Có thể tái tạo răng từ...nước tiểu?

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học Trung Quốc dự đoán tế bào gốc lấy từ nước tiểu có thể cho phép con người tái tạo lại răng đã bị mất.

Viện Hàn Lâm Khoa học Trung Quốc đã tạo ra cấu trúc răng từ tế bào gốc trong nước tiểu ở chuột và tin rằng một ngày không xa răng nhân tạo có thể được sử dụng trong điều trị lâm sàng ở người.
Nhóm các nhà khoa học tại Viện Y sinh Quảng Châu đã bắt đầu nghiên cứu với nước tiểu. Các tế bào niêm mạc trong cơ thể khi thoát ra bằng đường tiểu đã được thu lại và cảm ứng để chúng trở thành tế bào gốc đa năng (iPSCs).
Cấu trúc tái tạo răng từ nước tiểu đã được ứng dụng trên chuột. 
Các nhà nghiên cứu tạo ra cấu trúc răng bằng cách buộc iPSCs bắt chước tế bào biểu mô để phát triển thành men răng, tế bào trung mô để phát triển thành ngà răng, tủy răng, xương răng. Tiếp đó, họ cấy hỗn hợp này vào chuột và 3 tuần sau cấu trúc giống như răng đã phát triển.
Tác giả nghiên cứu, TS Duanqing Pei thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết: “Chiếc răng nhân tạo này có cấu trúc, tính chất vật lý tương tự như răng con người. Tuy nhiên, nó còn một số hạn chế nhỏ là tỷ lệ thành công chỉ mới 30%”. Mặc dù vây, ông Pei vẫn rất tin tưởng về khả năng chiếc răng nhân tạo này có thể được sử dụng trong điều trị lâm sàng trong tương lai không xa.
  Khả năng chiếc răng nhân tạo này có thể được sử dụng trong điều trị lâm sàng trong tương lai không xa.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng nhận được những ý kiến trái chiều. GS Chris Mason - chuyên gia tế bào gốc tại Đại học London (Anh) - cho biết nước tiểu là một nguồn tế bào gốc kém chất lượng nhất. Ông nói: “Nước tiểu là một trong những nguồn tệ nhất, bởi tế bào thu được trong đó rất ít và hiệu quả cảm ứng chúng thành tế bào gốc cũng rất thấp”. Ông cũng cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn từ nước tiểu cao hơn nhiều so với những nguồn thu tế bào gốc khác.
Các nhà nghiên cứu tin rằng tinh chỉnh các hỗn hợp của tế bào và điều kiện nuôi cấy mô có thể giải quyết những vấn đề này. Họ tin rằng phương pháp tái tạo răng từ tế bào gốc có trong nước tiểu iPSCs vẫn là một hy vọng lớn cho y học tái tạo.
Linh Chi

Bình luận(0)