Biết rồi, khổ lắm... không thể không buôn lậu!

Google News

(Kiến Thức) - Tại sao hàng hóa tuồn dễ dàng qua đường hàng không? Phải chăng do buông lỏng quản lý, chiều chuộng nhân viên hàng không quá mức, nên trước lợi nhuận... họ không thể không buôn lậu?!

Với sức nóng hầm hập từ vụ việc nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị cảnh sát Tokyo bắt vì nghi ngờ buôn lậu, CAFE ĐẦU TUẦN của Kiến Thức bắt đầu bằng cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị TP Hà Nội.
Làm nhục quốc thể!
- Dư luận bất ngờ tiếp nhận thông tin cảnh sát Tokyo bắt tạm giam nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (25 tuổi) của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) do nghi ngờ mang hàng xách tay có nguồn gốc trộm cắp từ Nhật Bản về Việt Nam, ông nhận định gì về vụ việc trên?.
Bản thân tôi không bất ngờ khi biết thông tin trên. Đây không phải vụ đầu tiên có thông tin buôn lậu qua đường hàng không. Vài năm trở lại đây, VNA từng phải chịu tai tiếng với rất nhiều vụ nhân viên của hãng tham gia tiếp tay cho hành vi buôn lậu. Ngoài hàng hóa như giầy dép, điện thoại, người ta còn buôn lậu cả 7 kg vàng. Trước đây, ở khu trung cư tôi sống, có tiếp viên hàng không, mỗi lần về mang theo trăm thùng hàng hóa, giầy dép. Điều đó có thể thấy, việc buôn lậu qua đường hàng không là khá phổ biến. Vụ việc tiếp viên hàng không bị tạm giữ tại Nhật Bản khiến dư luận quan tâm bởi nước ngoài phanh phui vụ việc, chứ không phải là cơ quan chức năng của Việt Nam. Đây là vụ việc nghiêm trọng bởi làm nhục quốc thể.
- Có quá nặng khi nói hành động của nữ tiếp viên hàng không đang làm nhục quốc thể?
Vừa rồi, ngay cái nghi án quan chức đường sắt bị tố ăn hối lộ 16 tỷ đồng của công ty Nhật cũng làm nhục quốc thể. Giờ lại đến vụ việc này, quá nhục ấy chứ! Đến một công ty của Nhật sau vụ tiếp viên hàng không Nguyễn Bích Ngọc bị bắt cũng ra cảnh báo nêu rõ: “Người Việt Nam sẽ bị đánh giá thấp vì đã làm mất danh dự. Các bạn đang làm việc tại Nhật không nhiều thì ít sẽ bị ảnh hưởng”. Như vậy, chỉ một vụ việc đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh người cộng đồng người Việt là không thể chấp nhận được.
 Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.
Tiếp viên hàng không quá được dung dưỡng
- Tiếp viên hàng không đang được dung dưỡng, buông lỏng quản lý quá mức nên mới dễ dàng buôn lậu?
Đúng thế. Lâu nay, chúng ta đang buông lỏng, chiều chuộng nhân viên hàng không quá mức. Lẽ ra phải coi tiếp viên hàng không như hành khách. Tin tưởng họ quá, rất dễ tạo điều kiện để họ làm việc xấu. Bản thân tôi đã chứng kiến cảnh hành khách đi qua hải quan thì phải làm thủ tục, kiểm tra rất lâu, trong khi tiếp viên hàng không thì rất nhanh chóng. Bản thân tôi cũng đã chứng kiến cảnh buôn hàng các nước nhiều, nhất là rạng sáng đi, chiều về như nhân viên hàng không. Vấn đề là quản lý nội bộ, giáo dục không tốt, kỷ cương không nghiêm, chứ chưa nói đến việc có nhân viên hàng không được cưng chiều do tình trạng con ông cháu cha...!
Trên thực tế, số người xấu không nhiều. Chỉ có những con sâu làm rầu nồi canh. Dân thường mấy ai ăn cắp kiểu thế. Phải có "ô dù" mới tạo điều kiện ăn cắp, làm liều. Anh không quản lý chặt nên họ mới ăn cắp, mới buôn lậu. Bây giờ muốn làm sáng tỏ thì phải tìm đường dây này gồm những ai? Tại sao hàng hóa lại tuồn dễ dàng qua đường hàng không đến như thế?
- Theo ông, trách nhiệm của Vietnam Airline trong vụ việc này như thế nào?
Vietnam Airlines rõ ràng phải chịu trách nhiệm. Anh không quản lý tốt, nhân viên vi phạm pháp luật thì anh phải chịu trách nhiệm. Dù ít nhiều, Vietnam Airlines sẽ bị ảnh hưởng về uy tín. Tuy nhiên, không chỉ Vietnam Airline, mà nhiều bộ ngành liên quan cũng phải chịu trách nhiệm như Bộ Công Thương, Hải Quan, Tài Chính…
Người chống buôn lậu tiếp tay cho buôn lậu?!
- Có tới 5 cơ quan hành chính xử lý buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng vẫn luôn xảy ra tình trạng này. Ông đánh giá thế nào?
Chắc chắn quản lý nhà nước kém mới để xảy ra những sự việc như trên. Không chỉ có vụ tiếp viên hàng không này, mà tình hình buôn lậu nói chung ngày càng gia tăng. Hiện nay, có tới 5 cơ quan hành chính có chức năng xử lý buôn lậu, gian lận thương mại - là rất hùng mạnh nhưng lại thiếu đồng bộ, chức năng, nhiệm vụ còn chồng chéo. Hơn nữa, lực lượng chống buôn lậu còn có tiêu cực thì sao chống được buôn lậu.
 Tiếp viên hàng không bị bắt ở Nhật vì nghi buôn bán đồ trộm cắp từ Nhật về Việt Nam.
Việc ngăn chặn hàng lậu vào Việt Nam là việc làm bất khả thi kể cả qua đường hàng không và các đường khác vì người tiêu dùng Việt Nam vẫn đang vô tình "tiếp tay" cho hàng lậu. Nếu muốn ngăn chặn có hiệu quả các loại hàng lậu vào Việt Nam thì tiên quyết phải làm trong sạch đội ngũ chống hàng lậu. Nếu ai đi mua hàng hóa ở các cửa hàng bán lẻ quần áo, điện thoại, giầy dép, đồ chơi, thường chủ cửa hàng không bao giờ xuất hóa đơn, dù hàng hóa đó có giá thế nào đi nữa. Chưa kể, rất ít người tiêu dùng đi mua quần áo hay giày dép hỏi hóa đơn hay chứng từ xuất xứ hàng hóa. Họ chấp nhận vì lý do phần nhiều do giá rẻ. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã tiếp tay cho việc tiêu thụ hàng lậu.
- Người chống buôn lậu tiếp tay cho buôn lậu, điều này nghe có vẻ nghịch lý?
Khó khăn trong chống buôn lậu là lực lượng kiểm tra thị trường hiện nay rất mỏng. Ví như ở Hà Nội, với số lượng lực lượng quản lý thị trường như hiện nay mà muốn đi kiểm tra hàng hóa ở các cửa hàng, thì phải ít nhất 7 năm mới lại đến cửa hàng này lần nữa. Trong thời gian hơn 6 năm ấy, chủ cửa hàng có nhập hàng gì, như thế nào cũng không ai biết được. Thậm chí, trong số lực lượng quản lý đó, ai đảm bảo người ta sẽ làm hết trách nhiệm, nếu có người không trong sạch, thì nhiều khi chính trong số lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ có người làm bảo kê cho hàng lậu. Vì thế, hãy làm trong sạch đội ngũ chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu, như thế giảm tải được tình trạng buôn lậu như hiện nay.
Xin cảm ơn chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú!
Hải Ninh (thực hiện)

Bình luận(0)