Những món hàng nhỏ ẩn chứa âm mưu thâm độc

Google News

Tết vừa qua có nhiều món đồ nho nhỏ nhưng mang theo nó là âm mưu lớn từ Trung Quốc lẻn vào Việt Nam, như đèn lồng có chữ “Tam Sa”...

Năm ngoái, VN và nhiều nước khác trong khu vực như Philippines, Malaysia... đã phản ứng mạnh mẽ quanh việc Trung Quốc tung ra hộ chiếu mới có in đường chữ U. Rồi tiếp đến là việc bẫy người dùng WeChat bằng những cam kết gián tiếp thừa nhận đường chữ U. 

Còn đầu năm nay, Philippines vừa tiêu hủy những quả địa cầu làm đồ dùng học tập có đường chữ U. Và mới nhất, trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, một số địa phương như Hải Phòng, Hải Dương phải tiêu hủy đèn lồng có chữ “Tam Sa” bằng chữ Trung Quốc. Hay tại TP.HCM, bỗng dưng xuất hiện nhiều chậu cây cảnh giả có hình bản đồ VN nhưng không có Hoàng Sa và Trường Sa.

Ông Trần Trung Hiển (phường Lạch Tray, Q.Ngô Quyền, Hải Phòng) và tờ thông báo hướng dẫn người dân nhận biết, đối chiếu chữ “Tam Sa” tiếng Hoa in trên đèn lồng. Ảnh: Thân Hoàng.

Chậu đu đủ giả thâm độc
 
Nhiều bạn đọc ở khu vực Q.Bình Thạnh, TP.HCM phản ảnh với Tuổi Trẻ rằng trong những ngày tết vừa qua, một số ngôi chùa trong khu vực quận này có bày bán những chậu cây đu đủ giả rất đẹp, được giới thiệu là xuất xứ từ Trung Quốc. Độc đáo hơn, những cây đu đủ này được để trong một chiếc chậu giả đá màu xám đen. Bốn mặt chậu đều có hình bản đồ VN màu xanh, làm như giả rêu, cũng rất đẹp. Nhiều người đã mua những chiếc chậu cảnh giả này về chưng. Nhưng sau đó thì nhiều người phát hiện cả bốn bản đồ VN ở bốn mặt chậu đều không có Hoàng Sa và Trường Sa. Một độc giả tên Huy Hùng cho biết anh đã hủy ngay chiếc chậu cây thâm độc này.

Ông Đào Minh Hải - phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương - cho biết Cục Quản lý thị trường đã nhận được thông tin từ các địa phương báo về hiện tượng đèn lồng xuất xứ tại Trung Quốc có in chữ “Tam Sa” đang bán ở VN. Theo ông Hải, Cục Quản lý thị trường đang xem xét, chỉ đạo để xác định mặt hàng đèn lồng trên đang được tập trung ở những địa bàn nào, mức độ ra sao để tiến hành kiểm tra xử lý.
Theo lời mách bảo của bạn đọc, trưa 18/2 chúng tôi đến trước chùa Long Vân ở đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh) hỏi thăm về mặt hàng cây cảnh giả có chậu in hình bản đồ, mấy chị bán chuối chiên, rau quả trước cổng chùa khẳng định: “Trong chùa bán nhiều lắm, vô đó mà hỏi!”.
 
Trong khuôn viên chùa, ở gian nhà giữa có trưng bày khá nhiều chậu hoa, cây kiểng giả. Thu hút nhất là những chậu cây đu đủ nhỏ, cao tầm 4-5 tấc, quả sai lúc lỉu. Giá bán của chậu cây đu đủ này là 550.000 đồng/chậu nhỏ. Riêng chậu cây đu đủ lớn bằng cây thật có giá 1,8-1,95 triệu đồng/chậu. Người trông coi việc bán hàng của nhà chùa cho biết: “Từ trước tết đến giờ, trong vòng nửa tháng, chùa đã bán được rất nhiều cây, hoa, cảnh giả này”.
 
Chậu cây đu đủ giả xuất xứ từ Trung Quốc bán ở TP.HCM có hình bản đồ Việt Nam nhưng không có Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Thuận Thắng 

Chiều cùng ngày, trao đổi về vấn đề này, thầy Đức Tài - người phụ trách khâu lấy hàng về bán tại chùa Long Vân - cho biết: “Tôi thấy mấy cái chậu cây có cảnh cũng đẹp, có hình bản đồ nhưng thật sự không để ý là có Hoàng Sa, Trường Sa hay không”.
 
