Tình trạng các phương tiện vận chuyển khoáng sản không qua trạm cân có thể khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản cũng như kiểm soát tải trọng phương tiện trên địa bàn, gây thất thu ngân sách Nhà nước.
Lắp trạm cân chỉ để "làm cảnh"?
Theo khoản 2 Điều 42 Nghị Định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản cóquy định “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, trừ hộ kinh doanh phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan".
Quy định này nhằm kiểm soát chặt chẽ sản lượng khoáng sản khai thác thực tế của các tổ chức, cá nhân, ngăn chặn tình trạng khai báo sai thực tế sản lượng khoáng sản khai thác hàng tháng khi kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, chống thất thu ngân sách nhà nước. Việc không đi qua trạm cân tại mỏ khoáng sản chính là lỗ hỏng dẫn tới nguy cơ thất thoát tài nguyên và thất thu thuế.
Quy định là vậy, nhưng tại một số mỏ đá ở tỉnh Đắk Lắk vẫn tồn tại tình trạng nhiều xe chở đá đem đi tiêu thụ không thực hiện việc cân tải trọng tại trạm cân.
Điển hình là mỏ đá của Công ty CP Kim Thịnh (mỏ đá Kim Thịnh) tại thôn 12, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
|
Khu vực tập kết, chế biến đá của mỏ đá Kim Thịnh. |
Những ngày cuối tháng 5/2024, nhóm phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận tình trạng nhiều xe tải chở đá từ mỏ Kim Thịnh có dấu hiệu không thực hiện cân tải trọng tại trạm cân theo quy định.
|
Xe đầu kèo vào lấy đá từ mỏ đá Kim Thịnh không thực hiện việc cân đầu vào. |
Theo quan sát, tại mỏ đá Kim Thịnh có lắp đặt trạm cân tại vị trí đường ra và camera giám sát trước các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu theo quy định. Tuy nhiên, nhiều xe tải ra vào mỏ không thực hiện việc cân tải trọng đầu vào. Sau khi chất đầy đá, xe chở đá không đi qua trạm cân, camera giám sát mà chở thẳng đến nơi tiêu thụ.
|
Xe đầu kéo chở đá từ mỏ đá Kim Thịnh đem đi tiêu thụ không qua cân tải trọng. |
Dấu hiệu trốn thuế, thất thoát tài nguyên khoáng sản
Trao đổi với PV, ông Vũ Văn Luyến - Giám đốc công ty CP Kim Thịnh cho biết, do cân đã cũ chỉ dài 18m nên một số xe đầu kích thước dài quá không thể cân được. "Công ty đã có báo cáo với các cơ quan chức năng và cũng có hóa đơn đầy đủ”, ông Luyến nói.
Tuy nhiên, theo video, hình ảnh ghi nhận tại hiện trường, các xe đầu kéo chở đá không qua cân tải trọng có kích thước tương tự như những chiếc xe đầu kéo khác có qua cân tải trọng mua đá từ mỏ đá Kim Thịnh.
|
Xe chở đá qua trạm cân và "né" trạm cân có cùng kích thước. |
Liên quan thông tin phản ánh tình trạng xe có dấu hiệu “né” trạm cân của công ty CP Kim Thịnh, ông Nguyễn Ngọc Lân - Trưởng phòng TN&MT TP Buôn Ma Thuột cho biết: “Thành phố đang xin toàn bộ hồ sơ và sắp tới sẽ tổ chức thành lập 1 đoàn kiểm tra, rà soát các mỏ khoáng sản trên địa bàn Thành phố”.
Đồng thời, phản hồi về việc Công ty CP Kim Thịnh có văn bản xin phòng TN&MT cho một số xe không qua cân, ông Lân cho rằng phòng TN&MT không có chức năng này.
