Mưa lũ ở miền Trung: Không để dân bị đói, rét, thiếu nước

Google News

(Kiến Thức) - Trước tình hình mưa lũ miền Trung diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo TW về Phòng chống thiên tai chỉ đạo kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét.

Nhiều tỉnh, thành miền Trung vẫn bị ngập lụt
Thông tin mới nhất về tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung do bão Damrey gây ra, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa cho biết, nhiều tỉnh, thành tại miền Trung vẫn trong tình trạng ngập lụt.
- Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế: Thống kê mới nhất cho thấy, tại thành phố Huế, 25/25 xã, phường bị ngập sâu từ 0,2-0,4m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6m.
Huyện Phong Điền: Tỉnh lộ 17 đi Phong Mỹ bị ngập nhiều đoạn với chiều dài hơn 1,5km, độ sâu ngập trung bình từ 0,8-1,5m; tuyến Quốc lộ 49 đoạn qua xã Phòng Bình ngập sâu từ 0,3-0,5m với chiều dài 300-500m.
Thị xã Hương Thủy: 09/12 xã bị ngập, độ sâu ngập trung bình từ 0,4-0,8m, cục bộ có nơi ngập sâu từ 0,8-1,2m. Huyện Phú Vang: Nhiều tuyến đường bị ngập từ 0,2-0,4m, gây khó khăn cho giao thông đi lại.
Mua lu o mien Trung: Khong de dan bi doi, ret, thieu nuoc
 Nhiều địa phương vẫn trong cảnh ngập lụt.
Tại huyện Phú Lộc: Quốc lộ 1A đoạn qua xã Lộc Trì bị ngập sâu từ 0,6-0,7m, kéo dài từ Cầu Hai đến UBND xã Lộc Trì, gây ách tác giao thông. Đến 18h30 ngày 5/11, tuyến đường này còn ngập sâu khoảng 0,3m, kéo dài 300m.
Huyện A Lưới: 20 hộ dân tại xã Sơn Thủy bị ngập, nước tràn vào nhà. Hiện nay nước đang rút, địa phương đang rà soát, cập nhật số liệu.
- Tại tỉnh Quảng Nam: Huyện Điện Bàn: 15/22 xã ngập sâu trung bình 0,3-0,7m, sâu nhất là 1,0m; huyện Đại Lộc: 18/18 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,0m, sâu nhất 1,5m; huyện Duy Xuyên: 11/14 xã ngập sâu trung bình từ 0,7-1,2m, sâu nhất 1,5m; Thành phố Hội An: 08/09 xã, phường ngập sâu trung bình từ 0,5-1,0m, sâu nhất 1,5m.
- Tỉnh Quảng Ngãi: Hiện có 32 xã thuộc 06 huyện bị ngập sâu trung bình 1,5m (Bình Sơn: 09 xã; Sơn Tịnh: 04 xã; Nghĩa Hành: 07 xã; Tư Nghãi: 05 xã; Mộ Đức: 03 xã; Phổ Đức: 04 xã); thành phố Quảng Ngãi có 02 xã bị ngập sâu trung bình 0,3-0,4m. Trong đó, huyện Sơn Hà đã tổ chức di dời 114 hộ dân ở vùng có nguy cơ ngập đến nơi an toàn.
- Tỉnh Bình Định: Hiện có 11 xã, phường thuộc 04 huyện, thành phố bị ngập sâu từ 0,3-0,5m (huyện Tuy Phước: 05 xã; Phù Cát: 02 xã; Hoài An: 02 xã; thành phố Quy Nhơn: 02 phường).
- Tỉnh Phú Yên: Tại xã Xuân Sơn Bắc thuộc huyện Đồng Xuân bị ngập khoảng 0,3-0,5m. Hiện nước đã rút hết.
Kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống
Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Công điện số 1680/CĐ-TTg ngày 04/11, số 1681/CĐ-TTg ngày 05/11 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 86/CĐ-TW ngày 03/11/2017 của Ban Chỉ đạo TWPCTT - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn. Tập trung lực lượng, phương tiện để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; khắc phục kịp thời các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ sau bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.
Đồng thời, tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.
Vận hành các hồ chứa phù hợp quy trình đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt, tại lưu vực sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn nơi đang diễn ra các hoạt động của hội nghị cấp cao APEC; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp; Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ.
Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.
Nhanh chóng sơ tán, di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm:
Sáng 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Trung ương đã vào các tỉnh miền Trung thị sát tình hình, thăm hỏi người dân. Phó Thủ tướng đã đến Bắc Trà My (Quảng Nam) nơi vừa xảy ra các vụ sạt lở núi, gây chết người để kiểm tra thực tế, thăm hỏi động viên người dân, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ, ứng phó mưa lũ.
Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn với bà con đang sơ tán. Tại đây, Phó Thủ tướng lưu ý bà con cần tuyệt đối tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của lực lượng chức năng; không tự ý quay trở lại nhà khi còn nguy hiểm...Đồng thời, yêu cầu địa phương phải phải nhanh chóng sơ tán, di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; thực hiện tốt công việc hỗ trợ bà con, đảm bảo không để người dân bị đói, bị rét...
Trước đó, ngày 5/11, tại huyện miền núi Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở núi khiến 7 người chết và mất tích, 4 người bị thương.

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)