“Xẻ thịt” rừng Sóc Sơn xây biệt thự: Không thể phạt cho tồn tại!

Google News

(Kiến Thức) - Người dân “thấp cổ, bé họng” mà đặt một mái tôn sai phép sẽ bị cưỡng chế ngay nhưng người “có địa vị xã hội, có ảnh hưởng” xây biệt phủ trên đất rừng Sóc Sơn thì vẫn ngang nhiên…tồn tại. Nếu không xử lý nghiêm, công bằng ở đâu?

Câu chuyện "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn (Hà Nội) xây dựng hàng chục biệt thự đang khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Không bức xúc sao được khi rừng phòng hộ Sóc Sơn cùng với rừng Ba Vì được ví như lá phổi xanh của thủ đô Hà Nội nay đang dần bị “xẻ thịt” để nhường chỗ cho những villa biệt thự, nhà vườn homestay…mọc lên trái phép, băm nát quy hoạch rừng phòng hộ.
Dù trước đó, Thanh tra Chính phủ và thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã chỉ ra tình trạng sai phạm trong xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại Sóc Sơn.
Thế nhưng, đến tận bây giờ, những công trình sai phạm trên vẫn chưa được xử lý, trong khi đó tại nhiều khu vực quy hoạch rừng phòng hộ thuộc các xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) hiện nay như một đại công trường xây dựng những công trình mới. Những vi phạm liên tiếp xảy ra trước sự bất lực của chính quyền địa phương, thách thức pháp luật và gây bức xúc dư luận xã hội.
“Xe thit” rung Soc Son xay biet thu: Khong the phat cho ton tai!
 Hàng loạt công trình biệt thự, nhà vườn đua nhau xẻ núi, lấp hồ ở khu vực đất rừng Sóc Sơn gây bức xúc dư luận. Ảnh: cafef
Không phải ngẫu nhiên, khi tranh luận với Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Quốc hội mới đây, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lấy việc những công trình xây dựng trái phép ở Sóc Sơn là một trong những ví dụ để nói về sự bức xúc của người dân, làm mất niềm tin đối với việc quản lý nhà nước trong việc xây dựng, thậm chí cho rằng có thể có nhóm lợi ích, vấn đề bao che. Đồng thời đặt ra trách nhiệm của Bộ trưởng khi có những địa phương quá lỏng lẻo và thiếu trách nhiệm, không làm đầy đủ chức trách của mình.
Cũng không phải ngẫu nhiên, đại biểu Dương Trung Quôc trên diễn đàn Quốc hội mới đây cũng lấy những vi phạm xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ để kiến nghị chấm dứt việc phạt cho tồn tại. Bởi theo ông, những việc vi phạm tại đất rừng phòng hộ Sóc Sơn rõ ràng cho thấy bộ máy chính quyền ở địa phương phải chịu trách nhiệm “vì chắc chắn không có cái gì lọt qua mặt nhưng mà có những cái lọt qua tay”.
Trên thực tế, việc phạt cho tồn tại khiến nhiều người nhờn luật mà nói như đại biểu Dương Trung Quốc là “một quá trình hủy hoại luật pháp, phá hoại bộ máy công quyền của chúng ta”. Bởi việc xây dựng sai phép sau đó được hợp thức hóa bằng việc nộp phạt và tồn tại khiến luật pháp không được thực thi nghiêm trong lĩnh vực xây dựng. Người ta đua nhau vi phạm vì khi “chuyện đã rồi” chỉ cần nộp phạt là xong.
Dẫn đến những công trình vi phạm xây dựng liên tiếp xảy ra trên cả nước như con số thống kê của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khi trả lời chất vấn trước Quốc hội khi chỉ 9 tháng năm 2018 có đến 10.881 công trình vi phạm, trong đó không phép là 3.060, sai phép là 5.481 và các vi phạm khác là 2.340.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung đã chỉ rõ những yếu kém trong công tác quản lý như vụ việc vi phạm trật tự xây dựng ở Sóc Sơn. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan phải xử lý nghiêm vi phạm trật tự xây dựng ở huyện Sóc Sơn.
