Những vụ thử vũ khí xạ-sinh-hóa “tàn bạo” của Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - Trong quá khứ, chính phủ Mỹ từng thực hiện nhiều dự án thử nghiệm kiểm tra tác động của chất phóng xạ, sinh học, hóa học lén lút lên con người.

Tàn sát người da đỏ Yanomami

Những năm 1960, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã tài trợ cho hàng loạt thí nghiệm chất phóng xạ, hóa học “kinh khủng”.

Vào thời đó, các nhà khoa học Mỹ bị băn khoăn bởi 2 câu hỏi: bức xạ tác động thế nào tới các cư dân thuần khiết; bệnh dịch sẽ lan tràn thế nào trong trường hợp chiến tranh hạt nhân bùng nổ.

Họ tin rằng sẽ có đáp án bằng cách nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm trên bộ lạc da đỏ Yanomami ở Venezuela. Những điều tồi tệ bắt đầu ập lên đầu  cư dân ở đây.
Những người da đỏ không hề biết họ là nạn nhân của vụ thử nghiệm phóng xạ tàn bạo. Ảnh minh họa

Đầu tiên, những người thổ dân bị cố ý cho tiếp xúc với phóng xạ. Song điều tồi tệ nhất chưa phải là chuyện này, mà phải kể đến trò giới thiệu loại vắc xin ngăn ngừa bệnh sởi Edmonson B. Thực chất, đó là thứ gây ra căn bệnh này cho cư dân bản địa, những người chưa từng biết đến bệnh này trước đó. Dịch bệnh đã giết chết ít nhất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cư dân Yanomami.

Nhà di truyền học James Neel, người đứng đầu thí nghiệm đã ra lệnh cho nhóm nghiên cứu không được cứu chữa cho người bệnh, mà chỉ làm một việc duy nhất là quan sát. Đây được xem là chuyện khôi hài, mỉa mai nhất trong lịch sử khoa học. Toàn bộ chi phí của vụ thí nghiệm được Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ tài trợ.

Thử nghiệm bức xạ lên chính người Mỹ

Giai đoạn 1940-1970, Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Mỹ đã phối hợp với nhiều cơ quan khác của chính phủ nước này thực hiện hàng trăm thử nghiệm để nghiên cứu ảnh hưởng của bức xạ trên cơ thể người.

Các thí nghiệm trên bị ém nhẹm và nằm trong bóng tối bí mật suốt hàng thập kỷ và chỉ được hé lộ vào năm 1993, nhờ các cuộc điều tra của phóng viên của tờ Albuquerque Tribune Eileen Welsome (sau này ông đã đoạt giải thưởng báo chí danh giá Pulitzer).

Trong loạt bài điều tra, nữ phóng viên đã mô tả tỉ mỉ, chi tiết các thí nghiệm bức xạ lên con người được chính phủ Mỹ tài trợ. Trong đó, hàng trăm bà mẹ tương lai được cung cấp “đồ uống vitamin” phóng xạ. Thí nghiệm này nhằm mục đích xác định đồng vị phóng xạ tác động tới thai nhi như thế nào.

Ngoài ra, nạn nhân của thí nghiệm còn bao gồm các bệnh nhân cao tuổi, người da đen hoặc tàn tật tại nhiều bệnh viện ở Chicago. Các học sinh khuyến tật cũng bị cho ăn cháo bột yến mạch trộn phóng xạ.

Chưa hết, chính phủ Mỹ còn ra lệnh cho các phi công phải bay qua các đám mây phóng xạ trọng các vụ thử bom nguyên tử để đo mức ảnh hưởng của chất phóng xạ tới phi hành đoàn.

Thử vũ khí hóa học với lính Mỹ

Giai đoạn 1950-1970, Đại tá James Ketchum (Quân đội Mỹ) đứng đầu hàng trăm thí nghiệm tại kho vũ khí Edgewood (Baltimore, bang Maryland).

Đại tá Ketchum có niềm tin mạnh mẽ rằng, chiến tranh hóa học sẽ "nhân đạo" hơn và nên được đưa vào thay thế cho chiến tranh thông thường. Do đó, ông ta đã dành nhiều năm tại Edgewood để phát triển các vũ khí "nhân đạo" và trực tiếp kiểm nghiệm chúng trên hàng trăm binh sĩ Mỹ khỏe mạnh.
Lính Mỹ cũng không thoát khỏi nhưng vụ thử vũ khí hóa học từ chính quân đội của họ.

Không ai trong số những binh sĩ này có cơ hội lựa chọn hoặc được thông báo về những gì nhóm nghiên cứu của Đại tá Ketchum đang làm đối với họ. Sau khi kết thúc, sự kiện này cũng bi ém nhẹm và chìm vào quên lãng.

Không ai lần theo dấu vết của nó hay sức khỏe của những người từng vô tình trở thành nạn nhân của cuộc thí nghiệm. Các chất hóa học được sử dụng trong cuộc thí nghiệm gồm chất ma túy gây ảo giác như LSD tới các chất độc thần kinh (như VX và sarin).

Ngoài ra, sau này, cũng không ai liên quan đến cuộc thí nghiệm bị truy tố. Kho vũ khí Edgewood, một phần của trung tâm thí nghiệm Aberdeen chỉ bị đóng cửa và toàn bộ kho vũ khí hóa học ở đây bị phá hủy năm 2006.

Thử vũ khí sinh học tại các thành phố Mỹ


Thời Chiến tranh Lạnh có không ít thành phố Mỹ bị biến thành vật thí nghiệm để thử các chất hóa học hoặc sinh học.

Hầu hết các vụ thử nghiệm này nhằm mục đích kiểm tra mức độ tác động và lan rộng của vũ khí hóa học. Và xác định phương thức triển khai chúng cũng như đo lường ảnh hưởng của các phản ứng phóng xạ trong cơ thể con người.

Tất nhiên, sử dụng vũ khí hóa học trong chiến tranh là hành động phi pháp theo Nghị định thư Geneva năm 1929. Nhưng nhiều vụ thử nghiệm vẫn được tiến hành từ giữa những năm 1950-1960, trong đó năm 1953, Mỹ đã tiến hành 16 cuộc thử nghiệm.
Thành phố St. Louis từng được dùng làm nơi thử vũ khí hóa học.

Theo đó, các máy bay chở đầy hợp chất độc hại rải xuống nhiều thành phố Mỹ như Corpus Christi (bang Texas), khu ổ chuột ở St. Louis ( bang Missouri).

Ngoài ra, các bình xịt hóa chất cũng được bố trí trên nóc các tòa nhà chọc trời và các tháp khí tượng trong khu vực để phục vụ mục đích thử nghiệm.

Các chất độc hại được sử dụng không chỉ là chất hóa học, mà còn bao gồm chất phóng xạ chứa kẽm cadmium sulfide hay bột huỳnh quang nguyên chất. Những chất này gây nguy hiểm cho sức khỏe con người cũng như môi trường. Các cuộc thử nghiệm trên đã dẫn đến tỷ lệ ung thư tăng cao bất thường trong khu vực.

Bạch Dương

Bình luận(0)