Vào lúc 16h25 chiều 25/6 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hạ cánh sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Đón đoàn tại sân bay có lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba, Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Trung Quốc. Ảnh Dân Trí.
|
Cùng với đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai, đông đảo đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc và các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Trung Quốc với quốc kỳ hai nước đón chào Thủ tướng và đoàn đại biểu. Theo lịch trình, chiều tối cùng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Trung Quốc.
Lễ đón chính thức và hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Thủ tướng Lý Cường sẽ diễn ra ngày mai 26/6. Tiếp đó là chương trình Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam – WEF và Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.
Ngày 27/6, bắt đầu cho chương trình hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Thiên Tân (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các hoạt động dày đặc dự và chủ trì nhiều phiên họp quan trọng, gặp gỡ một số nhà lãnh đạo các nước và các nhân sĩ hữu nghị, các doanh nghiệp Trung Quốc…
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu phiên toàn thể “Đương đầu với các cơn gió ngược: Khởi động lại tăng trưởng trong bối cảnh mong manh; dự và phát biểu tại buổi ăn trưa làm việc của các nhà lãnh đạo với chủ đề “ngăn ngừa một thập kỷ mất mát”. Cũng theo lịch trình, Thủ tướng sẽ hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Triệu Lạc Tế…
Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có 3 ý nghĩa hết sức quan trọng, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. Ông nhấn mạnh đây là chuyến thăm tiếp nối truyền thống tiếp xúc và giao lưu cấp cao giữa hai nước; góp phần tăng cường tin cậy chính trị, thúc đẩy tìm ra giải pháp với các vấn đề còn khác biệt, trong đó có vấn đề trên biển.
Chuyến thăm này cũng sẽ tập trung tìm ra các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại, đặc biệt là giao lưu thương mại hàng hóa giữa biên giới hai nước, tháo gỡ cho các dự án hạ tầng lớn còn tồn tại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao cho rằng việc lãnh đạo Chính phủ Việt Nam là một trong 4 lãnh đạo Chính phủ chủ chốt được mời tham dự Hội nghị này cho thấy sự coi trọng của WEF cũng như cộng đồng doanh nghiệp quốc tế với vị thế, vai trò của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quyết tâm cải cách và mở cửa nền kinh tế của Việt Nam.
Thông qua hội nghị lần này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi các nền kinh tế thành viên khác cũng như các doanh nghiệp lớn trong việc tạo dựng khơi thông, kích hoạt và tranh thủ các động lực tăng trưởng mới.