Đứt dây điện, 6 học sinh thương vong: Sao lại đổ cho…“ông trời”?

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi khi xảy ra sự việc gì do quản lý yếu kém cần ai đó phải chịu trách nhiệm ngay lập tức người ta lại đổ lỗi cho … “ông trời”. Vụ việc đứt đường dây điện khiến 6 học sinh thương vong là một điển hình.

Sau giờ tan trường, như bao học sinh khác, 6 học sinh trường THCS An Lục Long (tỉnh Long An) phấn khởi về với gia đình nhưng tai họa đã ập xuống khi đường dây điện trung thế trước cổng trường rơi xuống khiến 2 em học sinh tử vong, 4 em khác bị thương nặng.
Hậu quả thảm khốc của vụ việc không chỉ khiến hai em học sinh mất mạng mà người thân của các em cũng lâm cảnh tang thương đau đớn. Có ông ngoại của một em học sinh khi nghe tin cháu bị điện giật tử vong đã lên cơn đau tim rồi qua đời, có gia đình dựng rạp làm đám hỏi cho chị gái thành đám tang cho em nhỏ. Gia đình các nạn nhân đau thương, dư luận hoang mang đặt câu hỏi về trách nhiệm của ngành điện địa phương liên quan vụ việc trên.
Thế nhưng, khi nói về nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn thương tâm trên, đại diện Công ty điện lực huyện Châu Thành (Điện lực Long An) cho biết, bước đầu xác định nguyên nhân là do sét đánh đứt đường dây điện trong cơn mưa lớn dẫn tới tai nạn điện giật làm 2 học sinh chết, 4 em khác bị thương.
Dut day dien, 6 hoc sinh thuong vong: Sao lai do cho…“ong troi”?
 Hiện trường vụ việc.
Tuy nhiên, một số người dân có mặt tại hiện trường lại khẳng định, đường dây điện trung thế đã bị đứt trước đó khoảng 1 giờ nhưng ngành điện không biết nên đã không thực hiện việc ngắt điện để đảm bảo an toàn cho người đi đường, dẫn đến hậu quả 6 em học sinh – người nhập viện, người tử vong.
Ngay ông Phạm Văn Thôi, Hiệu trưởng trường THCS An Lục Long cũng khẳng định, lúc xảy ra sự việc là trời tạnh mưa, học sinh tan trường nên phụ huynh đến rước nên nhà trường mới cho học sinh về nhà. Khi ra đến cổng thì nhóm học sinh bị đường dây điện rơi trúng nằm bất động.
Hiện nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng địa phương điều tra làm rõ nhưng việc đại diện điện lực huyện Châu Thành vội vã đổ cho sét đánh khiến dư luận càng thêm “sục sôi” vì sự vô cảm đến lạnh lùng của những người có trách nhiệm của điện lực địa phương, khi cứ có tai họa là đổ cho… “ông trời”.
Bởi xét về lý, thông thường khi dây điện trung thế đứt rơi tự do chạm xuống đất thì sẽ có rơle tự động ngắt điện nhưng trong trường hợp này lại xảy ra hậu quả nghiêm trọng khiến dư luận đặt ra câu hỏi, rơle tự động ngắt điện có hoạt động hay đã bị hỏng khi xảy ra sự cố.
Trên thực tế, quy trình vận hành an toàn lưới điện quy định rõ về trách nhiệm của ngành điện phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đường dây để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của nhân dân. Bởi vậy, việc một lúc có đến 4 dây điện trung thế đứt rơi xuống khu vực công trường dẫn đến vụ tai nạn là khó có thể…đổ cho “ ông trời”. Bởi quy định cũng nêu rõ các cột điện phải có dây tiếp đất để đảm bảo an toàn. Nếu thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng thì các đường dây điện trên khó có thể xảy ra sự cố thương tâm trên.
Nói như trên để thấy rằng, trong vụ tai nạn trên, không thể chỉ do “ông trời” mà còn do lỗi chủ quan, thiếu trách nhiệm của ngành điện địa phương. Thực tế cho thấy, điện lực địa phương đã chậm chạp, thiếu trách nhiệm, trì hoãn việc khắc phục sự cố rơi đường dây dẫn đến hậu quả thương tâm.
Không chỉ vụ việc này, người ta nhanh chóng đổ lỗi cho “ông trời” mà mỗi xảy ra sự việc gì do quản lý yếu kém cần ai đó phải chịu trách nhiệm ngay lập tức “ông trời” lại là người có lỗi. Mới đây, cao tốc 34000 tỷ Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã xảy ra bong chóc, “ổ gà”, “ổ voi”, ngay lập tức người ta cũng đổ tại mưa lớn cũng đồng nghĩa đổ tại “ông trời”. Hay như đường ngập lụt ở khắp các tỉnh thành thì “ông trời” lại có lỗi. Trời nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng là lại thường xuyên xảy ra mất điện, ngành điện cũng đổ cho “ông trời”…
Quay trở lại vụ việc đứt dây điện khiến 6 học sinh thương vong ở Long An, trả lời trên báo chí, luật sư Trần Đình Dũng (Hội Luật gia Việt Nam) đánh giá, để dây điện đứt rơi xuống đường nhiễm điện, rõ ràng người quản lý điện tại địa phương quá thiếu trách nhiệm. Theo luật sư, cần khởi tố vụ án để làm rõ trách nhiệm những người liên quan.
Đã đến lúc cần phải xử lý nghiêm những kẻ thiếu trách nhiệm và khi xảy ra sự cố chết người thì luôn miệng đổ cho “ông trời”. Bởi nếu đổ cho “ông trời” mà trách nhiệm giảm đi thì những vụ tai nạn tương tự sẽ vẫn còn tiếp diễn và không ít những người dân lương thiện như 6 em học sinh trên sẽ phải gánh chịu hậu quả thương tâm.
 
Theo quy định tại Điều 199 BLHS 2015, người nào có trách nhiệm mà trì hoãn việc xử lý sự cố điện không có lý do chính đáng gây hậu quả chết người thì có thể bị phạt tiền từ 150 triệu đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Trường hợp làm chết 2 người như vụ việc này thì có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)