Tôi không được tham dự từ đầu đến cuối cuộc thi ngay từ lúc thí sinh tập trung về Vinpearl Phú Quốc, nhưng dù sao tôi cũng có may mắn có mặt đêm chung kết tại sân khấu nhạc nước ngoài trời, cũng như tiếp cận hậu trường cuộc thi để mạo muội đưa ra một số ý kiến (Có thể khiến một số người không thấy thoải mái, nhưng tôi vẫn cho rằng, Ban tổ chức đã làm tốt nhất trong khả năng có thể để cuộc thi thành công).
Có cần tới 2 nhà thơ trong BGK?
Thành phần Ban giám khảo (BGK) khá đa dạng: Có nhà báo, nhà thơ, nhà thẩm mỹ học, rồi cựu hoa hậu... nhưng tôi cho rằng, có tới 2 nhà thơ trong BGK là hơi nhiều. Một nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc - Trưởng ban giám khảo đã có thể làm nên những nét mềm mại nên thơ cho cuộc thi, nhưng lại có thêm nhà thơ Hữu Việt - dường như hơi thừa. Đáng lẽ 5 thành viên ban giám khảo phải ở 5 góc nhìn khác nhau thì sự đánh giá sẽ đa dạng hơn, sắc sảo hơn. Tại sao BTC không mời một diễn viên điện ảnh có tiếng hoặc một đạo diễn phim hoặc cũng có thể là một nhà giáo để thay một nhà thơ? Tôi nói điều này không hề có hàm ý chê bai các nhà thơ trong BGK, mà chỉ muốn góp thêm tiếng nói để ở cuộc thi tới, thành phần BGK nên chăng có thay đổi cho phù hợp hơn?
Nhà tài trợ: Xin đừng ăn mặc lôm côm!
Có thể nói thí sinh ăn mặc rất đẹp. Các thành phần khách danh dự được mời cũng ăn mặc rất trang trọng, lịch sự. Ngay cả hàng ngàn người xem ngồi bên dưới cũng diện những bộ đồ đẹp nhất và họ vỗ tay, reo hò một cách có ý thức để cổ vũ cho các thí sinh. Tuy nhiên, có một vài thành viên trong BTC và nhà tài trợ thì lại ăn mặc khá lôm côm khi được mời lên sân khấu. Có một đại diện BTC được mời lên trao một vài giải thưởng cho thí sinh nhưng khi ông này xuất hiện thì chỉ có mỗi cái áo cắm “thùng”, không mặc comple cũng chẳng có caravat. Vậy, điều này có nên xem là rất phản cảm không? Nếu quý vị đọc đến đoạn này thấy nóng mắt thì cứ mở xem lại chương trình này và ngẫm nhận xét của tôi nhé.
Thêm nữa, một vị đại diện cho Nhà tài trợ được mời lên trao giải thưởng và quà tặng cho thí sinh ở các giải phụ thì khi bước lên sân khấu là một vị dáng người cao khá là khiêm tốn, mặc chiếc quần bò đen, áo cắm thùng nhưng cũng chẳng có caravat hay comple. Vị này "đứng đực" ra một lúc mà chẳng thấy người dẫn chương trình "nhấn nhá" gì thêm, thế là cứ tự động đi xuống (mặc dù trước đó vị phải đứng giữa 2 thí sinh, 2 bên cao ngất ngưởng còn vị thì thấp quá nên nhìn khá là chênh lệch). Người xem có cảm giác BTC đã quên khuấy mất việc phải có quy định rất nghiêm ngặt cho mọi khách mời lên sân khấu, trong đó dứt khoát nam giới phải mặc comple hoặc ít ra cũng phải quần âu, áo dài tay, caravat.
|
Các thí sinh lọt vào chung kết Hoa hậu VN 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Nhạc: Hát mà như… méo tiếng
Xen giữa chương trình có cả các ca sĩ nổi tiếng tham gia, nhưng không hiểu do sân khấu rộng quá mà nhạc để ngoài trời hay các ca sĩ “chảnh” nên hát rất khó rõ lời. Ngay cả bài đầu tiên khi ca sĩ
Hồ Ngọc Hà hát mà không ai biết là bài gì, lời thì chẳng rõ chút nào. Rồi ca sĩ Tùng Dương ra hát thì ngoài bộ cánh khá điệu đà, còn hầu như không ai nghe rõ lời ca sĩ này hát cái gì. May chăng có cô ca sĩ người Mỹ Kelly Clarkson hát thì người ta nghe còn rõ lời nhưng lại là lời tiếng Anh nên kể cả rõ thì không phải ai cũng hiểu...
Trưởng ban tổ chức: Nói “vo” trôi chảy
"Sạn" vẫn nhặt được, nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận cuộc thi HHVN 2014 có những bước tiến bộ đáng ghi nhận. Và điều mà tất cả cánh nhà báo chúng tôi đều ngỡ ngàng khi MC giới thiệu ông Lê Xuân Sơn, Trưởng ban tổ chức cuộc thi lên sân khấu phát biểu. Ở tất cả các cuộc thi lớn, đặc biệt là có truyền hình cho khán giả cả nước xem thì chẳng có vị nào dám làm một việc táo bạo là nói mà không cần giấy (nói “vo”). Thế mà Lê Xuân Sơn làm được. Không những thế ông còn nói rất khúc triết, trôi chảy, không có vấp váp cũng như phải ngừng lại một tí để nghĩ là nói tiếp cái gì đây.
Cánh nhà báo chơi thân với Lê Xuân Sơn xì xào: Bình thường “tay” này khi nói cũng lắp bắp mà sao lên sân khấu lại nói năng hùng hồn, mạch lạc đến thế. Hay là vì Trưởng ban tổ chức đang đứng trước một rừng các cô gái đẹp nên thay vì lúng túng thì lại tự tin hẳn lên. Dù sao đó cũng là một việc xưa nay hiếm. Các vị cứ thử xem ở hầu hết các cuộc thi có truyền hình trực tiếp, người phát biểu khai mạc bao giờ cũng phải cầm tờ giấy rồi kính thưa các kiểu và... đọc.