Vừa cách đây gần 1 tháng, tôi đọc được bài viết nói rằng cùng với Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan, Việt Nam chúng ta nằm trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới. Đọc mà thấy buồn, buồn vì có tìm mỏi mắt không thấy thứ hạng của Việt Nam trong các lĩnh vực Y tế, giáo dục, thể thao…nhưng riêng cái khoản xả rác, phá hoại môi trường sống thì nổi bần bật trong số hơn 200 quốc gia trên thế giới.
Vẫn biết sự thật như vậy nhưng phải đến khi chứng kiến cảnh xả rác bừa bãi ngập bãi biển sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua tôi mới thấy sao kinh khủng quá.
|
Bãi biển ven khu nhà thờ đổ thuộc xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5. |
Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, cùng với đó là thời tiết nắng nóng, oi bức. Chính vì thế, các bãi biển là nơi lý tưởng để người dân đi du lịch, giải nhiệt. Những bãi biển nổi tiếng trên khắp cả nước như Quất Lâm (Nam Định), Cồn Vành (Thái Bình), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu… chật kín người. Cùng với lượng khách khổng lồ thì các bãi biển cũng phải đón nhận lượng rác khổng lồ không kém từ các du khách thiếu văn minh.
Điều đáng nói là nhiều người lại xem hành vì xả rác là chuyện "nhỏ như con thỏ". Không chỉ trẻ em mà cả người lớn khi được hỏi về nạn xả rác, họ chỉ cho rằng đây là hành vi không đẹp, ý thức kém gây mất vệ sinh chứ không gây ra thiệt hại gì đáng kể. Nhưng theo tôi hành động xả rác bừa bãi không chỉ là ý thức kém mà nó còn thể hiện bản chất con người. Chỉ những người ích kỷ, hẹp hòi, không có lòng tự trọng mới dày mặt như vậy. Họ ích kỷ vì họ chỉ biết đến bản thân, tiện tay vứt rác mà không hề nghĩ hay lo lắng cho những người khác, lo cho thế hệ mai sau phải sống trong môi trường ô nhiễm.
Trong khi cả nước đang sôi sục vì tình trạng cá chết ở 4 tình miền Trung, các anh hùng bàn phím đua nhau lên án những doanh nghiệp xả thải ra biển không tiếc lời thì cá nhân tôi lại thấy rằng, chính mỗi người Việt vô tư xả rác mới là những thủ phạm dã man nhất đang giết chết biển từng ngày.
Hiện nay, ngoài Nghị định 179 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định 167 xử phạt hình chính về an ninh – trật tự cũng có quy định cụ thể mức xử phạt cho từng hành vi xả rác. Theo đó, hành vi xả rác nơi công cộng bị phạt từ 100.000 đồng – 200.000 đồng; xả rác trên đường phố, xả rác vào hệ thống thoát nước v.v.… bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.