Với hy vọng dành tiền mua một món quà giá trị cho mình, nhiều trẻ nhỏ đã giấu bố mẹ tiền ăn sáng, tiền ăn quà vặt... để lập quỹ riêng.
- Với hy vọng dành tiền mua một món quà giá trị cho mình, nhiều trẻ nhỏ đã giấu bố mẹ tiền ăn sáng, tiền ăn quà vặt được ông bà cho để lập quỹ riêng.
Mỗi lần xin tiền mẹ hay mắng
Cháu Nguyễn Ngọc Lan, lớp 3A1 Trường Tiểu học Phú Mỹ, quận 7, TPHCM tâm sự: Con không dám xin tiền mẹ, mỗi lần con muốn tự tay chọn quà tặng bạn nhân dịp sinh nhật thì mẹ hay mắng, nói thích bày vẽ tốn tiền. Mẹ nói nhà không có tiền nên phải tiết kiệm.
Lớp mỗi tháng có phong trào góp 10.000đ giúp một bạn nhà có hoàn cảnh khó khăn con cũng không dám xin. Tiền con dành được là thi thoảng bố hoặc ông bà nội cho. Con gom từng đồng lẻ và đổi thành tiền chẵn giấu dưới ngăn đựng viết, ngày nào mẹ cũng sắp tập cho con nhưng không biết.
Không ai bày con giấu tiền nhưng con thấy nó cần thiết nên tự làm. Mới đây, bạn nào trong lớp mở nắp hộp lấy mất của con 100.000đ, tiền đó con để dành cả ba tháng, thậm chí nhịn thèm giờ ra chơi không mua bánh ăn mới có bằng đó mà bị mất nên tiếc lắm.
Con có thưa với cô giáo nhưng cô bảo lớp đông bạn quá không biết ai mà hỏi. Về nhà con buồn nhưng không dám kể cho mẹ, mỗi lần ngủ dậy con cứ thấy tiếc lắm, phải mất cả tuần con mới thấy nguôi ngoai...
Khác với em Ngọc Lan, em Nguyễn Hùng Cường, nhà ở 87/1 Hồ Thị Kỷ, quận 10, TPHCM năm nay học lớp 8 đã có cách tiết kiệm riêng. Vì là con một và cháu đích tôn nên được ông nội rất cưng, dù đang có lỗi nhưng chỉ cần ông nội ra tay bênh vực là đâu lại vào đấy.
Ông cũng là người giữ tiền giúp cháu uy tín và sinh lợi nhiều nhất nên có bao nhiêu Cường cũng đưa cho ông mà không cần thông qua bố mẹ. Cường cần gì rỉ tai to nhỏ là ông đồng ý, có nhiều món đồ chơi xe đắt tiền ông cũng không nỡ từ chối cháu cưng nên bố mẹ Cường cũng không dám hỏi và kiểm soát con.
Chị Hồng Anh, mẹ cháu Ngọc Lan cho biết: Hôm đi họp cho cháu nghe cô giáo chủ nhiệm nói lại mới biết là cháu mất tiền, thấy về nhà cứ buồn buồn và hỏi nhưng cháu nói con mệt.
Vì không muốn con tiếp xúc với tiền sớm nên đồ ăn mình mua sẵn cho vào cặp mang theo và nhất quyết không cho tiền, cháu muốn mua gì mình cũng hỏi khá kỹ rồi mua chứ không để tự do. Có lẽ vì lý do này mà cháu sợ nên đã giấu tiền riêng, dù mất không nhiều nhưng nó cũng làm mình suy nghĩ lại và cư xử bớt khắt khe với con hơn.
|
Cho tiền con vừa đủ và dạy các em sử dụng cho hiệu quả. |
Để riêng phải có mục đích
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai, Công ty Tư vấn Hồn Việt phân tích: Khi biết con để tiền riêng, cha mẹ không nên mắng con và thu hồi ngay vì cho rằng chúng còn nhỏ không được sử dụng tiền mà nên tìm hiểu con để riêng để làm gì.
Rất có thể đây là tiền chúng để dành trước tiên cho mục đích cá nhân nhưng gặp chuyện cần thiết vì bạn bè hoặc cần sự ủng hộ thì chúng rất sẵn lòng, vì trẻ con vốn rất rộng rãi và chưa biết tính toán nhiều.
Một cháu bé lớp 3 nhưng biết nghĩ đến chuyện cất tiền là trong suy nghĩ của con đã biết sự cần thiết phải có tiền, do đó trách nhiệm của cha mẹ là chỉ dẫn cho con nhận thức đúng và sử dụng tiền đúng mục đích.
Khi con tiết kiệm để tiền riêng không hẳn là xấu nên cha mẹ cần biết và nhẹ nhàng hướng con sang những mục đích tích cực để trẻ dùng tiền vào những việc có ý nghĩa.
Cô Trần Thiên Dung, Chủ nhiệm lớp 7A5, Trường THCS Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, TPHCM cho rằng, chuyện học sinh giữ tiền cũng bình thường vì các em đi học cả ngày và bố mẹ cũng bận đi làm nên các em phải có tiền để ăn sáng hoặc ăn trưa.
Phụ huynh cũng cân nhắc khi cho tiền con vì nhiều quá chúng sẽ la cà vào các quán net, mua thẻ chơi game hoặc rủ bạn bè vào quán xá ngồi và trốn học.
Cho tiền con vừa đủ và dạy chúng sử dụng cho hiệu quả thì tốt hơn là để con nhịn thèm và lập quỹ riêng, điều này ảnh hưởng đến sức khoẻ và chúng sẽ bị chi phối trong việc học vì phải lo đối phó với cha mẹ lỡ bị kiểm tra bất chợt.
"Thông thường vì công việc bận rộn nên cha mẹ hay cho con ít tiền tiêu và muốn sử dụng vào việc gì thì tùy con. Một số trẻ em có gia đình khá giả nên chuyện để tiền riêng và xài vào mục đích gì thì không ai kiểm soát. Đây là một trong những lý do mà trẻ không nghĩ đến công sức của người làm ra tiền khi xài tiền nên không biết quý tiền hoặc sử dụng vào mục đích không chính đáng".
Chuyên gia tâm lý Lý Thị Mai |
Quỳnh Anh