Không chỉ là bệ phóng tài năng của người trẻ Việt, Đường lên đỉnh Olympia còn là sân chơi trí tuệ chứa đựng nhiều bất ngờ khó tin. Trải qua 17 năm với bao sự thay đổi và phát triển, qua mỗi một mùa, hành trình leo núi, chinh phục tri thức của các bạn trẻ tài năng lại có thêm dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
Trước thềm chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17, cùng điểm lại những con số ấn tượng, ẩn chứa nhiều điều bất ngờ của chương trình trong 17 năm qua.
Số 1
Là số quán quân Olympia trở về Việt Nam làm việc sau nhiều năm du học tại nước ngoài.
Lương Phương Thảo (học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) vô địch Olympia năm 2003. Cô theo học ngành Kinh doanh quốc tế và Marketing, Đại học Monash, thành phố Melbourne, Úc. Cô là nhà vô địch duy nhất đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Số 2
|
Hai chàng trai giữ kỷ lục điểm số Olympia cho đến thời điểm hiện tại |
Là số thí sinh thiết lập nên kỷ lục điểm số “460 điểm” của Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 17 năm qua. Đó là Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (trường THPT Lê Quý Đôn, Ninh Thuận) và Phan Đăng Nhật Minh (trường THPT Hải Lăng, Quảng Trị). Cả hai đều thi đấu xuất sắc, giành được 460 điểm trong cuộc thi tuần của Olympia 2016 và Olympia 2017.
Số 3
3 là con số đầy “duyên nợ” với Đường lên đỉnh Olympia khi có quá nhiều điều bất ngờ gắn liền với nó.
Đó là số thành viên trong một gia đình tham gia cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. Cuộc thi Olympia tuần 3, tháng 1, quý III phát sóng ngày 22/2/2015 có sự góp mặt của Nguyễn Hữu Trí (học sinh trường THPT Tùng Thiện, Hà Nội).
|
Gia đình có 3 người từng tham gia đấu trường Olympia |
Trí tiết lộ, trong gia đình anh còn có hai người khác từng là thí sinh của “Đường lên đỉnh Olympia”, đó là chị gái Nguyễn Ngọc Trang (Olympia năm thứ 8) và anh rể Trần Ngọc Tân (Olympia năm thứ 7). Ngọc Trang và Ngọc Tân cũng là cặp đôi nên duyên nhờ sân chơi trí tuệ này.
|
3 nữ quán quân của Olympia |
3 là số thí sinh nữ từng giành vị trí quán quân của Đường lên đỉnh Olympia. Đó là Trần Ngọc Minh (học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) vô địch Olympia năm thứ nhất, Lương Phương Thảo (học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long) vô địch Olympia năm thứ ba và Phạm Thị Ngọc Oanh (trường THPT Tiên Lãng, Hải Phòng) vô địch năm thứ 11 . Đây là 3 cô gái “vàng” của Đường lên đỉnh Olympia, xuất sắc giành vòng nguyệt quế từ chương trình.
|
3 MC tên Chi tài năng, xinh đẹp của Olympia |
Trong số 7 MC nữ từng dẫn chương trình Đường lên đỉnh Olympia thì có tới 3 cô gái tên Chi. Đó là Tùng Chi, Khánh Chi, Diệp Chi. Cả ba MC đều gây ấn tượng với lối dẫn hoạt ngôn và sôi động.
|
Trần Ngọc - MC mát tay nhất lịch sử chương trình |
MC Trần Ngọc được mệnh danh là MC “mát tay” nhất lịch sử chương trình khi 3 điểm cầu truyền hình anh tham gia dẫn chung kết đều có học sinh giành ngôi vô địch. Đó là trường THPT chuyên Bắc Giang Olympia năm 13, THPT chuyên Tiền Giang Olympia năm 14 và THPT Thị xã Quảng Trị Olympia năm 15.
Số 4
|
Ngọc Tân - Ngọc Trang, cặp đôi nổi tiếng vì chuyện tình đẹp |
Là số cặp đôi nên duyên vợ chồng sau khi tham gia Đường lên đỉnh Olympia. Không chỉ là nơi giao lưu, kết bạn, trao đổi kiến thức, Đường lên đỉnh Olympia còn là “bà mối” mát tay, se duyên cho 4 cặp đôi thành vợ, thành chồng.
Đó là các cặp đôi Phạm Ngọc Viễn Linh – Cao Minh Thùy Linh (Olympia năm thứ 7), Mai Thanh Tiếp – Nguyễn Thanh Xuân (Olympia năm thứ 3), Phạm Văn Thắng (Olympia năm thứ 2) – Phương Quỳnh (Olympia năm thứ 4), Trần Ngọc Tân (Olympia năm thứ 7) – Nguyễn Ngọc Trang (Olympia năm thứ 8).
Số 5
|
Cuộc thi duy nhất có 5 thí sinh đứng trên sân khấu |
Mỗi cuộc thi của Đường lên đỉnh Olympia chỉ có sự góp mặt của 4 thí sinh, 17 năm qua chưa từng thay đổi. Tuy nhiên, trong cuộc thi chung kết năm 2009, lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này, Đường lên đỉnh Olympia có sự góp mặt của 5 thí sinh.
Cuộc thi quý III của Olympia 2009 có một câu hỏi gây ra khá nhiều tranh luận. Sau khi cân nhắc, BTC quyết định công nhận giải nhất quý III cho cả hai thí sinh là Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng.
Cuộc thi chung kết năm đầu tiên được đặt tại 5 điểm cầu, THPT Bỉm Sơn (Thanh Hóa), trường Phổ thông năng khiếu ĐH Quốc gia TP.HCM, trường Quốc học Huế (Thừa Thiên Huế), trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) và trường THPT Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Đây được xem là cuộc thi chung kết nghẹt thở nhất trong lịch sử và người dành chiến thắng là Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế).