Bộ mặt của người chồng yêu tiền đến bệnh hoạn

Google News

Có lần đi đường đói bụng anh cũng cố nhịn, không dám vào quán mà cố gắng về nhà vét bát cơm nguội.

Chào độc giả của mục tâm sự, tôi là độc giả thường xuyên của chuyên mục này. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tôi chia sẻ chuyện của nhà mình với hy vọng sẽ nhận được sự đồng cảm của những người có hoàn cảnh tương tự cùng với lời khuyên.
Tôi năm nay 28 tuổi, mới kết hôn được 2 năm và có con gái 1 tuổi. Tôi gặp anh ấy, người chồng hiện tại của tôi qua đám cưới một người bạn. Vì là đồng hương lại học cùng ngành nên chúng tôi nhanh chóng chia sẻ điện thoại. Và chỉ sau vài tháng liên lạc qua lại cũng như gặp gỡ, chúng tôi chính thức yêu nhau và sau gần 1 năm thì một đám cưới đẹp như mơ đã diễn ra trong sự vui mừng của hai bên gia đình.
Bo mat cua nguoi chong yeu tien den benh hoan
Sau khi về sống chung tôi mới thấy đàn ông mà đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, chặt chẽ quá trong chi tiêu đúng là thảm họa. Ảnh minh họa. 
Gia đình tôi ai cũng mừng vì sau nhiều sóng gió trong tình yêu (tôi yêu đến 3 người trước khi gặp anh nhưng kết cục đều chia tay) tôi đã gặp được người chồng tốt. Nếu nhìn bề ngoài, xét về các tiêu chí cơ bản, anh là người hoàn hảo: Không rượu chè, cờ bạc, không ngoại tình, chăm chỉ làm việc và là người chồng có trách nhiệm trong mọi việc. Không chỉ chăm chỉ làm việc ở công ty, anh còn chịu khó giúp vợ làm việc nhà.
Tuy nhiên, khi sống cùng nhau, từng ngày từng giờ mới thấy rằng cuộc sống chung với anh thật chẳng dễ dàng, nếu không muốn nói là quá ư ngột ngạt. Tất cả bắt đầu từ việc chồng yêu tiền đến bệnh hoạn.
Không phải đợi đến khi về sống chung với nhau tôi mới biết anh là người chặt chẽ trong chuyện tiền bạc. Thời yêu nhau, tôi từng mất mặt với nhóm bạn vì bao nhiêu lần đi chơi, đi ăn uống chung nhưng chưa bao giờ anh chịu là người chủ động rút ví trả tiền.
Tôi cũng từng bẽ bàng với gia đình khi năm đầu tiên yêu nhau, ngày 8/3, anh đến nhà tặng tôi bó hoa rất to còn bó hoa cho mẹ tôi thì chỉ có một bông nhỏ, gói sơ sài như là cho có. Hôm đó, tôi đã thẳng thắn góp ý và anh ấy đã ngại ngùng hứa sửa chữa.
Tôi cũng từng rất tủi thân bởi bạn bè được người yêu đưa đến quán này, bar khác mỗi tối thứ bảy. Còn chúng tôi lần nào hẹn hò, nếu không ngồi ở nhà thì cũng chỉ quẩn quanh ở ghế đá công viên. Anh bảo quán xá tốn tiền mà lại đông người ồn ã.
Tuy vậy, bù lại anh ấy lại tốt tính, có nhiều ưu điểm và tôi tin anh ấy sẽ là người chồng tốt nên đi đến kết hôn với anh.
Tuy nhiên, sau khi về sống chung tôi mới thấy đàn ông mà đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành, chặt chẽ quá trong chi tiêu đúng là thảm họa. Ngày nào cũng chứng kiến cảnh người đàn ông toan tính chi ly đến chuyện tiền bạc, sao thấy cứ hèn hèn và ngột ngạt vô cùng.