Tiêu hủy đèn lồng Trung Quốc có in chữ “Tam Sa”
 
Ngày 18/2, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, một số khu phố ở Hải Phòng người dân đã tháo bỏ đèn lồng treo trang trí dịp Tết Nguyên đán. Ở một số khu phố trên đường Lê Hồng Phong (Q.Ngô Quyền), thị trấn An Lão (huyện An Lão), Quán Toan (Q.Hồng Bàng)... người dân đã tự cắt hình sao vàng dán đè lên chữ Trung Quốc in trên thân đèn lồng hoặc vẫn treo đèn với những câu chúc “Phúc, Lộc, Thọ”.
 
Trước đó, từ giáp Tết Nguyên đán, một số người dân ở Hải Phòng, Hải Dương mua đèn lồng về treo trước cửa thì phát hiện trên thân đèn có in chữ “Tam Sa” (đơn vị hành chính do Trung Quốc lập trái phép gồm quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của VN). UBND TP Hải Phòng, UBND thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã có chỉ thị yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, thu hồi và tiêu hủy đèn lồng không rõ nguồn gốc.

Người dân trên quốc lộ 5 (đoạn qua khu vực Quán Toan, Q.Hồng Bàng, Hải Phòng) đã cắt hình sao vàng dán đè lên chữ “Tam Sa” trên đèn lồng Trung Quốc. Ảnh: Thân Hoàng.

Ông Trần Trung Hiển, tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Lạch Tray, Q.Ngô Quyền, cho biết giáp tết, UBND phường đã triệu tập các tổ trưởng tổ dân phố để thông báo về việc trên thị trường xuất hiện một số đèn lồng có in nội dung tuyên truyền phi pháp, không đúng với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước VN. Sau đó, bộ phận thông tin của phường đã phát cho mỗi tổ trưởng tổ dân phố một số tờ thông báo in chữ Hoàng Sa, Trường Sa. Tam Sa... bằng cả chữ VN và chữ Trung Quốc để đi tuyên truyền cho người dân nhận biết và cảnh giác.
 
Theo ông Hiển, các tổ trưởng đều đến từng hộ dân để kiểm tra, tuyên truyền vận động không treo đèn lồng không rõ nguồn gốc xuất xứ. “Người dân rất bức xúc khi biết thông tin. Nhà nào treo đèn rồi thì gỡ xuống để kiểm tra kỹ, nếu không có vấn đề gì mới treo tiếp. Một số hộ dân không cần kiểm tra mà tự tháo đèn xuống tiêu hủy luôn” - ông Hiển nói.
 
Tại quận Lê Chân (Hải Phòng), một số khu phố thống nhất không treo đèn lồng khi biết thông tin xuất hiện đèn lồng Trung Quốc có in chữ “Tam Sa”. Ông Bùi Ngọc Thanh, tổ trưởng tổ dân phố số 2, P.Đông Hải, cho biết sau khi tuyên truyền, người dân đã tổ chức cuộc họp và quyết định không treo đèn lồng trong dịp Tết Quý Tỵ 2013. “Mọi người đều chung ý kiến việc treo đèn lồng đỏ không phù hợp với truyền thống đón tết của người Việt. Bây giờ lại xuất hiện đèn lồng Trung Quốc có nội dung tuyên truyền phi pháp nên tổ dân phố quyết định không treo, vừa tiết kiệm lại vừa đảm bảo không bị lợi dụng” - ông Thanh nói.
 
Cũng với tinh thần cảnh giác, một số hộ dân trên quốc lộ 5 qua khu vực Quán Toan, Q.Hồng Bàng đã “sáng tạo” bằng cách cắt hình sao vàng dán đè lên chữ Trung Quốc in trên đèn lồng.

Các bạn nghĩ thế nào?
 
Hôm qua, một độc giả tên Huy Tuệ đã gửi đến Tuổi Trẻ ý kiến sau:
 
Khi tung sản phẩm WeChat vào VN, Tencent (một công ty phần mềm của Trung Quốc) đưa vào rất nhiều điều khoản yêu cầu người dùng xác nhận. Một trong những điểm đó là “đồng ý mọi thông tin trên WeChat là đúng sự thật”!
 
Ở phiên bản tiếng Việt, WeChat sử dụng tấm bản đồ không hiển thị rõ ràng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của VN. Tuy nhiên, ở phiên bản tiếng Trung của ứng dụng này, có tên gọi Weixin, tấm bản đồ với “đường lưỡi bò” hiển thị rất rõ ràng. Vì vậy, vô tình tất cả người dùng WeChat tại VN đều xác nhận tấm bản đồ này dù nó sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế.
 
