Sân bay Long Thành chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Google News

Bộ trưởng GTVT cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, nếu tiếp tục chậm sẽ tháo gỡ kịp thời để dự án sân bay Long Thành triển khai đúng tiến độ.

Sáng 9/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nhiều vướng mắc dẫn tới chậm tiến độ
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các ĐBQH tại phiên thảo luận tại tổ và tại phiên thảo luận tại hội trường hôm nay đối với dự án này.
San bay Long Thanh cham tien do, Bo truong Bo GTVT noi gi?
 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng giải trình về Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh:QH.
Ngay sau phiên thảo luận tại Tổ, cơ quan soạn thảo đã có Báo cáo tiếp thu, giải trình đối với các nội dung ĐBQH quan tâm.
Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan khi không kịp thời trình Quốc hội khó khăn, vướng mắc. Dự án giải phóng mặt bằng phải hoàn tất trong năm 2021, nhưng tới năm 2023 mới điều chỉnh.
Ông Thắng cho biết, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được UBND tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh đã được Hội đồng thẩm định Nhà nước và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, rà soát bảo đảm đầy đủ cơ sở chính xác và trung thực theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai...
“UBND tỉnh Đồng Nai là chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện”, ông Thắng khẳng định.
Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan.
Trong đó, có việc nhân sự chủ chốt của UBND tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi, thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng.
Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án thì các bước phê duyệt, quá trình triển khai cũng có rất nhiều những vướng mắc liên quan đến những vấn đề thể chế.
"Qua các góp ý của các ĐBQH, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó “rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới”, ông Thắng khẳng định.
Phấn đấu hoàn thành trong năm 2025
Liên quan băn khoăn diện tích đất chưa được thu hồi giải phóng mặt bằng có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, Bộ trưởng cho biết đến nay UBND tỉnh Đồng Nai đã thu hồi đạt tổng diện tích là 4.882/5.000 ha và đạt 97,6 %; đã bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn cho Giai đoạn 1 để ACV và các chủ đầu tư triển khai dự án.
"Phần diện tích còn lại khoảng 2,4 % thì thuộc Giai đoạn 2, cho nên hiện nay việc chậm thu hồi giải phóng mặt bằng diện tích còn lại thì cũng không làm ảnh hưởng đến việc thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành", ông Thắng nói.
Dự án tổng thể bao gồm dự án đầu tư Xây dựng Cảng hàng không Long Thành Giai đoạn 1 là gói thầu xây dựng nhà ga hành khách chính là đường găng tiến độ của dự án.
Vừa qua, ACV đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và đã khởi công ngày 31/8/2023, theo hợp đồng thì thời gian thi công là 39 tháng. Do vậy, nếu đúng theo hợp đồng dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10 - 11/2026. Nếu theo tiến độ này thì như vậy là dự án sẽ chậm hơn so với yêu cầu Nghị quyết 94 của Quốc hội - đó là phải hoàn thành trong năm 2025.
Hiện chủ đầu tư cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu hoàn thành được trong năm 2025 là tốt nhất.
Về giải pháp triển khai, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.
UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ thi công tổng thể, chi tiết, theo dõi, đôn đốc kịp thời, và có các biện pháp tăng cường. "Nếu bị chậm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ theo dõi sát sao, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo theo các nội dung Nghị quyết của Quốc hội để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, góp phần để dự án triển khai đúng tiến độ", ông  Thắng khẳng định.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Trịnh Xuân An  (đoàn Đồng Nai) cho hay, cử tri và nhân dân Đồng Nai mong mỏi dự án này được hoàn thành sớm. "Sớm một ngày cũng tốt", đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ. 
Phát biểu tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự án này không thể dừng lại được. Trước đây, Quốc hội khóa 13 đã ban hành chủ trường đầu tư dự án này. Nghị quyết số 26 năm 2016 của Quốc hội khóa 14 chủ trương cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng để giải quyết.
đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị nghiên cứu phương án: Quốc hội cho chủ trương kéo dài dự án này đến năm 2025 để trùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các vấn đề còn lại thì do Chính phủ quyết định.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)