Những ngày gần đây, thông tin con đường nối từ đê Tả ngạn sông Hồng với đường Nguyễn Văn Cừ qua Lâm Du,
Bồ Đề (Long Biên,
Hà Nội) chỉ dài khoảng 1,5km nhưng đã tiêu tốn gần 1.000 tỷ đồng tiền thi công đã khiến dư luận không khỏi kinh ngạc.
Đặc biệt, trong đó có một đoạn đường chỉ dài 200m nhưng chi phí cho nó lên đến hơn 200 tỷ đồng và những người thợ kim hoàn khẳng định, số tiền đó có thể mua đủ một số lượng vàng để dát nó tới... 70 lần!
Nếu quả là như vậy thì đây không phải là kỷ lục Ghi-nét thế giới nữa mà có thể sẽ là kỷ lục Ghi-nét của người ngoài hành tinh vì bình quân sẽ phải chi tới 1 tỷ đồng cho 1m đường! Tại sao lại có chuyện cực kỳ đắt đỏ đến không tưởng như thế?
Thiết nghĩ, đó là do những người có trách nhiệm dùng quyền hành của mình mà tùy tiện "nắn" đoạn đường đang thẳng thành đoạn đường "U bò" (tức là từa tựa cái vai cày theo cách nói dân gian). Nếu đoạn đường này đi thẳng theo thiết kế kỹ thuật sẽ chạy qua đồng ruộng và chi phí đền bù cho đất nông nghiệp sẽ thấp.
Như thế thì "đơn giản" quá nên nó không đi thẳng như thiết kế mà lại được "điều khiển" cho lượn vào khu dân cư thành cái "U bò" để các thủ tục kê khai đền bù sẽ phải liên quan đến nhiều hộ gia đình có đất thổ cư, sẽ được khuấy lên cho phức tạp và có thể họ sẽ được hưởng lợi phần nào từ những mớ thủ tục lằng nhằng ấy bởi "đục nước sẽ béo cò!".
Còn nhớ sự việc đã xảy ra trên một đoạn đường Trường Chinh, Hà Nội cách đây chưa lâu được "nắn" từ thẳng thành "Đường cong mềm mại" và một vị lãnh đạo giải thích là "nắn" thì giảm được chi phí! Những nhà quy hoạch kiến trúc đô thị và vận tải công cộng thì cho rằng, nói như vậy mới chỉ là tầm nhìn "ngắn hạn", chưa tính đến hậu quả mà có thể nó sẽ gây ra cho hoạt động vận doanh của hệ thống giao thông trong tương lai dài hạn. Nhưng nhìn về dài hạn để làm gì khi mà lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân cũng chỉ có giới hạn theo nhiệm kỳ, khi đã rời khỏi vị trí đó rồi thì hậu quả nếu có sẽ do người khác è cổ ra mà khắc phục.
Quốc hội XIII đang họp kỳ thứ 8 và nhiều đại biểu rất quan tâm đến tình hình nợ công, nợ xấu, tình hình chi tiêu có phần lơi lỏng, phóng khoáng của một số bộ ngành, địa phương gây thất thoát, lãng phí tiền thuế của nhân dân. Chả nhẽ những chi phí không bình thường như thế mà các cơ quan có thẩm quyền, có trách nhiệm vẫn... ngoảnh mặt làm ngơ?
Đã đến lúc không thể hô khẩu hiệu, hình thức chung chung như phát động học tập, kỷ niệm trọng thể... rồi để đấy, mà phải bằng những kết quả công việc cụ thể thì mới có thể lấy lại được niềm tin của dân. Cần phải có biện pháp ngăn chặn không để xuất hiện thêm những trường hợp tùy tiện "nắn" gây lãng phí khi thi công xây dựng các công trình công cộng.