Đánh đố thứ trưởng
Theo ông, quy định của Bộ Nội vụ có khả thi?
Bộ trưởng làm chính sách, người tham mưu cho bộ trưởng và trực tiếp thực hiện rất nhiều công việc chính là thứ trưởng. Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay thì vấn đề càng trở nên quan trọng, vì để xử lý các công việc chuyên môn một cách hiệu quả cao nhất thì thứ trưởng cần phải biết ít nhất 1 ngoại ngữ để làm việc. Đây là yêu cầu tất yếu rồi.
Có ý kiến cho rằng, yêu cầu thứ trưởng phải có trình độ ngoại ngữ bậc 6 là yêu cầu quá cao?
Tôi nghĩ là rất rất khó đấy. Thực tế có một số người có trình độ ngoại ngữ rất giỏi nhưng lại không có bất cứ một loại chứng chỉ nào. Ngược lại có những người có nhiều bằng cấp, nhưng trình độ lại không tương xứng. Tuy nhiên, nếu quy định thứ trưởng phải có trình độ bậc 6 thì tôi nghĩ sẽ là đánh đố các thứ trưởng. Cùng lắm đạt được 4,5 đã là rất cao, rất cần sự nỗ lực rồi. Hơn nữa, ở vị trí là thứ trưởng, không phải là một nhà khoa học hay chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, không cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ tới 6.
Giữa hai đối tượng ông vừa kể, số nào nhiều hơn?
Những người có hàm vụ trưởng, thứ trưởng hiện nay, số người có bằng cấp đầy đủ nhiều hơn là số người có trình độ thực sự mà không có bằng cấp gì. Tôi đã từng tham gia giảng dạy ở Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Nội vụ... họ có quá nhiều công việc, sự vụ phải giải quyết, nên chẳng thể có thời gian trau dồi củng cố ngoại ngữ của mình.
Như ông phân tích thì phải chăng việc Bộ Nội vụ đặt ra ngưỡng ngoại ngữ là bậc 6 sẽ không khả thi?
Đặt ra mức này thì buộc các vụ trưởng, thứ trưởng phải cố gắng để hoàn thiện mình. Nếu không có ngoại ngữ thì sẽ rất khó để hội nhập. Tuy nhiên, mức quy định phù hợp nên là 4 thì mới dễ đi vào thực chất. Còn nếu quy định như thế này thì rất có thể sẽ nảy sinh tiêu cực về "cửa sau", mua bằng để hợp thức hóa. Đáp ứng về mặt hình thức, hoàn toàn khác với đáp ứng về nội dung.
|
TS Vũ Anh Tuấn, Viện Lãnh đạo học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. |
Trông chờ vào phiên dịch
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước để lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân. Theo đó, đối với chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng cấp bộ phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng trình độ cao cấp bậc 6 đối với thứ trưởng, trình độ cao cấp bậc 5 trở lên đối với tổng cục trưởng.
Dưới góc nhìn của ông thì trình độ ngoại ngữ của các thứ trưởng hiện thế nào?
Theo tôi cảm nhận thì những thứ trưởng và vụ trưởng biết ngoại ngữ để sử dụng thành thạo giao tiếp thì có thể có, còn ngoại ngữ để sử dụng trong chuyên môn thì cần phải bàn. Ngoại ngữ không phải là cái gì bức xúc lắm đối với đa số những người này trong công việc. Bởi lâu nay họ ỉ lại vào phiên dịch. Một số bộ tôi được biết thì các thứ trưởng, vụ trưởng sử dụng ngoại ngữ khá chuẩn như Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính... Ở mỗi bộ có khoảng 4 - 5 thứ trưởng, nhưng nhìn chung, nếu có ngoại ngữ thì cũng chỉ đủ để giao tiếp xã hội.
Trong đối ngoại thì luôn có phiên dịch, việc họ phải dựa vào phiên dịch là đúng rồi?
Ở chức danh đó, có một vài người có thể làm chủ được quan hệ giao dịch, nhưng đa phần là dựa vào ngoại ngữ. Đáng lẽ phiên dịch chỉ giúp việc cho họ để họ làm tốt hơn khi bàn về công việc chuyên môn. Nếu làm chủ được ngôn ngữ đó thì sẽ làm chủ được tâm thế, tự tin hơn, trình độ cao hơn, hình ảnh của mình đẹp hơn. Khi giao tiếp mà không làm chủ được ngôn ngữ thì sẽ rơi vào thế lúng túng. Phải nói rằng, các thứ trưởng cần thiết phải làm chủ ngoại ngữ để hội nhập.