Nếu như Tencent công bố danh sách hơn 1 triệu người dùng WeChat tại VN, cũng như hàng chục triệu người dùng khác trên khắp thế giới đã chấp nhận “bản đồ lưỡi bò”, Trung Quốc sẽ có cái cớ để tranh luận trong các cuộc họp, hội thảo về chủ quyền tại biển Đông.
 
Các bạn nghĩ thế nào trong vấn đề này? Riêng mình, tôi đã gỡ bỏ WeChat khỏi điện thoại.

Giữa mớ lồng đèn đỏ...
 
Cuộc sống luôn là một cuộc đấu tranh. Với tự nhiên, với đồng loại, với kẻ thù xảo quyệt, như trong chuyện cô gái quàng khăn đỏ và con sói, có khi cũng cần vượt bản thân để đừng bị thiên hạ nuốt chửng. Nhất là khi bên cạnh là những người hàng xóm đang nôn nóng thu gom biển cả, đất trời thiên hạ thành ao nhà của họ...
 
Những cái lồng đèn đỏ suýt nữa đã vẽ thành bản đồ “Tam Sa” sâu trong lòng đất Việt vì một chút thị hiếu ngây thơ... Hoặc ứng dụng “WeChat” (Weixin) hấp dẫn trên điện thoại “thông minh” cho phép người dùng chat miễn phí bằng video, âm thanh hoặc văn bản... do một hãng phần mềm láng giềng sản xuất, cài sẵn bản đồ “lưỡi bò”, cứ cắm đầu cắm cổ sử dụng tức là thừa nhận “Tam Sa”... Sẽ còn nữa những cám dỗ tương tự, nhất là khi đang quen với những tiện nghi của một nền kinh tế biên mậu đầy ưu đãi, của một sự giao thương mở cửa mọi bề, từ hàng hóa tiêu dùng đến văn hóa phẩm lấp đầy chương trình mấy mươi kênh truyền hình lớn nhỏ ngày này qua ngày khác! Từ cái chậu bông cũng có bản đồ chữ S song lại thiếu Hoàng Sa và Trường Sa, như một sự tự chối bỏ... cho đến những thước pháo đủ loại tưởng chừng “vui xuân” như thiên hạ kế bên, song nếu cần sẽ khó mà phân biệt được đâu là tiếng pháo, đâu là tiếng súng trận! Nói chuyện cảnh giác không bao giờ thừa.
 
Mấy ngàn năm nay, gần đây nhất là năm 1979, người Việt vẫn là người Việt, đất Việt vẫn là đất Việt cũng nhờ vào tinh thần đấu tranh ngoan cường. Tuy vẫn có thể cùng chung một số thành tố văn hóa, không để bị đồng hóa, như năm nay bao lì xì đỏ đã in chữ Việt... Chính nhờ vào tinh thần dân Việt bất khuất đó, mà giữa thế trận đèn lồng “Tam Sa” đó vẫn có thể thấy một bài báo nghiên cứu kinh tế học đăng trên chuyên san kinh tế Modern Economy (2012, vol. 3, No. 8) của Nguyễn Tấn Phát, một giảng viên Đại học Kinh tế - luật, Đại học Quốc gia TP.HCM, tựa đề là “Động cơ và rào cản của mô hình kinh tế thị trường phi truyền thống: Một trường hợp nghiên cứu trong nhóm BRICS” (Motivations and barriers of the model of non-traditional market economy: a case to study in BRICS). Tác giả, trong khi phân tích nhóm kinh tế BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), đã khéo léo lồng vào nhận xét sau: “Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh, nhu cầu năng lượng thật lớn lao trong khi các nguồn dầu hỏa lại được xem là thấp nhất so với các nước kia, còn nguồn cung cấp than thì hạn chế. Thành ra, đó chính là lý do chủ yếu khiến Trung Quốc tự tiện vạch ra một cách không thể chấp nhận được đường chữ U, và phát động những cuộc tấn kích vào các nước trên biển Đông như VN, Philippines, trên biển Nhật Bản và biển Hoàng Hải...”. Tạp chí Modern Economy này là một ấn phẩm của Nhà xuất bản Scientific Research Publishing, có trụ sở tại Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc.
 
Giữa mớ lồng đèn đỏ bá vơ đó, vẫn thấy tính bất khuất.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Theo Tuổi Trẻ

Bình luận(0)