, đội bóng đã có một mùa giải điên rồ khi đăng quang vô địch Ngoại hạng 2015/16, cũng không thiếu những Morgan, Huth, Schmeichel là trụ cột vững vàng cho toàn đội.
Đó là chưa kể, Arsenal giai đoạn sau không sở hữu nổi một họng pháo nào có khả năng ghi hơn 25 bàn thắng trong một mùa giải Ngoại hạng. Nhìn vào lịch sử của giải đấu, một đội bóng vô địch sẽ thường sở hữu vua phá lưới hay một chân sút thiện chiến có khả năng nổ súng liên tục. Wenger đã luôn bỏ khuyết tầm quan trọng của một tiền đạo hàng đầu.
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, mùa giải 2017/18 sẽ khép lại, kỷ nguyên Wenger tại Emirates cũng chính thức hạ màn. Lịch sử bóng đá lâu đời của xứ sở sương mù đã chứng kiến những bước thăng trầm của Arsenal, những giai đoạn cả thành công lẫn thất bại của Giáo sư.
Khép lại 22 năm gắn bó với đội bóng phía Bắc London, vị chiến lược gia người Pháp chẳng thể có cho mình một cái kết trọn vẹn. Nhưng bóng đá là thế, cuộc đời là thế, lịch sử chỉ tôn vinh những người chiến thắng...