|
Ảnh minh họa. |
Trong khi đó những bà mẹ ở thành phố lại đang méo mặt vì lo cho con học. Bởi vì đủ loại quảng cáo cứ dội vào đầu, nào là học tính nhanh, học tiếng Anh siêu tốc, học kỹ năng đọc nhanh, kỹ năng học tập đỉnh cao, học cách yêu thương... thôi thì đủ thứ hội thảo với những lời mời mọc mà nghe xong bạn có cảm giác nếu thiếu khoá học này con mình khó mà giỏi được, khó mà nên người được.
Mỗi khoá học như thế đâu có rẻ, khoảng 10 buổi giá đã vài ba triệu đồng. Thấy con nhà người ta đi học, cũng phải cố cho con mình được học. Phải làm thêm chỗ nọ, chỗ kia để có tiền cho con đi học. Nếu không thì khổ tâm lắm. Nhưng vấn đề là có thực sự cần phải thế không?
Có lần tôi đi dự hội thảo về việc cha mẹ phải hiểu con cái. Diễn giả nói hay, các hình ảnh minh hoạ cảm động, trẻ con khóc thút thít, người lớn cũng sụt sịt khóc theo. Hết buổi, không ít người ra bàn đăng ký khoá học cho con mình. Tôi cũng đã định đăng ký, nhưng nghĩ lại cùng lắm là học 10 buổi, còn sau đó thì sao? Nếu không có môi trường cho trẻ thực hành, liệu những cảm xúc được khơi dậy từ những buổi nói chuyện như thế này có đất sống hay không? Sự yêu thương, cảm thông, chia sẻ... trẻ con phải được học từ chính cuộc sống, từ chính ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình, nếu không nó mãi chỉ là lý thuyết. Tôi thấy càng ngày những kỹ năng có thể được dạy ở trường như thế, người ta cứ tách ra thành công nghệ để dạy ngoại khoá.
Sống trong thời đại bùng nổ thông tin như thế này, điều quan trọng nhất là chúng ta phải có kiến thức và bản lĩnh để nhận biết điều gì cần thiết cho đứa con của mình, chứ không phải thấy cái gì cũng hay, cũng phải cho con theo học.
Và thời gian mà bạn định bỏ ra để làm thêm lấy tiền cho con đi học, nếu bạn dành cho con thì trẻ sẽ học được khối thứ. Ngày ngày được trò chuyện cùng bố, được vào bếp cùng bà và mẹ, được yêu thương... đó chính là những bài học bổ ích nhất.