Và như ông nói, nếu không có ngoại ngữ thì sẽ rất thiệt thòi?
Đúng, vừa cách đây mấy phút tôi tiếp một người làm ở Bộ Nội vụ có nhiệm vụ đi phiên dịch cho các vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng. Anh này than phiền rất nhiều với tôi về nỗi khổ của người phiên dịch. Khi đàm thoại về các vấn đề chuyên môn thì thường có bất cập, có khi phải nói thay hộ vì không thể diễn giải thế nào để cho người nghe hiểu hết ý của người nói.
Nhưng nếu ở vị trí đó, họ làm rất tốt công việc chuyên môn, thì hẳn ngoại ngữ cũng không phải là cái gì ghê gớm quá?
Đó chỉ là một vấn đề thôi. Đi làm việc với nước ngoài, đại diện cho cả một ngành, rõ ràng nếu lúng túng trong giao tiếp thì hình ảnh sẽ rất xấu. Sự lúng túng ấy đương nhiên không thể đem lại hiệu quả trong công việc được. Tôi cũng đi nhiều, tôi thấy, nhiều người ngồi nói chuyện mà không nhìn vào mặt nhau, cứ nhìn vào phiên dịch thôi. Vậy là phép lịch sử tối thiểu họ cũng không bảo đảm được.
Họ tội lắm!
Có nhiều dịp đi công tác cùng với các vị này, ông thấy sao?
Nhiều khi tôi thấy họ tội lắm. Bản thân họ lúng túng, trò chuyện mà chỉ biết trông cậy vào người phiên dịch, trông cậy vào giới chuyên môn. Tất nhiên cũng có những người giao tiếp được lưu loát, nhưng cũng không hiếm người không biết nói gì, cứ ngơ ngơ ra. Nói thế để thấy sự thiệt thòi của người lãnh đạo khi không biết ngoại ngữ, mất tự tin. Nên nhiều khi tôi thấy rất lo cho các bác ấy. Trong khi rõ ràng người có ngoại ngữ thì tư duy tổng thể cũng tốt hơn.
Rõ ràng yêu cầu về ngoại ngữ đối với các chức danh này phải đặt ra rất lâu rồi, sao bây giờ chúng ta mới bàn đến ạ?
Là do lỗ hổng về cơ chế đào tạo cán bộ nguồn. Đó là câu chuyện mà những người này phải cố gắng rất nhiều. Những năm gần đây, các thứ trưởng được đi nước ngoài nhiều, cũng nhiều người được đào tạo ở nước ngoài. Khó khăn nhất là những người được đào tạo trong nước. Bất cập là họ không có những bước liên tục để hoàn thiện và củng cố ngoại ngữ của mình, đó là cái khó cho hệ thống quản lý nhà nước.
Một phần khác như ông vừa nói, cũng bởi các thứ trưởng, vụ trưởng ấy bận rộn nhiều việc quá?
Đúng thế, lỗi một phần không phải do họ mà do công tác tổ chức. Bởi thế ta phải có chiến lược nguồn dài hạn để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho họ. Khi cán bộ đã nằm trong chiến lược nguồn thì phải được quy hoạch tạo điều kiện học ngoại ngữ. Tôi hy vọng nhiều vào thế hệ kế cận, là những người sinh năm 70 trở lại đây. Còn với thế hệ 6X, học ngoại ngữ sẽ cần một sự nỗ lực rất lớn. Với thế hệ 5X thì có lẽ là bó tay rồi (cười). Bản thân các lãnh đạo cũng phải tự chuẩn bị hành trang cho mình để xây dựng hình ảnh của chính mình. Việc trẻ hóa cán bộ cũng phải khắc phục điều này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
Để kiểm soát được trình độ thật của các vụ trưởng, thứ trưởng, nên chăng tổ chức thi sát hạch thường xuyên ở các bộ, ban ngành. Để họ có ý thức học ngoại ngữ thông qua cơ chế kiểm soát. Phải có cách nào nữa để tự mỗi người hoàn thiện trình độ ngoại ngữ của mình. Làm sao để ngoại ngữ là một tiêu chí văn hóa, thông qua các đối thoại, diễn đàn để đánh giá từng người. Hiện cơ chế kiểm soát còn lỏng lẻo, vì thế mà chưa thể buộc người có vị trí cao phải tự giác học ngoại ngữ.