Trong diễn biến liên quan, tình trạng xe chở đá có ngọn từ cụm mỏ đá Hoà Phú ngang nhiên lưu thông trên đường không che phủ bạt, làm đá từ trên thùng xe rơi vãi xuống đường dẫn đến nguy cơ xảy ra tại nạn cho người dân tham gia giao thông.
|
Xe tải chở đá có ngọn từ cụm mỏ đá Hoà Phú ngang nhiên lưu thông trên đường không che phủ bạt. |
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Trương Văn Nhẫn, Công ty Luật Khởi Minh - chi nhánh Quảng Bình, đoàn luật sư tỉnh Quảng Bình cho biết, tất cả xe ra vào thu mua vận chuyển khoáng sản mang đi tiêu thụ bắt buộc phải qua trạm cân và camera. Việc này giúp lưu trữ cơ sở dữ liệu, tài liệu để các cơ quan chức năng thực hiện hiệu quả công tác quản lý về, trữ lượng khai thác của doanh nghiệp theo giấy phép đã đăng ký. Đồng thời, rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ đối với hoạt động của các mỏ.
Theo luật sư Nhẫn, ngoài ra, thực hiện theo quy định, định kỳ hằng tháng, các doanh nghiệp đều thực hiện thống kê, tính toán, cập nhật số liệu trong sổ sách, tài liệu để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hằng năm trong báo cáo định kỳ để gửi cơ quan thuế theo quy định.
Video Xe đầu kéo chở khoáng sản '' né'' trạm cân tại mỏ đá Kim Thịnh
Luật sư Trương Văn Nhẫn nhận định, Hành vi các phương tiện “né” trạm cân là hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản dẫn đến việc khai báo sản lượng không đúng, không có thông tin, cơ sở để thống kê sản lượng đã khai thác làm cho cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong việc giám sát hoạt động khai thác khoáng sản.
Trường hợp xe chở khoáng sản không đi vào trạm cân hoặc không đi qua camera giám sát, theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Nghị định số 36/2020 ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 2 Nghị định số 04/2022 ngày 06/01/2022. Hành vi lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu có liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm hoặc số liệu thông tin không chính xác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 150 triệu đồng tuỳ theo loại khoáng sản, phương pháp khai thác (trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì chịu mức phạt tăng gấp đôi).
Trường hợp doanh nghiệp khai thác khoáng sản vượt trữ lượng so với giấy phép được cấp, theo quy định tại Điều 41 Nghị định 36/2020 của Chính phủ, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 Điều 2 Nghị định số 04/2022 ngày 06/01/2022, hành vi khai thác khoáng sản vượt trữ lượng so với giấy phép được cấp (vi phạm quy định về công suất được phép khai thác) sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 1 tỷ đồng tuỳ theo mức độ vi phạm, loại khoáng sản được phép khai thác (trường hợp đối tượng vi phạm là tổ chức thì mức phạt sẽ tăng gấp đôi).
Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị xem xét áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện cải tạo các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường, hư hỏng hạ tầng kỹ thuật do hành vi khai thác vượt công suất gây ra; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh nếu có. Trường hợp vi phạm nhiều lần còn bị xem xét, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 01 đến 06 tháng.
Đối với trách nhiệm của cơ quan chức năng, cơ quan có liên quan nếu để xảy ra các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản, văn bản của Bộ Tài nguyên và môi trường nêu rõ, pháp luật về khoáng sản có quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ tại Điều 80 Luật Khoáng sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Uỷ ban nhân dân các cấp tại Điều 81 Luật Khoáng sản và Điều 17 Nghị định số 158/2016 của Chính Phủ; trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các tổ chức, cá nhân tại Điều 17 Luật Khoáng sản.
Trường hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 36/2020 hoặc quy định của Bộ Luật Hình sự nếu có dấu hiệu tội phạm. Trường hợp các cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các quy định trong quá trình quản lý hoạt động khoáng sản sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan.
*Báo Tri thức & Cuộc sống sẽ tiếp tục thông tin.