Đại gia cạn tiền là thôi “nổ”... hết “chảnh“

Google News

Các đại gia lớn đang lần lượt rút khỏi bóng đá, có người công khai đúng luật, có vị âm thầm rút lui nhưng cũng có kẻ trốn chạy vô trách nhiệm…

Các đại gia lớn đang lần lượt rút khỏi bóng đá, có người công khai đúng luật, có vị âm thầm rút lui nhưng cũng có kẻ trốn chạy vô trách nhiệm… khác hẳn với về ngoài hoàng tráng, phát ngôn “nổ”, chi tiền gây sốc một thời. Và tất nhiên, khi bầu rút lui, bóng đá hết tiền thì các cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng, những chuyện sao “chảnh” một thời ầm ĩ cũng rơi rụng dần.

Câu chuyện nhiều ông "bầu" bóng đá cũng là các doanh nhân máu mặt trong làng DN Việt đang thay nhau bỏ bóng đá đang là đề tài "hot" không chỉ với giới doanh nhân. Có rất nhiều lý do để các ông bầu lắm tiền nói lời giã từ túc cầu nhưng tựu chung vẫn không nằm ngoài chuyện tiền bạc.

12 mùa "chuyên nghiệp" đã qua, có lẽ chưa bao giờ bóng đá Việt Nam trải qua cơn khốn khó về tiền bạc như lúc này. Sự kiện "bầu" Thọ công khai ý định trả lại đội bóng Navibank Sài Gòn cho địa phương vì lý do tài chính ngay trước thềm Lễ tổng kết mùa giải của LĐBĐ Việt Nam là biểu hiện rõ ràng nhất cho khó khăn của những người làm bóng đá.

Không chỉ đơn vị này, một loạt các ông lớn như các tập đoàn của Đức, bầu Trường, bầu Thụy, bầu Hiển... cũng giảm lãi, hoặc thua lỗ hàng trăm tỷ, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng.

 

Những ông bàu nào còn trụ lại được với bóng đá Việt Nam?
Những ông bàu nào còn trụ lại được với bóng đá Việt Nam?

 

Kinh tế - doanh nghiệp túng quẫn, không lạ gì khi khủng hoảng đang tác động đến bóng đá. Không riêng gì Navibank, nếu không có các giải pháp thì có khả năng sẽ còn các câu lạc bộ khác nữa sẽ "ra đi" không kèn không trống.

 

Tất nhiên, ngoài lý do làm ăn bết bát thì giới làm ăn rỉ tai nhau về nguyên nhân khiến các ông bầu bỏ bóng đá còn rất nhiều lý do khác ví như giai đoạn dùng bóng đá làm "PR" để quảng bá thương hiệu, khuếch trương hình ảnh đã hoàn thành các ông chủ đã chuyển sang giai đoạn phát triển mới. Rồi chuyện các tập đoàn lấy chuyện nuôi đội bóng các địa phương cũng là cái cớ để họ tiến tới thôn tính được mảnh đất vàng, dự án vàng này nọ nay hoặc việc thôn tính đã hoàn thành, hoặc không thể làm được nữa vì cơ chế đã chặt chẽ hơn nên các ông chủ cũng hết lý do "yêu bóng đá" đành bỏ của chạy lấy người.

Hay đơn giản hơn, mấy ông tỷ phú đại gia sành điệu đã chán bóng đá và họ bỏ vậy thôi. Mà lý do này thì không chỉ có ở Việt Nam, ở phương tây, phương đông từ Pháp, Đức, Anh, Ý cho đến các quốc gia dầu lửa giàu sụ như Qata, Ả rập cũng đã chứng kiến đại gia và đội bóng từng đường ai nấy đi vì cuộc hôn nhân đã không còn mấy mặn mà...

Cái thời các giới "ông bầu", cầu thủ bóng đá Việt đốt tiền như những ông hoàng dầu lửa Ả rập có lẽ đã qua thật rồi... Những đây cũng là chuyện dễ hiểu mà đáng ra giới bóng đá và cầu thủ phải nhận thấy từ lâu.Nếu xem đây là một cuộc khủng hoảng thì cũng là một sự khủng hoảng cần thiết để chấm dứt những cảnh bầu "nổ", sao "chảnh" tiêu tốn hàng đống tiền mà bóng đá vẫn ì ạch. Và đúng như quy luật của kinh tế, nếu những vấn đề bất cập không được tự điều chỉnh thì khủng hoảng sẽ là một liều thuốc cuối cùng có nhiệm vụ "tàn phá sáng tạo" để ngộ ra mà làm lại.

Đương nhiên, khi các ông bầu "bỏ cuộc chơi" sẽ gây ra một loạt xáo động. Trước hết, ai là người bị ảnh hưởng đến chuyện cơm áo nhất nếu mấy ông Bầu rút lui?.

Có lẽ những người hứng chịu nhất thiệt thòi trực tiếp hẳn là giới cầu thủ. Trong giai đoạn được coi là phát triển "nóng" của bóng đá Việt Nam (2008 - 2012) khi các bản hợp đồng, các khoản phí lót tay leo thang chóng mặt, đỉnh điểm là bản hợp đồng kỷ lục mà Hà Nội ACB chi để đưa tiền đạo Công Vinh về hồi giữa năm 2011được cho là lên đến 15 tỷ đồng.

Chưa hết, những khoản lương khủng, rồi các khoản thưởng nóng, thưởng nguội mỗi khi các bầu bốc lên bởi một chiến thắng, hay trụ này, trụ kia khiến cho giới cầu thủ chết ngộp bởi tiền...

Chính những khoản chi chuyển nhượng, lót tay khổng lồ trong giai đoạn trước đã khiến chi phí của hầu hết các đội bóng tăng cao. Theo các chuyên gia, trong giai đoạn đầu của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, trung bình mỗi mùa, chi phí cho một đội bóng chỉ khoảng 30 - 40 tỷ đồng nhưng càng về sau khoản chi này đã lên tới 70 - 80 tỷ. Thậm chí, có đơn vị mạnh chi tới 200 tỷ đồng một năm!

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân" những doanh nhân làm bóng đá có thể với nhiều ý đồ, mục đích khác nhau nhưng rõ ràng với những pha đốt tiền vô tội vạ để tạo ra những "tỷ phú đá bóng". Đó là những người được gọi là "sao" nhưng tài năng chưa thấy đã nhiễm cuộc sống đế vương, hư hỏng mà còn gây điềug tiếng trong xã hội vì cái thói tưởng như chỉ có ở showbiz là "chảnh".

Vì thế, hãy khoan nói về trách nhiệm của các ông bầu "chạy làng" nhưng trong bối cảnh cả nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng, hàng chục ngàn DN phá sản, hàng vạn người thất nghiệp, hoặc phải cắt giảm lương bổng chuyện làng bóng đá bớt tiêu hoang, thậm chí tằn tiện, kham khổ âu cũng là lẽ thường tình.

Chỉ có điều, vốn đã quen với cuộc sống đế vương, tiêu tiền không phải nghĩ nay phải quay trở lại với cuộc sống kham khổ, eo hẹp, thậm chí có không ít "tỷ phú đá bóng" bỗng dưng bơ vơ không có nơi hành nghề vì đội bóng giải tán, chưa biết sẽ đi đâu về đâu... Liệu họ có chịu được những cú sốc này không?

Theo Vef

[links()]

Bình luận(0)