Từ ngày về sống chung, anh đã phân công nhiệm vụ rõ ràng: Anh sẽ lo kiếm tiền và các công to việc lớn trong nhà còn việc nội trợ chi tiêu trong gia đình phải thuộc về tôi.
Vậy nhưng tiền làm ra anh giữ và anh cũng chẳng bao giờ nói chính xác anh kiếm được bao nhiêu. Anh tính rằng, với mức lương 8 triệu của tôi là đủ chi tiêu sinh hoạt hàng tháng rồi nên tôi chủ động dùng lương của tôi để chi tiêu hàng tháng, khi nào thiếu thì bảo anh.
Vậy nhưng mỗi lần có phát sinh, tôi hỏi anh thì thể nào anh cũng vặn vẹo đủ kiểu, bắt tôi phải giải trình chi tiết tại sao thiếu và thấy hợp lý thì anh mới đưa tiền. Và thường lần nào hỏi tiền anh, tôi cũng bị anh mắng là không biết tiết kiệm.
Tôi mua thứ gì về nhà, anh cũng hỏi giá và gần như bao giờ anh cũng có lý do để chê. Khi thì anh chê tôi mua đắt, khi anh bảo tính toán không khoa học nên thành ra tốn tiền vô ích.
Mà quả thực, lần nào anh đi chợ cũng mua rẻ hơn tôi vì anh luôn đợi đến tầm chập tối để mua hàng bán tống bán tháo. Lần nào đi chợ anh cũng đi từ đầu chợ đến cuối chợ, hỏi giá và trả giá đến khi hàng nào rẻ nhất anh mới chịu trả tiền. Đến mức giờ mấy bà hàng thịt ở chợ cứ nhìn thấy anh là lại cười mỉa với nhau.
Anh cũng thường chê tôi lãng phí. Nói không ai tin, thời đại này mà anh còn bảo rằng cần gì phải bỏ ra tới 300 ngàn để mua cây lau nhà, lấy quần áo rách ra lau có phải được một công đôi việc.
Anh cũng có những “sáng chế” tiết kiệm tiền mà đến các cụ thời khó khăn ngày xưa cũng phải thua xa. Chẳng hạn, anh bảo để tiết kiệm nước, đi 3 lần vệ sinh hãy giật nước một lần hay dùng luôn lon bia cắt đầu đi để làm cốc uống nước.
Thấy tôi mua bịch ni lông mới về làm túi đựng rác, anh mắng tôi là hoang và bảo mỗi lần đi mua đồ về có túi thì tích trữ lại và dùng để đựng rác là quá được rồi. Thành ra nhà tôi lúc nào cũng ngổn ngang những túi ni lông bẩn.
Những đồ dùng nhỏ nhặt như vậy anh còn tiếc thì hiển nhiên chuyện sửa sang, trang trí nhà cửa cho khang trang đẹp đẽ là điều xa xỉ. Anh bảo nhà đẹp xấu thì cũng chỉ ở mà thôi. Thành ra căn nhà tập thể cũ kỹ của nhà tôi cứ mãi cũ như vậy.
Không chỉ bắt mọi người tiết kiệm, với bản thân mình anh cũng chẳng bao giờ dám chi tiêu cho bản thân. Nhìn trẻ trung, bảnh bao vậy nhưng cứ ra khỏi nhà là anh có chai nước mang theo để không phải mất tiền cho quán xá.
Có lần đi đường đói bụng anh cũng cố nhịn, không dám vào quán mà cố gắng về đến nhà vét bát cơm nguội. Và vì quá đói mà anh bị hạ huyết áp, suýt nguy hiểm đến tính mạng.
Anh rất thương bố mẹ nhưng không bao giờ cho ông bà tiền vì sợ ông bà lại đem tiền đó cho cô em gái.
Tôi nhiều lần góp ý nhẹ nhàng rằng anh đừng tiết kiệm quá như vậy nữa, nhưng cứ mỗi lần như vậy anh không những không nghe mà còn mắng tôi.
Chẳng lẽ lại ly thân hay suốt ngày giận dỗi vì tính yêu tiền quá đà của chồng nhưng nếu để tình trạng này kéo dài tôi e mình không chịu nổi. Tôi nên làm gì đây, hãy cho tôi lời khuyên?
>>> Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin

Bình luận(0)