Mỗi dân tộc, mỗi vùng miền có một bản sắc văn hóa riêng. Mà đã là bản sắc văn hóa thì không có ranh giới hay mức chuẩn nào để xếp hạng vị trí cao-thấp, hay thứ hạng thượng đẳng - hạ đẳng.
Ngày xưa, khi khoa học chưa phát triển, con người chỉ sống dựa chính yếu vào giới tự nhiên để tồn tại. Mọi vấn đề cuộc sống, con người đều đặt niềm tin tuyệt đối vào đấng siêu nhiên, thần thánh.
|
Mồng 5 & Mồng 6 Tết hằng năm, lễ hội chém lợn làng Ném Thượng vẫn diễn ra thường xuyên như là một nét văn hóa truyền thống của địa phương. |
Thuở ấy, thời kỳ mông muội, con người phải thường xuyên đối mặt với muôn vàn khó nhọc và những mối hiểm nguy rình rập như ma quỷ, quái thú, tai ương. Khi đó, nhiều cộng đồng người cho rằng, tính mạng của họ do đấng siêu nhiên, thần thánh định đoạt, vì thế họ hướng đức tin vào đó.
Để đáp lòng thành, cũng như thể hiện sự tri ân, trân trọng các vị thần thánh, hằng năm con người phải làm lễ tế thần, cống nạp những vật phẩm có giá trị để dâng lên các đấng tối cao.
Thời nguyên thủy, trong mâm cỗ đựng vật phẩm tế thần tại nhiều cộng đồng, bộ tộc, vật phẩm quan trọng nhất vẫn là con người. Người được chọn để tế thần thường là trẻ em, thiếu nữ còn trinh, hoặc là những người đàn ông khỏe mạnh. Đây được xem là một hình thức Tô-tem giáo sơ khai của loài người. Nghi thức này còn được gọi là tục hiến tế người sống.
Khi đó, nhiều cộng đồng người tin rằng, việc hiến dâng con người có thể giúp họ nhận được những ân huệ lớn từ các vị thần thành, tránh được những thảm họa thiên nhiên, giữ được cuộc sống yên bình. Con người thời đó còn quan niệm rằng, máu là thứ nuôi dưỡng sự sống mà thần thánh ban cho con người nên chỉ có thể dùng máu tươi để tế thần.
Càng về sau, khi khoa học le lói và phát triển, tục hiến tế người sống dần được thay bằng tục hiến tế động vật.
Trên thế giới, phong tục hiến tế động vật sống vẫn còn tồn tại ở nhiều quốc gia và được xem như một “thương hiệu” quảng bá hình ảnh con người và đất nước. Đơn cử rõ nhất như lễ hội thi đấu bò tót Tây Ban Nha. Mỗi con bò tót chỉ được ra trận một lần. Trong trận chiến, người chiến binh chỉ chiến thắng khi làm con bò chết sớm. Bò tót là giống động vật cực khỏe nên khi ngọn giáo đâm xuyên qua cổ thì người chiến binh phải khoét vết thương càng lớn, càng sâu, làm con bò mất máu càng nhiều, càng giãy giụa đau đớn bao nhiêu thì nó mới mau bị hạ gục. Trong khi con bò quằn quại, máu từ lưng, cổ chảy thành dòng ra sân cỏ thì người người hò hét, vỗ tay, bày tỏ niềm phấn khích, tán dương người chiến binh.
Tại Việt Nam, hiện vẫn còn một số lễ hội như đâm trâu ở các dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, tục "chìa dao cắt cổ" gà giò trong mâm lễ cúng gia tiên… với hình thức và tính chất cũng chẳng thua gì nghi thức khai đao chém lợn trong lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng đang dậy sóng dư luận thời gian qua.
Như vậy, có thể nói, xét mặt nổi, nghi thức “khai đao chém ông Ỉn” ở làng Ném Thượng là dã man và tàn bạo nhưng nhìn từ góc độ văn hóa ngàn đời nay thì chúng ta có thể lý giải được vì sao họ vẫn duy trì tục chém lợn này. Vì thế, muốn “xóa trắng”, muốn thay đổi nhận thức và tư duy của người dân làng Ném Thượng đã “thâm căn cố đế” chắc hẳn sẽ phải tốn nhiều thời gian cũng như là lộ trình, chứ không phải một sớm một chiều.