Lắp camera giám sát tài xế: Bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng liệu có hiệu quả?

Google News

(Kiến Thức) - Dù cho rằng quy định lắp camera giám sát tài xế trên là rất cần thiết nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc bắt buộc các nhà xe lắp thiết bị trên sẽ dẫn đến sự tốn kém không nhỏ cho các doanh nghiệp vận tải với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Quy định lắp thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo kéo rơ moóc, semi rơ moóc...và thiết bị này phải tích hợp thêm hình ảnh người lái xe nhằm theo dõi hoạt động của người lái trên đường, đảm bảo an toàn giao thông đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận từ các chuyên gia giao thông, chủ xe và các lái xe cũng như dư luận.
Quy định này nằm trong điều 12 – Nghị định 86 vừa được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ sau 2 năm soạn thảo.
Một số ý kiến cho rằng, quy định lắp camera giám sát tài xế trên là rất cần thiết bởi với thiết bị giám sát hành trình được tích hợp thêm hình ảnh người lái xe vừa phát hiện được những vi phạm thường xảy ra như xe đón khách dọc đường, nhồi nhét khách, đua tốc độ, lấn làn để tranh giành khách cũng như giám sát được tình trạng thiếu ý thức của lái xe như nghe điện thoại, dùng chân lái xe hay ngủ gật. Đồng thời quy định này cũng giúp rà soát để xử lý kịp thời hay phục vụ hậu kiểm, tai nạn.
Lap camera giam sat tai xe: Bo ra hang nghin ty dong lieu co hieu qua?
 Ảnh minh họa.
Trên thực tế không ít vụ tai nạn xảy ra mà nguyên nhân chính do lái xe khách không tuân thủ Luật giao thông đường bộ. Vừa qua vụ tai nạn giao thông thảm khốc tại Quảng Nam khiến 14 người trong đoàn đi rước dâu tử vong mà nguyên nhân chính theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể là do tài xế xe rước dâu có thể đã ngủ gật, không làm chủ được tốc độ và phương hướng nên đã đi lấn sang phần đường của xe đi ngược chiều và tông vào xe container khi đó đang đi đúng làn đường là minh chứng rõ ràng nhất.
Trước đó, mạng xã hội cũng không ít lần xuất hiện cảnh lái xe thiếu ý thức như cảnh tài xế xe khách giường nằm của nhà xe Tuấn Hiệp đã có hành vi bắt tay sau gáy và thản nhiên trổ tài điều khiển vô lăng bằng chân trên cao tốc Trung Lương - TP.HCM với tốc độ cao, bất chấp nguy hiểm đe dọa đến tính mạng của nhiều người. Hay như cảnh tài xế chạy ô tô khách giường nằm của nhà xe Tài Thắng tuyến Đà Lạt - Hà Nội trong quá trình điều khiển xe khách đã buông vô lăng, dùng hai tay cầm bát mì ăn. Khi gặp phương tiện phía trước, tài xế mới dùng một tay bấm còi rồi lại tiếp tục ăn trong khi xe vẫn chạy.
Tuy nhiên, dù cho rằng quy định lắp camera giám sát tài xế trên là rất cần thiết để nâng cao ý thức lái xe nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, việc bắt buộc các nhà xe lắp thiết bị trên sẽ dẫn đến sự tốn kém không nhỏ cho các doanh nghiệp vận tải với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Bởi theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay có khoảng 340.000 xe sẽ phải thay thế, bổ sung thiết bị giám sát hành trình có chức năng cung cấp dữ liệu bằng hình ảnh ghi nhận hoạt động của lái xe. Trong khi đó, giá trên thị trường một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5 - 5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng mỗi xe trong một tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị ước tính từ 1.500 đến 1.900 tỷ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.
Rõ ràng, việc lắp thêm thiết bị giám sát trên xe là không hợp lý vì làm tăng chi phí đầu tư cho các doanh nghiệp vận tải bởi trước đó, các doanh nghiệp vận tải trên cả nước đã phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để lắp thiết bị giám sát hành trình nay lại phải thay đổi lắp mới sẽ khiến họ tốn kém thêm hàng nghìn tỷ đồng nữa. Cùng với những chi phí vận tải khác như phí BOT, chi phí xăng dầu…sẽ khiến gánh nặng tiếp tục đè nặng lên các doanh nghiệp. Bởi khi lắp thiết bị hành trình có hình ảnh trực tiếp, liên tục chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng/camera nhưng chi phí cho 3G, 4G để truyền trực tiếp hình ảnh về công ty lên đến 10 triệu đồng/tháng.
Quan trọng nhất hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp khiến các nhà xe nâng cao ý thức, đạo đức của người lái xe và trách nhiệm của doanh nghiệp như việc đào tạo, tập huấn, chuẩn hóa đổi ngũ lái xe nhằm nâng cao ý thức tham gia giao thông của họ. Thiết bị giám sát chỉ là công cụ hỗ trợ chứ không thể phát huy tác dụng, hiệu quả nếu ý thức lái xe kém. Chưa nói đến việc khi lắp camera giám sát sẽ ảnh hưởng đến tâm lý lái xe, quan trọng hơn nó sẽ xâm phạm đến quyền tự do cá nhân của lái xe.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT nên lấy ý kiến rộng rãi trước khi quyết định bởi khi quy định được áp dụng vào thực tế phải được đông đảo nhà xe đồng thuận chấp hành thì mới có hiệu quả như mong muốn, tránh sự lãng phí.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)