Nguồn nhân lực kém chất lượng sẽ làm hỏng nhiều thế hệ
Một số chuyên gia bất ngờ khi nhiều cơ sở đào tạo lấy điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm quá thấp. Cá biệt có những cơ sở đào tạo chỉ lấy 10 điểm/3 môn thi.
Như vậy, nếu hiểu theo cách đơn thuần, thì số điểm đầu vào sư phạm ở một số cơ sở đào tạo chỉ bằng điểm của một học sinh có năng lực yếu, kém.
|
Giáo sư Đỗ Thanh Bình - nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh Xuân Trung. |
Hôm 8/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đỗ Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, ông rất lo lắng về chất lượng nguồn nhân lực trong ngành sư phạm với cách tuyển sinh này.
"Tôi thật sự ngạc nhiên và cũng rất lo lắng nếu tuyển sinh, đào tạo những thế hệ nhà giáo tương lai với số điểm kém như vậy.
Phải nói thật, đề thi năm nay quá dễ, cho nên rất nhiều em đạt điểm tuyệt đối (10 điểm/môn). Mặt bằng điểm chung cao hơn so với các năm trước, phải đồng nghĩa với việc điểm sàn và điểm chuẩn phải lấy cao hơn.
Nhưng thực tế, có rất nhiều cơ sở đào tạo hệ Cao đẳng, Đại học đưa ra mức điểm đầu vào quá thấp (Cao đẳng 10 điểm/3 môn; Đại học khoảng 12 điểm đến 15 điểm). là không thể chấp nhận được.
Nói thật, đào tạo những người ấy thì làm sao mà họ đi dạy được.
Nếu chỉ cần 10 điểm/3 môn để được vào ngành sư phạm thì có khi học qua loa cũng có thể trúng tuyển và trở thành nhà giáo chứ chẳng chơi.
Nhưng giáo dục hiện đại không phải chỉ cầm cuốn sách Lịch sử lên bảng rồi đọc cho học sinh chép.
Chương giáo dục trình phổ thông mới sắp tới sẽ khó hơn nhiều so với chương trình hiện nay, bởi nó đặt ra vấn đề phát triển năng lực học sinh, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức.
Trong khi đó, đội ngũ các nhà giáo tương lai lại chính là những người áp dụng chương trình này.
Thử hỏi, với nguồn nhân lực đầu vào kém cỏi, đào tạo theo kiểu có vào, có ra như hiện nay thì họ dạy thế nào được.
Đây thực sự là một nỗi lo cho ngành giáo dục", Giáo sư Bình nêu quan điểm.
|
Vấn nạn thất nghiệp đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của các sinh viên mới ra trường (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Nguyên Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cảnh báo, giáo dục Việt Nam trong tương lai sẽ lâm vào tình trạng bi đát với cách tuyển sinh, đào tạo hiện nay.
"Bây giờ số lượng giáo viên quá thừa chứ không phải như thiếu mà phải "vơ bèo vạt tép" như vậy.
Người ta thường nói, trồng cây trước hết phải chọn con giống. Cho nên trong giáo dục, đầu tiên phải chọn thí sinh có điểm đầu đảm bảo, chất lượng.
Thực tế, nếu năng lực của thí sinh trúng tuyển quá kém, thì thấy giáo có giỏi tới cỡ nào cũng khó mà giúp được sinh viên đó từ dốt trở thành khá, giỏi được.
Nếu đào tạo những giáo viên tương lai mà người đó có năng lực yếu kém ngay từ đầu, thì tôi nghĩ rằng, nền giáo dục của nước ta trong những năm tới sẽ rất bi đát.
Hay nói một cách khác, đội ngũ nhà giáo yếu, kém về năng lực chuyên môn sẽ làm hỏng nhiều thế hệ học sinh. Nó tạo ra hiệu ứng rất xấu cho ngành giáo dục trong tương lai", Giáo sư Bình cảnh báo.
Giáo sư Đỗ Thanh Bình cho rằng, nhiều cơ sở đào tạo Cao đẳng, Đại học lấy điểm trúng tuyển vào ngành sư phạm quá thấp có nguyên nhân từ tư duy quản lý giáo dục.
"Có thời điểm chúng ta tiếu nhân lực về sư phạm, cho nên nhiều trường đua nhau mở ngành đào tạo sư phạm.
Thực tế thời điểm đó, các ngành học như Sư phạm Tiểu học, Mầm non... thu hút lượng lớn sinh viên. Còn các ngành khác hầu như rất ít.
Nay, tình trạng sinh viên sư phạm dư thừa rất nhiều, thậm chí nhiều người không còn mặn mà gì đối với với ngành học này.
Điều này dẫn đến tinh trạng cơ sở giáo dục đã hạ điểm chuẩn rồi nhưng sinh viên vẫn thờ ơ với sư phạm.
Việc hạ điểm chuẩn này nhằm thu hút thí sinh, từ đó duy trì đào tạo các Khoa sư phạm và hoạt động của nhà trường.
Hay nói cách khác, người ta hạ điểm để tuyển sinh, tồn tại cái đã. Còn chất lượng thế nào thì chưa cần biết. Hậu quả thì thế hệ sau gánh.
Đây là tư duy quản lý mang tính lợi ích cho đơn vị đào tạo nhiều hơn là việc quan tâm tới chất lượng đào tạo", Giáo sư Bình nhận định.
Bộ cần vào cuộc ngay lập tức
Theo Giáo sư Đỗ Thanh Bình, Bộ Giáo dục cần phải can thiệp ngay chuyện các cơ sở đào tạo hạ thấp điểm chuẩn để tuyển sinh, đồng thời có giải pháp xử lý các trường tuyển sinh không đúng quy định.
"Để đảm bảo chất lượng tuyển sinh, thì điểm sàn, điểm chuẩn xét tuyển phải đảm bảo, đặc biệt, việc tuyển sinh ngành sư phạm thì đòi hỏi điểm đầu vào phải cao hơn một số ngành khác.
Cái này Bộ Giáo dục phải làm ngay, bởi đây là tương lai của ngành giáo dục.
Nếu trường nào tuyển sinh không đảm bảo quy định hoặc tuyển sinh với mức điểm trúng tuyển quá thấp, không đảm bảo chất lượng, thì Bộ nên yêu cầu cơ sở đào tạo đó tạm dừng tuyển sinh, đào tạo trong một thời gian nhất định, chứ không nên cho họ tuyển dụng chỉ nhằm đảm bảo sự tồn tại để nuôi cơ sở giáo dục đó.
Đây là tương lai của nền giáo dục nước nhà chứ không còn là chuyện tuyển sinh của trường này, trường kia.
Đào tạo một sinh viên để họ trở thành giáo viên để họ ra trường công tác mấy chục năm chứ không phải ngày một ngày hai.
Tôi nhắc lại, chuyện này Bộ phải can thiệp ngay lập tức chứ không chần chừ được.
Còn nếu duy trì kiểu tuyển sinh, đào tạo thế này, tôi e rằng giáo dục trong thời gian tới sẽ phá hoại nhiều thế hệ học sinh", Giáo sư Bình cảnh báo.