|
Hiện trường khắc phục sự cố sự cố vỡ đường ống truyền tải nước sạch sông Đà. |
Các bạn đọc nhất trí với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, được nêu trong bài "Khởi tố Vinaconex là đúng!". Nếu nhận thức, doanh nghiệp bỏ tiền túi ra làm thì dù sai cũng không ảnh hưởng đến ai là sai lầm.
Bạn đọc Chu Văn Yêm (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, sau khi có thông tin về lá đơn nặc danh tố cáo hàng loạt sai phạm được đăng tải trên báo chí, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội trả lời, tuyến đường cấp nước này hoàn toàn do vốn doanh nghiệp bỏ ra và đi vay để đầu tư chứ không phải tiền ngân sách. Vinaconex sản xuất hàng hóa là nước và bán, còn TP Hà Nội là bên mua... Và để Vinaconex tiếp tục thi công giai đoạn 2 đường ống dẫn nước sông Đà.
Ý kiến trên đây hết sức sai lầm, ý cho rằng: Tiền của doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn làm thế nào là quyền của doanh nghiệp (thực tế là mấy ông, mấy bà lãnh đạo doanh nghiệp quyết định)? Cần hiểu rõ bản chất kinh tế - không tự doanh nghiệp có thể bù đắp phần tiền do doanh nghiệp sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí, mà chính là người tiêu dùng (là nhân dân). Nếu sử dụng vốn có hiệu quả, doanh nghiệp sẽ hạ giá thành sản phẩm và từ đó hạ giá bán cho người tiêu dùng. Ngược lại, doanh nghiệp phải tăng giá bán đề bù đắp chi phí. Tóm lại, tất cả chi phí sẽ đổ lên đầu người dân, người tiêu dùng. Nếu tiếp tục giao cho Vinaconex thi công đường ống cấp nước thứ hai thì như "giao trứng cho ác".
Không những thế, các bạn đọc cùng rất đồng tình với ý kiến, Vinaconex phải bồi thường cho người tiêu dùng. "Từ trước đến nay chúng ta luôn có quan niệm bỏ qua một số sự cố. Tuy nhiên, từ nay cần nhìn nhận rõ sự cố đó do đâu để tránh bị lợi dụng. Vinaconex chọn sản phẩm kém chất lượng để lấy lãi rồi để ảnh hưởng đến đời sống người dân là không được. Người dân phải bỏ tiền ra mua nước chứ không được cho không", bạn đọc Nguyễn Trọng Hoàn (Hoàng Mai, Hà Nội) nói.