|
Người có bệnh thận, tim mạch, tiểu đường không được uống rượu ngâm "ong rừng". |
Hỏi: Ông Nguyễn Xuân Điền (không rõ địa chỉ, một bạn đọc của báo) cho biết: Tôi thấy người ta bắt ong bò vẽ ngâm rượu và ca tụng công dụng của thứ rượu này. Tôi nuôi ong mật, thấy ong dữ đến bắt ong nên tôi cũng thường xuyên vợt chúng, vứt đi thì phí nên đem ngâm rượu. Tích tiểu thành đại, chẳng mấy chốc được một chai. Xin các chuyên gia cho biết ngâm thế nào cho đúng cách? Rượu ong này dùng chữa các bệnh gì và ai không dùng được?
Trả lời: Không khó để nhìn thấy các loại "ong rừng" ngâm trong chai, hũ, lọ, bình... bày bán ở một số cửa hàng tạp hoá, cửa hàng ăn uống, khách sạn ở những khu du lịch miền núi, hải đảo cùng với những lời giải thích về tác dụng của rượu ngâm rất hấp dẫn... Tuy nhiên, công dụng thực sự của rượu ong tới đâu thì tới nay vẫn còn đang nghiên cứu và nhiều tranh cãi.
Ong bò vẽ (Vespa affinis), ong bò lỗ (Vespa soror), ong mặt quỷ (Vespa velutina) và các loài thuộc giống Vespa là những loài có lợi bởi chúng bắt sâu bọ bảo vệ mùa màng và thụ phấn cây trồng, cây tự nhiên góp phần đa dạng sinh học. Tuy nhiên, đối với nghề nuôi ong, chúng là những loài có hại. Cùng với các loài kiến, sâu ăn sáp, các loài thuộc giống Vespa được gọi là kẻ thù hại ong. Để ngắn gọn, nhiều người nuôi ong gọi những con ong này là "ong rừng", người miền Trung gọi là ong trần.
Cho đến nay, người ta đã biết một thành phần chính trong nọc độc của ong là chất melittin có thể giúp trị bệnh viêm khớp mạn tính, nhưng chưa thấy có nghiên cứu nào nói về tác dụng chữa bệnh của rượu ngâm "ong rừng". Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều người đã coi rượu ngâm "ong rừng" như một loại thuốc chữa bệnh đau khớp, đau lưng... Có người cho biết uống thấy thơm, ngon, sức khoẻ tốt hơn một chút...
Thực ra, nọc các loài ong thuộc giống Vespa và giống Apis (ong mật) nhìn chung rất độc. Vì thế, chúng ta nên thận trọng khi sử dụng rượu ngâm các loại này. Không ít người sau khi uống bị dị ứng nổi ngứa khắp người. Bởi vậy, nếu định ngâm ong rừng sử dụng, nên lấy vợt để bắt; không nhặt con dưới đất để đảm bảo vệ sinh. Rượu ngâm khi uống cần được lọc qua loại vải hoặc khăn voan có thể giữ được lông ong.
Và nếu có bệnh đau khớp thì nên uống với lượng thật ít, tốt nhất nên dùng để xoa bóp. Những người có bệnh thận, tim mạch, tiểu đường không được uống rượu ngâm "ong rừng".