Các biện pháp giúp bà bầu giảm buồn nôn

Google News

Buồn nôn và nôn nhiều trong khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên là nỗi ám ảnh của các bà bầu.

- Buồn nôn và nôn nhiều (BN&N) trong khi mang thai, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên là nỗi ám ảnh của các bà bầu. Hơn 50% thai phụ giảm nôn vào tuần lễ thứ 14, tuy vậy vẫn còn khoảng 10% thai phụ còn nôn sau khi thai đã 22 tuần, cá biệt có một số người  còn nôn cho đến tận ngày sinh.

Ảnh minh họa.
Chống nôn trong thời kỳ mang thai là mong muốn của nhiều bà mẹ. Ảnh minh họa.

Cơ chế gây nên hiện tượng BN&N trong thai kỳ chưa được hoàn toàn hiểu rõ, dù nhiều nhà khoa học đặt vấn đề về vai trò của Helicobacter pylori (là tác nhân dẫn đến bệnh lý viêm loét dạ dày). Có nhiều phương pháp khác nhau giúp làm giảm bớt tình trạng BN&N trong thai kỳ. Tuy nhiên, trước khi điều trị tình trạng này cần phải loại trừ những tình trạng bệnh lý như viêm dạ dày, viêm tụy hay viêm ruột thừa... để kịp thời điều trị.

Biện pháp điều trị trước tiên là thay đổi chế độ ăn theo hướng chia bữa ăn thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Thai phụ BN&N không nên trộn chung thức ăn đặc và thức ăn lỏng, đồng thời cần tránh những thức ăn nhiều chất béo cũng như tránh uống thức uống lạnh hay quá ngọt. Ngoài ra, những thai phụ này cần tránh những gia vị nặng mùi dễ kích thích làm gia tăng tình trạng BN&N. Nên ăn bất cứ thức ăn nào muốn ăn vào bất cứ thời điểm nào thấy có cảm giác thèm ăn.
 
Đặc biệt là những thai phụ BN&N cần được nghỉ ngơi nhiều vì tình trạng mệt mỏi sẽ làm gia tăng mức độ của các triệu chứng nôn trong thai kỳ. Trong giai đoạn này thai phụ rất cần được sự giúp đỡ và thông cảm nhiều hơn của người nhà, bạn bè và đồng nghiệp.

Ngoài ra, những thai phụ BN&N có thể sử dụng các loại thực phẩm có tác dụng làm giảm BN&N như gừng. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy gừng, uống ở dạng bột tinh chất (liều 1.000mg tinh bột khô mỗi ngày), dạng gia vị hay trà gừng, làm giảm hiệu quả tình trạng BN&N ở những thai phụ bị nghén nặng. Gừng giúp làm giảm co thắt cơ dạ dày và làm gia tăng hoạt động nhu động ruột, từ đó giảm tình trạng BN&N trong thai kỳ

Một biện pháp điều trị khác là uống vitamin B6 (Pyridoxine) nếu các biện pháp trên không hiệu quả trong xử trí BN&N. Trong thực tế rất nhiều thai phụ đáp ứng tốt với vitamin B6 (uống 3 lần trong ngày). Vitamin B6 được chứng minh là hiệu quả và an toàn trong điều trị BN&N và được đánh giá là thuốc chọn đầu tay trong điều trị. Trong tình huống vitamin B6 vẫn không hiệu quả trong điều trị BN&N bác sĩ sản khoa có thể sử dụng các nhóm thuốc kháng histamine hay thuốc chống nôn cho thai phụ.

Các dược phẩm khác như thuốc chống nôn hay kháng histamin sẽ được sử dụng khi thai phụ vẫn không đáp ứng các biện pháp điều trị trên. Trong trường hợp vẫn BN&N sau những phương thức điều trị này, thai phụ cần nhập viện để điều trị tích cực với các biện pháp nuôi ăn qua đường tĩnh mạch. 
 
TS.BS Trần Sơn Thạch (Bệnh viện Hùng Vương TPHCM)
 
Bài đọc nhiều:

Bình luận(0)