Đã xa rồi giấc mơ huy chương
U23 Việt Nam về nước sớm sau vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 27, để lại trong lòng người hâm mộ vô vàn những nỗi niềm tiếc nuối. Dẫu biết rằng điều đó không có gì khó hiểu nhưng sau mỗi lần thất bại của tuyển nam quốc gia thì giới mộ điệu vẫn thêm một lần bị hẫng.
|
Các tuyển thủ U23 sau thất bại trước U23 Malaysia. |
Giờ đây, khi nhìn lại sân chơi SEA Games, nhìn lại sự đối trọng về mọi mặt giữa hai tuyển nam - nữ của nước nhà thì người ta lại chua xót nhận ra rằng, bấy lâu nay đã quan tâm nhầm đối tượng.
Những người được quan tâm nhiều nhất, săn sóc nhiều nhất và kỳ vọng nhiều nhất thì luôn để lại cho những người yêu quý nhiều nỗi thất vọng nhất. Trong khi đó những người ít được quan tâm nhất thì lại là những người mang đến những kỳ tích.
Ở đây, người hâm mộ có thể thẳng thắn nhìn và thấy rằng, U23 Việt Nam cũng chỉ là chép lại câu chuyện muôn năm - bóng đá nam có cố lắm cũng chỉ vẫy vùng trong phạm vi Đông Nam Á mà giấc mơ vàng vẫn lơ lửng dù cho đã có lần tưởng như nằm trong tay đến mười mươi.
Nản có lẽ là từ hay nhất để nói đến tâm trạng của người hâm mộ khi nói đến U23 con cưng của chúng ta.
Xin hãy công bằng với các tuyển thủ nữ
Trong khi ở thái cực kia của bóng đá nước nhà, những cô gái vàng được nhận bằng một phần bao nhiêu sự quan tâm của người hâm mộ và những người có trách nhiệm so với bóng đá nam? Ấy thế nhưng những thành tích họ đạt được lại vượt lên trên cả những kỳ vọng. Nói đúng hơn, những gì họ đã, đang làm và đạt được vượt quá những ưu ái mà họ có được.
|
Cộng đồng mạng so sánh những hình ảnh khập khiễng của hai đội bóng nước nhà. |
Nhưng chỉ những ngày gần đây thì những cô gái ấy mới được đặt lên bàn cân. Họ xứng đáng được đặt ngang hàng với bóng đá nam trên bàn cân. Và rõ ràng khi cân lên thì kết quả cho thấy họ có sức nặng hơn. Bởi sức nặng của bóng đá nữ Việt Nam được thể hiện ở mong muốn, mục tiêu và thành tích đã có. Trong khi bóng đá nam còn luẩn quẩn với ước ao vươn đến màu vàng trong khu vực thì bóng đá nữ đang hướng đến Vòng chung kết World Cup 2015...
Cộng đồng yêu bóng đá chua xót
Cách đây không lâu, cộng đồng mạng ngỡ ngàng với hình ảnh những cô gái của đội tuyển nữ Việt Nam ăn mừng chiến công giành vé dự Vòng chung kết Asian Cup 2014 bằng nước mía, trà đá vỉa hè. Đáng nói hơn, quán nước mía những cô gái vàng ghé vào lại ngay sát trụ sở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF).
Còn đó câu chuyện về gia cảnh của nữ tuyển thủ Nguyễn Thị Hòa – tiền đạo hàng đầu của đội bóng nữ Việt Nam, xếp thứ 28 thế giới nhưng vẫn không kiếm đủ tiền chăm lo cuộc sống cho bố mẹ. Song, không vì thế mà Hòa mất tinh thần thi đấu cống hiến để được khoác áo đội tuyển Quốc gia.
|
Tại giải vô địch quốc gia nữ 2012, Hòa đã tỏa sáng với 8 bàn thắng, đoạt danh hiệu vua phá lưới. Hiện tại, cô đang là nhân tố chính giúp tuyển nữ Việt Nam có cơ hội đến với Vòng chung kết World Cup 2015. |
Cười đấy, giễu đấy nhưng mà đau, những người yêu và luôn ủng hộ bóng đá nước nhà đã công bằng hơn phần nào khi lên tiếng đòi sự công bằng cho bóng đá nữ.
Nickname Kim Cương (PGS.TS Văn Như Cương - pv) có cái nhìn hài hước, sâu cay mà đầy trăn trở như muốn xuề xòa cho xong vì những thứ "không khác được": "Thế là các cầu thủ quần hồng phần nào rửa nhục cho cầu thủ mày râu".
|
Dòng chia sẻ của thầy Văn Như Cương trên Facebook cá nhân. |
"Bán kết xa dần rồi, bán kết xa dần rồi, bán kết xa dần bỏ rơi để lại những giấc mơ" trong một bản nhạc chế gần đây càng khiến những người yêu bóng đá đau lòng. Giấc mơ vàng SEA Games vẫn mãi là giấc mơ, và chúng ta sẽ lại phải chờ 2 năm nữa ở Singapore để mong muốn điều ước ấy trở thành hiện thực.
Bài viết không dành để mổ xẻ, phân tích những đúng sai trong chiến thuật vì điều này dành cho các chuyên gia, cho những người có vai trò to lớn và được giao trọng trách của nền thể thao nước nhà. Ở đây chỉ muốn nói lên suy ngẫm của một người yêu mến và không ít lần cay cay sống mũi hay nhiều lần bị hẫng khi phải thấy màu cờ của Việt Nam được các cổ động viên hạ xuống và cất kỹ chờ mùa sau trong nước mắt.