Thưa nhà văn, trước vụ việc rút giải thưởng của Hội nhà Văn Hà Nội dành cho tập thơ “Sẹo độc lập” của nhà thơ Phan Huyền Thư với lý do tranh chấp hai bài thơ “Bạch lộ” và “Buổi sáng”, ông có ý kiến như thế nào về vụ việc này?
Trước hết đây là một câu chuyện buồn cho những ai coi thi ca, văn chương là giá trị cao quý góp phần làm nên giá trị văn hóa của mỗi dân tộc. “Bạch lộ” mà chả minh bạch!
|
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng, các hội viên của hội mà ứng xử bịp bợm lừa dối với nhau. |
Cũng là hội viên mà ứng xử tháu cáy (bịp bợm) với nhau, để đến mức phải lôi ra công lý, dù BCH Hội nhà văn Hà Nội là “công lý“ khu vực. Tôi tiếc cho Thư, nếu là tôi, tôi sẽ giữ lời hứa với chị Phan Ngọc Thường Đoan, không nói năng linh tinh trên trang cá nhân nhằm tự bào chữa, tôi thở sâu nghĩ kĩ, bay vào Nam đúng hẹn, gặp Phan Ngọc Thường Đoan, nói lời chân thật, có lẽ mọi sự sẽ êm nhẹ. Tôi thấy đây là bài học rất đắt cho ai yêu và còn muốn theo đuổi nghiệp văn.
Trên trang cá nhân của mình, nhà văn đưa ra rất nhiều ý kiến nghiêng về tác giả Phan Ngọc Thường Đoan, vì sao ông lại khẳng định nhà thơ này nói sự thật?
Tôi khá thích môn logic ngay từ khi học đại học trong thuật toán kinh tế. Người ngay thật không có hành vi quành quéo và bất nhất. Ở đây đặt hai đối tượng trên bàn, xem hai văn bản, sự chứng lí của những cá nhân làm chứng có uy tín. Phan Huyền Thư kêu gọi từ Du Tử Lê đến Đỗ Khiêm, có ai dám bảo chứng đâu? Lại thi sĩ Nguyễn Thụy Kha, một người bạn rất đáng trọng, cũng không đưa chứng cớ.
|
Ông cho rằng, Phan Huyền Thư không có chứng cứ xác thực. |
Tôi ở hải ngoại 25 năm, tham gia hoạt động văn nghệ từ 96 tới khi anh Khánh Trường mất, cũng là bạn viết của Hợp Lưu, cũng tham gia các diễn đàn văn học Mỹ, Pháp... sao tôi lại bỏ qua được một tác giả như Phan Huyền Thư. Chúng ta với linh nghiệm và trí nhớ cũng không quên chứng lý, về mặt này Thường Đoan đầy đủ và thuyết phục tôi hơn. Tôi tin ở những người lớn có lịch sử văn cách đứng đắn.
Khi nêu ra những vấn đề rắc rối gây mất lòng này, nhiều người cho rằng nhà văn đang “dìm” nhà thơ Phan Huyền Thư, ông ý kiến sao về sự việc này?
Xin nhớ rằng, tác phẩm nếu là vàng mã thì có tí lửa sẽ tan ra tro bụi, là vàng mười thì càng nóng càng sáng, chảy ra vẫn long lanh (ý nhà thơ Trần Đăng Khoa).
Nhà thơ Phan Huyền Thư, nếu có bị ai dìm, đốt... nếu đúng là vàng mười thì chả ai làm gì được. Vấn đề ở đây là, độc giả trên toàn thế giới nhìn vào các diễn biến mà tôi chỉ là kẻ đưa tin, hay đôi khi có vài ý như kính chiếu yêu cho họ.
Trước sự việc nhạy cảm này, nhiều người trong giới thường lẩn tránh và không muốn nói đến vì sợ động chạm, tại sao nhà văn lại muốn vào cuộc?
Đời tôi hai lần lăn lộn 11 năm ở chiến trường, 25 năm giữa tuyết băng kiếm cơm. Cả hai lần đều nhờ thơ và văn “Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Tôi xem xét sự vụ này vì tôi trân trọng văn hóa Việt mà trong đó thi ca là nơi rất cần sự tinh khiết phát sáng giữa những tâm hồn sạch sẽ.
Đó là việc cần làm cho thi ca chứ không chỉ một con người bằng da bằng thịt cụ thể như nhà thơ lớn tuổi Phan Ngọc Thường Đoan.
Nhiều người trong giới chia sẻ chưa chắc Phan Huyền Thư đã “đạo”, vì chuyện thơ phú thường có chuyện trùng ý tưởng. Nhà văn nghĩ sao về điều này?
Mỗi người đều bình đẳng trước thượng đế, nghĩ sao là quyền của họ. Nhưng tôi xin nói rằng, một bài thơ trùng ý tưởng chỉ có thể một từ, một câu...còn đã 90 phần trăm tứ, 80 phần câu từ, cả cách xuống dòng ngắt nhịp thì dứt khoát có kẻ thấp hèn về văn cách, không còn có chuyện ý tưởng lớn gặp nhau nữa.
Nếu Phan Huyền Thư vẫn cương quyết không nhận bản thân đạo thơ, nhà văn sẽ ứng xử ra sao để làm minh bạch câu chuyện?
|
Cuộc tranh chấp giữa hai nhà thơ đang đi đến hồi găy cấn khi nhà thơ Thường Đoan mời công an vào cuộc để điều tra. |
Tôi không phải quan tòa và chị Phan Ngọc Thường Đoan cũng là người đủ trình độ văn cách tự tìm ra cách giải quyết.
Theo nhà văn ngoài vụ việc “đạo thơ” của Phan Huyền Thư, trên thi văn đàn còn có vụ việc nào khác nữa không? Nếu tiếp tục có những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra, chắc hẳn ông vẫn vào cuộc?
Trên văn đàn hay trong giới văn nghệ còn lùm xùm lắm chuyện nhưng có dám công khai thẳng thắn với nhau không? Hầu hết các nhà văn đều duy tình, tình của người Việt Nam quan trọng lắm.
|
Nhà văn của "Quyên" tỏ ra trăn trở trước thực trang đạo thơ văn cũng như mọi hoạt động nghệ thuật khác ở Việt Nam. |
Để khắc phục tình trạng đạo như trên, theo nhà văn, chúng ta cần phải có biện pháp thay đổi như thế nào?
Khó lắm đấy! Tôi lại chả có hoạch định gì vì tôi vốn sợ sa vào lãnh đạo ra hoạch định, nghị quyết. Tôi chỉ muốn qua đây, mong các bạn trẻ nhớ rằng, con đường đến lâu đài thi ca, văn chương hay văn nghệ không bao giờ vững bền nếu chỉ khôn vặt, tháu cáy.
Nó phải được tu thân, học tập để tài năng phát lộ, kết phát sáng từ chính muối trong mồ hôi của mình.
Qua sự việc tranh chấp trên, nhà văn có đánh giá thế nào về vấn đề bản quyền trong thơ ca, nhạc họa cũng như các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật?
Câu hỏi này có lẽ các luật sư nói cho tòa báo thì đúng hơn.
Xin cảm ơn nhà văn!