- Thưa Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, với những đặc thù riêng thì tuyển sinh CAND gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Cho đến bây giờ thì tôi thấy thuận lợi vẫn là cơ bản, kỳ thi chung giúp chúng tôi “nhàn nhã” hơn ở khâu tổ chức thi, không chịu nhiều sức ép như các năm trước. Như năm 2014, việc tổ chức thi cho gần 100 ngàn thí sinh tham dự khiến các trường CAND rất vất vả. Giáo viên được nghỉ hè phải đi làm thi, có trường phải huy động cả sinh viên năm cuối.
Sau khi thi xong thì khâu rọc phách và chấm thi cũng rất vất vả, vì chấm vài trăm ngàn bài thi là cả một vấn đề, nhiều trường phải thuê chấm thi. Coi thi đã phức tạp, giám sát chấm thi cũng căng thẳng.
Trước kỳ thi chung, chúng tôi cũng lo lắng vì có tới gần 93 ngàn thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường CAND; rồi lo lắng khâu nhập dữ liệu cho thí sinh sau khi có điểm thi trong thời gian rất ngắn, từ 14 đến 20/8 phải hoàn tất nhập dữ liệu, từ 21 – 25, các trường phải xây dựng xong phương án điểm xét tuyển.
Nhưng Tổng cục Chính trị CAND đã có chỉ đạo quyết liệt Công an các đơn vị, địa phương phải tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh khi các em nộp giấy báo điểm, do đó mọi việc khá suôn sẻ.
Thực tế, số lượng thí sinh nộp nguyện vọng 1 vào các trường CAND so với đăng ký ban đầu chỉ đạt hơn 50%, có trường chỉ 49%, cao nhất là Đại học Phòng cháy chữa cháy đạt hơn 75%. Thí sinh không đăng ký vì điểm thi quá thấp và cũng xác định mức điểm dưới 20 điểm thì khó có cơ hội trúng tuyển vào các trường CAND.
Do có sự chỉ đạo chặt chẽ, không cho thí sinh rút, nộp hồ sơ, công tác kiểm duyệt rất quyết liệt, nên việc xét tuyển của các trường CAND khá ổn. Bộ Công an quy định từ ban đầu không có chuyện rút nộp hồ sơ, chỉ nới rộng thời gian nộp giấy báo điểm của thí sinh cho Công an các tỉnh. Không có chuyện chờ đợi, xáo trộn, bức xúc căng thẳng. Trước đây, mỗi năm Bộ Công an phải bù lỗ khá tốn kém cho kỳ thi tuyển sinh, nay không phải tốn khoản chi phí này.
Nhưng tới đây, chúng tôi sẽ phải kiểm tra lại và đánh giá cụ thể. Sau khi xem xét tổng kết lại, sẽ có thêm những đánh giá về công tác coi thi của kỳ thi chung này và sẽ có đề xuất. Với các thí sinh thi vào các trường CAND, họ có hy vọng riêng của họ, xét ba nấc: ĐH, CĐ và trung cấp, nên các em có nhiều hy vọng.
Có những thí sinh nữ, 27 điểm mà không đủ điểm trúng tuyển cao đẳng, đại học mà trúng trung cấp, họ vẫn sẵn sàng học vì lợi thế của lực lượng CAND tuyển sinh là tuyển dụng. Sau đó, các em có thể học liên thông lên ĐH.
|
Thiếu tướng, PGS.TS Đỗ Ngọc Cẩn. Ảnh: Công An Nhân Dân. |
- Vì sao Bộ Công an dành ít chỉ tiêu cho thí sinh nữ như vậy, trong khi thí sinh nữ có điểm rất cao, năm 2015 có ngành lấy tới 29, 30 điểm. Như vậy có quá thiệt thòi cho các em hay không?
- Tôi chia sẻ với băn khoăn đó. Đó cũng là tâm lý chung và dư luận xã hội đã đặt vấn đề với chúng tôi về câu chuyện này. Có lẽ nó xuất phát từ đặc thù công tác của lực lượng CAND, không phải do “trọng nam khinh nữ” gì cả.
Đặc thù của lực lượng CAND hoạt động trên một lĩnh vực rất động, 80% công việc là động, đòi hỏi người chiến sỹ CAND có ít những ràng buộc khác. Với nữ, sau khi học xong tốt nghiệp, vài năm là đến tuổi xây dựng gia đình, sinh con, trách nhiệm với gia đình nên ảnh hưởng nhiều đến công việc.
Chính vì lẽ đó, Công an các đơn vị, địa phương đề nghị chỉ tuyển 10% nữ để bố trí vào những công việc tĩnh như tham mưu, tổng hợp, hành chính. Nhận nữ nhiều thì không đảm bảo yêu cầu công việc. Trước đây, một số Công an tỉnh còn không tuyển nữ. Sau đó, Bộ Công an nghiên cứu và yêu cầu phải tuyển 10% với nữ, riêng Học viện Chính trị CAND năm nay được tuyển 15%.
Còn vì sao điểm tuyển dành cho nữ cao như vậy? Các trường CAND không chủ trương tuyển thẳng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia, mà thực hiện chế độ cộng điểm. Số thí sinh nữ đi thi học sinh giỏi quốc gia lại khá nhiều, điểm thi đã cao, lại được cộng điểm thưởng, chỉ tiêu lại hạn chế nên điểm chuẩn tất yếu phải cao.
Năm ngoái có trường có 10 chỉ tiêu nữ, nhưng trong đó có tới hơn nửa đã được cộng điểm thưởng. Hay như hồi trước đây còn chế độ tuyển thẳng, có trường chỉ còn đúng 1 chỉ tiêu nữ dành cho xét tuyển bằng điểm thi đại học.
