Hàng trăm hộ dân khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh tới đường dây nóng báo Tri thức và Cuộc sống, bày tỏ sự khiếp hãi khi hàng ngày họ phải sống chúng với hệ thống nước sinh hoạt nhiễm bẩn, đầy giun sán.
Hệ thống nước sinh hoạt nhiểm khuẩn nặng và nỗi lo bệnh tật
Những ngày qua, đặc điểm chung nhất dễ thấy của các hộ dân khu đô thị mới Pháp Vân – Tứ Hiệp là nhà nào cũng quấn đầy vải xung quanh các vòi nước bên trong căn hộ của mình, thỉnh thoảng lại tháo mấy tấm vải đen ngòm dính đầy giun sán mang đi đổ.
Rất nhiều hộ đã đi lắp đặt hệ thống lọc nước riêng, rồi mua các bình nước tinh khiết to đùng về phục vụ việc nấu nướng trong gia đình, và cũng ít người đủ can đảm tắm rửa.
Cũng bởi, đường nước của một số tòa nhà ở đây đang có dấu hiệu nhiễm khuẩn nặng, nước xả ra đục ngầu. Sự việc đang gây xôn xao dư luận những ngày qua.
|
Người dân khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp đều phải dùng vải để bọc vòi lấy nước sinh hoạt |
|
Nguồn nước ở đây đang bị nhiếm khuẩn nặng, đầy giun sán |
Có mặt tại tòa nhà Nơ 21, tiếp PV, bà Nguyễn Thị Khang, một cư dân đang sinh sống ở đây, vẫn không dấu nổi khuôn mặt hãi hùng.
Bà Khang mới mua lại căn hộ tầng 8 tòa nhà Nơ 21 cách đây 2 tháng, đúng lúc Hà Nội giãn cách vì dịch COVID-19 nên chỉ quanh quẩn trong nhà.
“Lúc đầu tôi cũng không tin, sau hàng xóm nói mãi, tôi đành thử mượn cái thau nhôm xả nước vào, chờ lắng xuống và quan sát mới rợn người khi thấy giun sán tung tăng ngoe nguẩy. Tôi phát hãi khi mấy hôm trước cứ vô tư rửa rau, nấu cơm rồi ăn hết vào người. Mấy ngày hôm nay tôi không dám nấu nướng gì, chỉ ăn tạm bánh mì cho đỡ đói, không biết mình có dính bệnh tật gì không?”, bà Khang lo sợ.
|
Bà Khang (bên trái) lo sợ dịch bệnh với tình trạng ô nhiễm nước như hiện tại tại tòa nhà Nơ 21 |
Cũng tòa nhà đó, khi biết có nhà báo đến, anh T. (xin được dấu tên) liền tức tốc mời vào căn hộ của mình, rồi tháo nước cho chúng tôi chứng kiến. Anh ngán ngẩm cho biết, cách đây chưa lâu, con trai anh mới 5 tuổi cứ có dấu hiệu lở loét, gãi sồn sột, rồi lăn đùng ra ốm, người cứ gầy đi. Ban đầu, anh không biết nguyên nhân, định chờ Hà Nội hết giãn cách sẽ đưa cháu đi khám.
Sau khi người dân trong khu ồn ào lên việc nguồn nước nhiễm khuẩn nặng, gia đình anh T. tức tốc mua ngay một cái máy lọc nước to đùng đặt trong nhà, lọc đi lọc lại thật kỹ, nấu thật chín. Từ lúc đó, anh T. thấy cháu có vẻ ăn được cơm, dù vẫn gầy gò, nhưng không còn ngứa ngáy nữa, cũng không kêu đau bụng suốt ngày.
“Tôi không kết luận việc con trai tôi bị như vậy là do đâu, chờ bác sĩ khám đã, nhưng tôi nghi là do nước sinh hoạt. Nhà báo xem, toàn giun sán thế này, ai mà chịu nổi! Chúng tôi ký kết hợp đồng và thanh toán đầy đủ với bên cung cấp nước cơ mà”, anh T. bức xúc.
|
Nước của một hộ dân mở ra khi PV chứng kiến |
Một chủ hộ có nhà tại chung cư Nơ 3 cũng cho biết: “Mới tối hôm qua thôi, tôi tá hỏa khi xả vòi nước ở bếp thì phát hiện có nhiều giun sán trong nước. Tôi chạy xuống tầng dưới hỏi một gia đình khác và họ kiểm tra thì cũng thấy tình trạng tương tự”.
Vợ anh T thông báo có nhà báo đến chứng thực sự việc lên nhóm chat chung, rồi đưa máy điện thoại cho xem, chỉ thấy cư dân nhao nhao lên, toàn ý kiến mời chúng tôi qua căn hộ của họ quan sát, rồi nhờ dư luận lên tiếng để các cơ quan ban ngành có liên quan vào cuộc.
Nguyên nhân do đâu?
Theo lời một người dân ở tòa nhà Nơ 19, trước đó Ban quan trị thông báo vỡ đường nước của nhà máy. Người dân ra kiểm tra thì thấy cũ nát lắm rồi mà không bên nào chịu thay. Có một số tòa nhà khác nằm trong khu đô thị do kiện tụng nhiều quá nên bên xí nghiệp cấp nước mới đến thay sửa. Số còn lại thì vẫn trong tình trạng cũ.
|
Nhiều người dân cho biết, họ ký hợp đồng, đóng tiền đầy đủ, nhưng kết quả nhận lại là... nước bẩn |
Tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm nước, chị H, tầng 3 tòa nhà Nơ 21 cho biết: “Các tòa nhà đều có ban quản trị, nhưng dịch nên cũng không họp được. Trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách, việc nước bẩn, đầy giun sán là chuyện cơm bữa, chúng tôi đành tặc lưỡi sống trong tình trạng như vậy mà không biết kêu ai?”.
Nhiều người đã báo cho chính quyền địa phương và bên đơn vị cung cấp nước sạch. Tuy nhiên theo chị H, đến nay người dân tại các tòa nhà vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi về chất lượng nguồn nước.
"Chúng tôi bỏ tiền ra mua nước sạch nhưng đơn vị cấp nước lại bán nước bẩn nên mọi người rất bức xúc. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chúng tôi sẽ kiện Xí nghiệp 1 ra tòa", chị H tiếp lời.
|
Người dân khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp khẳng định do hệ thống cấp nước ở đây đã quá cũ kỹ, khẩn thiết mong các bên liên quan vào cuộc để đảm bảo sức khỏe cho mọi người |
Các hộ dân ở đây cung cấp số điện thoại của bên đơn vị cung cấp nước sạch là Công ty TNHH một thành viên dịch vụ nhà ở và khu đô thị (Xí nghiệp 1), giám đốc tên là Công. Chúng tôi liên lạc theo số điện thoại …58888, gọi nhiều lần vẫn trong tình trạng tắt máy.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên nước sinh hoạt tại khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp bị nhiễm bẩn. Đáng chú ý, trong nhiều cuộc họp trước, người dân đều mong mỏi UBND TP. Hà Nội và quận thay thế các nguồn nước khác sạch hơn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa có chuyển biến.
Hết cách, người ta kêu không được, đành đưa lên mạng xã hội và nhờ báo chí cùng dư luận lên tiếng.
Báo Tri thức và Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.