Vụ việc trước khi về hưu, ông Lê Như Tuấn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt công chức, viên chức vào các vị trí lãnh đạo phòng, các đơn vị thuộc sở trái quy định, chưa đảm bảo tiêu chí đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Nhiều người bất ngờ bởi ở cương vị Giám đốc Sở, ông Lê Như Tuấn am hiểu các quy định pháp luật về quy trình bổ nhiệm nhưng ông vẫn bất chấp ký bổ nhiệm, coi thường pháp luật.
Ông Lê Như Tuấn đã ký bổ nhiệm bà Lê Thị Bình giữ chức vụ Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật dù bà Bình chưa có trong quy hoạch chức danh trên, chưa có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Lan giữ chức vụ Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y khi chưa có trong quy hoạch chức danh này, chưa có có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.
|
Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Người Lao động |
Bổ nhiệm ông Trịnh Văn Chất giữ chức Phó trưởng phòng trồng trọt thuộc Sở dù ông Chất không có bằng đại học chính quy, chưa được bổ sung vào quy hoạch lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc sở. Bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tâm làm Phó chi cục trưởng Chi cục bảo vệ thực vật khi trước đó chính ông Tâm bị kỷ luật cách chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng KHKT giống cây trồng Thọ Xuân.
Ngoài ra, chính ông Lê Như Tuấn trong suốt thời gian từ năm 2014 -2017 đã ký quyết định bổ nhiệm 19 trường hợp công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo phòng ban, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở chưa đảm bảo tiêu chuẩn trình độ trung cấp lý luận chính trị theo quy định.
Đó là những ví dụ minh chứng rõ ràng nhất cho sự coi thường pháp luật trong bổ nhiệm, tuyển dụng của ông Lê Như Tuấn. Dư luận chờ đợi sự xử lý quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc xử lý những sai phạm trên để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Tuy nhiên, mới đây, trong quyết định 6883 ngày 15/6, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng chỉ yêu cầu lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa kiểm điểm rút kinh nghiệm mà rút kinh nghiệm thực tế không phải là hình thức kỷ luật và cũng có thể hiểu rằng, người ký quyết định bổ nhiệm trên không có lỗi gì cả.
Trước đây, cố Bí thư Đà Nẵng – ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói rằng: “Có một sợi dây dài nhất là “dây kinh nghiệm” vì cứ rút mãi mà nó không hết. Khi có khuyết điểm, thiếu sót, tiêu cực, nếu bị phát giác, phê bình kiểm điểm thì trước hết là người ta… rút kinh nghiệm. Cái “sợi dây” này cứ rút mãi năm này qua năm khác mà nó vẫn còn. Nên nó được xem là cái “dây” dài nhất”.
Ở nước khác như Nhật Bản chẳng hạn, khi mắc sai lầm hay có điều tiếng từ dư luận như trường hợp Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản - Junichi Fukuda từ chức vì cáo buộc quấy rối tình dục nữ phóng viên dù ông ta đã phủ nhận việc này. Bởi văn hóa từ chức đã trở thành truyền thống trong chốn quan trường ở Nhật. Còn ở Việt Nam chúng ta cũng gìn giữ “một loại văn hóa rút kinh nghiệm” một cách rất truyền thống.
Ngay như sự cố môi trường nghiêm trọng dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Tĩnh, người chịu trách nhiệm cao nhất về lĩnh vực môi trường của tỉnh này lại chỉ vừa nhận hình thức kỷ luật “Rút kinh nghiệm”. Cụm từ “rút kinh nghiệm” được truyền tay nhau từ ngành này sang nghành khác, tỉnh này sang tỉnh kia, đơn vị này sang đơn vị khác.
Gây ra cái chết cho bệnh nhân, bác sĩ xin rút kinh nghiệm, lãnh đạo một cơ quan bị tố vi phạm đạo đức, ảnh hưởng đến tập thể cũng xin rút kinh nghiệm. Một dự án giao thông có vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng, khánh thành chưa bao lâu thì đã xuất hiện lún, nứt, vậy mà ban quản lý dự án cũng chỉ bị xử lý ở mức yêu cầu “rút kinh nghiệm”. Bổ nhiệm sai quy trình cuối cùng cũng chỉ... “rút kinh nghiệm”. Nhiều đến mức nghe thấy cụm từ “rút kinh nghiệm” người ta đã ngán ngẩm lắm rồi.
Thế nhưng, sợi dây kinh nghiệm rút hoài rút mãi ở rất nhiều đơn vị, cơ quan ban ngành nhưng những sai phạm vẫn xảy ra và người ta lại thản nhiên “rút kinh nghiệm”. Có thể thấy, Việt Nam là đất nước có sợi dây kinh nghiệm làm bảo bối cho nhiều sai phạm nên cứ sai là người ta lại rút kinh nghiệm nên mới dẫn đến bổ nhiệm sai, bổ nhiệm thần tốc thường xuyên xảy ra, mới dẫn đến cứ thanh tra ở đâu là ở đó lộ sai phạm. Cái giá của sự rút kinh nghiệm không chỉ dừng lại ở những sai phạm liên tiếp tiếp diễn mà còn thất thoát tiền ngân sách, tài sản, làm mất niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Đã đến lúc, thay bằng cho “rút kinh nghiệm” hãy áp dụng đúng quy định của pháp luật trong việc xử lý vi phạm, ai sai đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó và hãy bắt đầu từ chính việc xử lý những sai phạm trong bổ nhiệm cán bộ của ông Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa – Lê Như Tuấn này!