|
Dự án ban đầu chỉ đề xuất 552 triệu USD nhưng nay "đòi" lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD (khoảng 6.000 tỷ đồng). |
Lâu nay, tình trạng các công trình xây dựng nói chung, trong đó có các công trình xây dựng về giao thông vận tải ở nước ta vượt dự toán hình như được cho là đương nhiên. Khi đề nghị điều chỉnh tăng (rất lạ là không bao giờ có chuyện đề nghị điều chỉnh giảm), các nhà đầu tư đều đưa ra đến 1.001 lý do mà tất tật đều chỉ là những lý do khách quan, không hề thấy lý do chủ quan nào, có nghĩa là họ đều "né" trách nhiệm.
Theo ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông vận tải ngày 30/4: "Một công trình dù có ít hay nhiều hạng mục thì vẫn chỉ cần có một người chịu trách nhiệm" và "không thể có chuyện cha chung không ai khóc", vậy nên phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu làm cho dự án đội giá.
Ông cũng cho rằng, con số kiến nghị đội giá "là bất thường, là quá lớn, số tiền đó làm được 1,5 chiếc cầu Vĩnh Tuy". Tôi đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Xuân Thủy và cũng xin mạn phép ý kiến thêm là, số tiền đội giá 6.000 tỷ đồng nếu được sử dụng đúng mục đích thì có thể làm được hàng trăm cây cầu treo dân sinh, bảo đảm an toàn giao thông cho nhân dân các tỉnh miền núi khi mà mùa mưa lũ sắp đến gần.
Các cơ quan có liên quan đến lập kế hoạch Dự án, đến việc cấp nguồn tài chính cho các Dự án cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm khi sử dụng tiền thuế của dân, hạn chế tối đa các "kẽ hở", để ai đó không thể có cơ hội cứ vô tư mà "xơi".