Vũ khí hạt nhân Triều Tiên nguy hiểm đến mức nào?

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên có kế hoạch sau một vài năm sẽ sở hữu tên lửa hạt nhân và đạt được trình độ kỹ thuật tương đương Liên Xô hồi cuối những năm 1950.


Các phương tiện truyền thông của thế giới nói nhiều về mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên nhưng xem ra việc đánh giá tiềm năng hạt nhân của Triều Tiên là sai lầm.

Theo tiêu chuẩn toàn cầu, tiềm năng hạt nhân của Triều Tiên là không đáng kể và trong tương lai gần không thể phát triển tới tầm cỡ đáng chú ý. Tên lửa của Triều Tiên có thể sẽ tiêu diệt được một hoặc hai thành phố nhưng hoàn toàn không đủ để làm suy yếu khả năng quân sự của Mỹ và thậm chí của Hàn Quốc. Hơn nữa, lãnh đạo Triều Tiên cũng nhận thức được rằng nếu giáng đòn hạt nhân vào Mỹ hoặc các cường quốc hạt nhân khác, cũng như vào các đồng minh chiến lược thì sẽ gây ra phản ứng đáp trả dữ dội. Hậu quả sẽ không chỉ là phần lớn người dân, mà hầu hết giới tinh hoa của Triều Tiên sẽ bị thiệt mạng.

Nếu thoát chết nhờ trốn trong hầm trú ẩn, giới tướng lĩnh và các quan chức Triều Tiên sẽ phải ra toà án quân sự quốc tế. Thế giới sẽ không tha thứ cho lãnh đạo Triều Tiên nếu họ vi phạm lệnh cấm sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, Triều Tiên không bao giờ quyết định tấn công hạt nhân phủ đầu đối với Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Như vậy, trước hết và quan trọng nhất, vũ khí hạt nhân của  Triều Tiên chỉ là phương tiện răn đe. Nhiệm vụ chính của nó là làm giảm đáng kể khả năng miền Triều Tiên bị tấn công, cũng như trong trường hợp xung đột nội bộ hoặc phiến quân nhận được hỗ trợ từ phía bên ngoài. Ban lãnh đạo Triều Tiên không có tham vọng chinh phục thế giới, mục tiêu chính ở đây khiêm tốn hơn nhiều: bảo vệ chính quyền.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chương trình hạt nhân của Triều Tiên là vô hại. Nó thực sự là mối đe dọa cho thế giới nhưng là gián tiếp.

Thứ nhất, chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên thiết lập một tiền lệ nguy hiểm. Không giống như ba cường quốc hạt nhân mới là Ấn Độ, Pakistan và Israel (chưa bao giờ ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1968), Triều Tiên hành động ngấm ngầm rất đáng ngờ. Bình Nhưỡng đã ký kết hiệp ước NPT và được quyền truy cập công nghệ hạt nhân nhưng sau đó đơn phương rút khỏi hiệp ước. Nếu hành động này không bị trừng phạt, sau đó các nước khác tham gia NPT sẽ theo gương xấu của Bắc Triều Tiên.

Thứ hai, có xác suất cao là lãnh đạo Triều Tiên sẽ bán công nghệ và thiết bị hạt nhân cho những ai sẵn sàng trả tiền nhiều cho họ. Trong quá khứ, Triều Tiên đã bán tất cả mọi thứ có thể bán được; do đó có khả năng Triều Tiên bán tên lửa và công nghệ hạt nhân.

Thứ ba, người ta không thể loại trừ một thực tế là việc sản xuất và lưu trữ các loại vũ khí hạt nhân có thể xảy ra tai nạn nghiêm trọng; thậm chí là có nguy cơ tên lửa Triều Tiên bị phóng lên bất ngờ do lỗi kỹ thuật hoặc bất cẩn. Trong Chiến tranh Lạnh từng có một vài tình huống khi Mỹ và Liên Xô trên bờ vực xung đột hạt nhân do hậu quả vấn đề kỹ thuật. Hơn thế, kỹ thuật Triều Tiên ít tin cậy hơn so với kỹ thuật của các cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân trên. Do đó nguy cơ chiến tranh do lỗi kỹ thuật còn cao hơn nhiều.

Thứ tư, có một khả năng nhỏ nhưng thực tế là chương trình hạt nhân Triều Tiên sẽ kích động cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á và cuối cùng thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có vũ khí hạt nhân.

Vì vậy, các chuyên gia tên lửa và hạt nhân Triều Tiên chẳng nên vui mừng trước việc Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công tên lửa-hạt nhân. Hậu quả nỗ lực của họ là mang lại cho thế giới nguy cơ rất lớn.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình

Bình luận(0)