Dự án lấp sông Đồng Nai để xây khu đô thị kinh doanh, kiếm lời do Công ty Toàn Thịnh Phát làm chủ đầu tư dù đã được UBND tỉnh Đồng Nai “bảo trợ” nhưng vẫn vấp phải sự phản đối và bất bình của dư luận cũng như các nhà khoa học chân chính suốt hai tháng nay.
Phải hủy bỏ dự án này - đấy là tiếng nói chung của dư luận vì sự sống còn của dòng sông cũng như môi trường sống trong khu vực. Chuyện tưởng đã đến hồi kết thế nhưng mới đây, trả lời trên báo Người Lao Động, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM, đơn vị thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án lại phản pháo dư luận bằng những lời lẽ đầy thách thức: "Dư luận là ai? Toàn mấy kẻ phá hoại thôi!".
|
Dự án lấp sông Đồng Nai của Công ty Toàn Thịnh Phát đang tạm dừng thực hiện vì phản ứng của dư luận (Ảnh: Minh Khanh - báo Lao động) |
Chưa hết bức xúc trước việc dòng sông Đồng Nai hiền hòa bị bức tử thì dư luận lại càng sốc thêm bởi thái độ và cách ăn nói của một nhà khoa học đứng đầu một viện nghiên cứu danh giá. Chẳng ai nghĩ những lời trên lại thoát ra từ miệng của một ông GS-TS-Viện trưởng bởi dẫu có bực bội gì thì với tư cách của một nhà khoa học có thứ hạng, hẳn ông phải biết kiềm chế để nói ra những lời nhã nhặn cho xứng với cái tầm trí tuệ của mình. Đằng này…
Nhưng khi đọc kĩ thông tin trên mặt báo, dư luận bỗng hiểu ra ngay. Thì ra, ông tức giận không phải là không có lí. Bởi cái viện do ông lãnh đạo đang đảm nhận công việc đánh giá tác động môi trường của dự án, nghĩa là ông đang được người ta “thuê” (nếu tôi có hiểu sai thì mong ông viện sĩ rộng lòng đại xá chứ đừng coi là kẻ phá hoại mà phải tội!) để bảo vệ cho cái việc lấp sông là hoàn toàn đúng đắn, là ích nước lợi dân, là bảo vệ môi trường sống. Vân vân và vân vân. Vậy là chỉ có dư luận sai, các nhà khoa học khác sai vì dám đụng đến… “niêu cơm” của các ông?
Cho dù là thế, nhưng với tư cách một nhà khoa học, một viện trưởng tại sao ông không bảo vệ “chân lí” của mình bằng luận chứng khoa học mà lại phải dùng những lời lẽ hằn học, thưa GS-TS?
Câu trả lời cho câu hỏi này cũng đã có ngay trong bản đánh giá ĐTM của Viện Môi trường và Tài nguyên TP.HCM mà ông là Viện trưởng. Thật không ngờ, một công trình khoa học đánh giá tác động môi trường của dự án lấp sông Đồng Nai mà lại đi sao chép báo cáo dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) được làm năm 2011(!). Chuyện đã hai năm rõ mười thế mà ông vẫn “hồn nhiên” nói: “Không có sao chép gì ở đây hết”; “Tính số liệu mới làm chi, kết quả cũng như thế thôi”; "Kết luận nào mà chả giống nhau!”.
Ngược dòng thời gian, cái viện do ông lãnh đạo cũng đã từng lập ĐTM cho dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, hai dự án khiến dư luận dậy sóng một dạo để rồi cuối cùng Thủ tướng buộc phải loại bỏ. Chừng ấy thông tin cũng đủ để mọi người hiểu thêm về một viện nghiên cứu, về một vị GS-TS-Viện trưởng – một “nhà khoa học” tầm cỡ của đất nước.
Tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) và Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) tổ chức, đa số các chuyên gia, các nhà khoa học đều cho rằng phải dừng và hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai và yêu cầu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai phải trả lời chất vấn trước Quốc hội... Thế nhưng ông GS-TS-Viện trưởng lại cho rằng “Những nhận định đó đều là cảm tính. Nói phải có bằng chứng, nếu không cũng như nói ngoài chợ thôi!".
Chẳng thể hình dung nổi, một nhà khoa học như ông mà lại hành xử với đồng nghiệp một cách khinh khỉnh như thế. Thực ra, cũng chẳng có gì khó hiểu khi trong Báo cáo ĐTM do Viện ông thực hiện, đứng đầu nhóm tác giả lại là tổng giám đốc, tổng công trình sư, phó tổng giám đốc, cháng văn phòng của Công ty Toàn Thịnh Phát. Còn ông chấp nhận xếp cuối bảng. Chả nhẽ cái giá của một nhà khoa học danh tiếng, một GS-TS, một viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên lại chỉ ngần ấy thôi ư?
Viết đến đây, bỗng nhớ hôm 12/5 vừa rồi tại Hà Nội, Thủ tướng vinh danh 63 nhà sáng chế không chuyên tiêu biểu của cả nước. Họ đã sáng chế ra nhiều sản phẩm có giá trị, góp phần quan trọng nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí đầu tư, cải thiện đời sống người dân.
Phần lớn các nhà sáng chế ấy là những người nông dân chân đất, chưa bao giờ thấy mặt tấm bằng tiến sĩ, thế mà họ lại trở thành những nhà khoa học chân chính.
Còn ông viện trưởng và các cộng sự đã chấp bút cái báo cáo ĐTM ấy - vẫn luôn vỗ ngực là nhà khoa học với một mớ những học hàm học vị - liệu các ông đã đóng góp được gì cho đất nước phát triển, cho nhân dân hạnh phúc hay chỉ là “tiếp tay” cho sự hủy hoại môi trường, bức tử dần những dòng sông đất nước?