Thêm nữa, năm nay điểm ưu tiên khu vực cũng được nới rộng hơn so với năm trước. Rất đông thí sinh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là nơi có truyền thống hiếu học, học rất giỏi, khi thi vào trường Công an các em được cộng thêm điểm ưu tiên các loại, nên dâng điểm cao như vậy.
- Điểm chuẩn quá cao như năm nay có điều gì đó “bất thường” không, thưa Thiếu tướng?
- Tôi không nghĩ có gì bất thường. Điểm thi như vậy cũng không đột biến. Các trường dân sự tốp trên cũng cao như vậy. Điểm chuẩn CAND cao là một cách sàng lọc đầu vào hiệu quả.
Thực tế, bên cạnh các trường có điểm chuẩn cao thì cũng vẫn có những ngành điểm chuẩn ở mức khá, ổn định, như khối D1, Đại học An ninh nhân dân chỉ có 21,75 điểm (với nam), khối A1 là 23,5 điểm (nam).
- Dự kiến điểm xét tuyển CĐ, trung cấp có cao hơn nhiều không, thưa Thiếu tướng?
- Trên đà đó thì sẽ rất cao, điểm trung cấp dự kiến cũng không thấp hơn ĐH, CĐ bao nhiêu, mỗi một cấp chênh nhau khoảng 1 điểm. Vào CĐ, có ngành phải 25, 26 điểm, trung cấp sẽ rất cao so với các trường dân sự
- Thưa Thiếu tướng, chế độ ưu tiên cho thí sinh CĐ, trung cấp sẽ được thực hiện như thế nào?
- Ưu tiên cho ĐH, CĐ không có gì khác nhau, theo quy định của Bộ GD & ĐT. Riêng trung cấp, thực hiện chế độ xét tuyển nên Bộ Công an có quy định mang tính đặc thù: con có bố, hoặc mẹ công tác trong lực lượng CAND từ 15 năm trở lên được cộng thêm 2 điểm, để có nhiều điều kiện hơn cho con em “tiếp bước cha anh”.
- Năm 2016, xét tuyển CAND có tiếp tục theo kỳ thi THPT quốc gia hay hướng tới việc tổ chức thi riêng, thưa Thiếu tướng?
- Hiện nay, chúng tôi chưa bàn, nhưng Bộ Công an có chỉ đạo sau khi kết thúc xét tuyển sẽ có rút kinh nghiệm, trên cơ sở đề xuất của các trường, Công an các đơn vị địa phương sẽ có quyết định.
Việc một kỳ thi hai mục đích cũng đã đạt được kết quả nhất định, nhưng bên cạnh đó cũng còn có vấn đề, dư luận phản ứng và chắc chắn Bộ GD & ĐT sẽ có điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Bộ Công an sẽ có xem xét. Tổng cục Chính trị CAND sẽ có đề xuất, tham mưu, làm sao để công tác thi tốt hơn.
- Nhìn rộng ra kỳ thi THPT quốc gia năm nay, dưới góc độ một nhà quản lý giáo dục, Thiếu tướng có đề xuất, kiến nghị gì để kỳ thi năm tới sẽ đạt kết quả tốt hơn, đúng nghĩa với kỳ vọng của xã hội?
- Tôi rất chú ý theo dõi diễn biến của kỳ thi chung. Mục tiêu lớn nhất là giảm phiền hà, giảm tốn kém cho xã hội, nhưng quả thực theo cách làm vừa rồi thì người dân phàn nàn nhiều hơn là khen ngợi.
Theo tôi nghĩ cũng phải có một sự đổi mới, phải thay đổi trong công tác đăng ký và xét tuyển. Làm thế nào để việc thay đổi nguyện vọng không thể tùy tiện. Giữa việc xét tốt nghiệp và lấy kết quả đó để xét vào ĐH có độ “vênh” nhau.
Đề thi vừa rồi 60% câu hỏi ở mức trung bình, nhưng trong số 40% câu hỏi còn lại thì chỉ có một nửa kiến thức rất cao, còn lại chỉ là khá thôi. Như vậy, một thí sinh học khá cũng có thể đạt 8 điểm, cộng thêm điểm ưu tiên nữa. Do đó, phân loại có gì đó chưa tốt.
Tôi cho rằng, xét công nhận tốt nghiệp THPT nên giao cho các Sở GD & ĐT. Học sinh đã học 12 năm phổ thông rồi thì việc công nhận tốt nghiệp thuận lợi với các Sở, và đúng là việc của các Sở, làm thế sẽ nhẹ nhàng hơn. Thi vào ĐH thì nên giao cho các trường ĐH, CĐ sẽ tốt hơn. Đây cũng là xu hướng của thế giới, các trường ĐH phải được quyền nhận người vào theo cách của họ để chọn được người giỏi.
Còn nếu vẫn tiếp tục tổ chức thi “hai trong một” thì phải tính toán rất kỹ khâu đăng ký nguyện vọng, không thể có chuyện đăng ký rồi rút ra, nộp vào, bốn ngành trong cùng một trường. Có ngành người ta không thích nhưng phù hợp với điểm, thì họ chọn, mà chưa chắc đã đam mê, sau này học sẽ không thích thú, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.
Không thể cho mỗi đợt đăng ký 20 ngày, quá dài, quá mệt mỏi… Chỉ cần 1 nguyện vọng cứng và cho 1, 2 nguyện vọng bổ sung thôi. Mà không vào được ĐH thì nên học CĐ, không nhất quyết cứ phải vào ĐH.