Đặc biệt với 27 công trình vi phạm mới ở rừng đặc dụng phải tổ chức cưỡng chế vi phạm nếu các hộ vi phạm không tự tháo dỡ. Những công trình vi phạm trước đó cần phải thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi Thanh tra thành phố thực hiện xong thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai.
Với sự quyết tâm “dẹp loạn” xây dựng của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đang là tín hiệu khiến người dân tin tưởng việc xử lý những công trình “xẻ thịt” đất rừng ở Sóc Sơn sẽ được làm quyết liệt trong thời gian tới.
Tuy nhiên, dư luận yêu cầu cần làm rõ những biệt thự, khu nghỉ dưỡng, nhà ở đó là của ai? Cá nhân nào là người bao che cho những vi phạm trên và cá nhân nào phải chịu trách nhiệm từ cấp thôn xã cho đến cấp cao hơn?
Bởi một công trình xây dựng trái phép không phải bỗng dưng “mọc lên như nấm được” nó phải có quá trình, thời gian để hình thành. Trong suốt thời gian ấy, các cấp chính quyền địa phương lại không thể phát hiện ra hay cố tình nhắm mắt làm ngơ, tiếp tay cho sai phạm.
Thực tế, một hộ dân bình thường xây dựng đặt một viên gạch sai, lợp một mái tôn sai cũng bị cán bộ xây dựng phát hiện ra ngay và xử lý tức khắc, không có cớ gì một biệt phủ khổng lổ to như “con voi” lại có thể “chui lọt lỗ kim” rồi vô tư mọc lên và tồn tại?
Hơn nữa, điều lạ lùng, đến thời điểm này, danh sách những chủ hộ những công trình vi phạm tại Sóc Sơn vẫn đang là ẩn số chưa được chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng công bố. Sự bí ẩn này có lẽ xuất phát từ lý do như một lãnh đạo một xã tại huyện Sóc Sơn đã hé lộ với báo chí về việc phần lớn các chủ hộ có công trình vi phạm đều là người có "địa vị xã hội, có ảnh hưởng".
Tất nhiên, hàm ý của vị lãnh đạo xã này, người có địa vị xã hội, có ảnh hưởng phải là người có chức có quyền, có danh có phận, có vai vế xã hội. Nhưng dù họ là ai đi nữa như lời Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã nói thì cũng phải bị xử lý. Lẽ ra việc công khai danh tính của những người vi phạm này là chuyện bình thường để có tính răn đe, để nhân dân giám sát, để cán bộ khác thấy gương xấu mà tự răn mình. Hơn nữa, việc không công khai danh tính các chủ công trình vi phạm sẽ khiến dư luận nghi ngờ quá trình xử lý sẽ nương tay rồi lại phạt cho tồn tại, thách thức dư luận như trong thời gian qua đã xảy ra.
Dư luận đang theo dõi và kỳ vọng vào sự quyết liệt của TP Hà Nội và Bộ Xây dựng trong việc xử lý những công trình vi phạm trên, để niềm tin của họ vào luật pháp và bộ máy chính quyền được thêm vững chắc.
Tại phiên chất vấn chiều 30/10, khi trả lời đại biểu về tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng – Phạm Hồng Hà cho biết, về việc quản lý hoạt động xây dựng cũng như xử phạt vi phạm trong hoạt động xây dựng thuộc trách nhiệm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các chủ thể tham gia các hoạt động này, không chỉ là của Bộ Xây dựng. Đồng thời, Bộ trưởng Hà cũng hứa trước Quốc hội sẽ làm hết sức mình. Thời gian tới sẽ tập trung cao độ cho công tác hoàn thiện thể chế liên quan, cùng với các địa phương tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm.
Dư luận cho rằng, Bộ Xây dựng nên cùng với TP Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý ngay vụ vi phạm trật tự xây dựng trái phép tại Sóc Sơn. Có như vậy, lời hứa của Bộ trưởng sẽ khiến các cử tri có thêm niềm tin sẽ thực hiện được.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)