Tuyệt chiêu biến xe máy thành ô tô tại Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Một số thợ sửa chữa xe máy ở thị trấn Quảng Uyên, Cao Bằng đã biến chiếc xe máy thành ô tô bằng sự sáng tạo và tài năng của mình.

Nhìn chiếc ô tô của những tay độ kỳ tài miền sơn cước khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục...
2 xe máy được 1 ô tô
Phong trào độ ô tô ở thị trấn Quảng Uyên bắt đầu cách đây khoảng 2 năm do một thợ cơ khí tên Văn khởi xướng. Bằng sự sáng tạo của mình, Văn đã dùng động cơ của hai chiếc xe điện độ thành một chiếc ô tô, mặc dù chiếc ô tô của anh chạy với tốc độ "rùa". Tuy nhiên, việc nó chạy được trên đường đã là một kỳ tích khiến cho những người ôm trong mình giấc mộng về một chiếc ô tô riêng vô cùng phấn chấn và tạo ra làn sóng độ ô tô hấp dẫn hiện nay.
Mặc dù Văn là người khởi xướng, nhưng đỉnh cao của phong trào độ phải đợi đến tháng 11/2012 khi thợ cơ khí Lâm Anh Hưởng độ thành công chiếc ô tô hai chỗ ngồi chạy được với vận tốc đạt 70km/giờ từ hai động cơ xe máy cũ.
Cận cảnh chiếc xe của anh Lâm Anh Hưởng. 
Chúng tôi tìm gặp Lâm Anh Hưởng tại xưởng cơ khí khi anh đang sửa chữa xe máy. Điểm nổi bật dễ nhận biết cửa hàng của anh là chiếc ô tô độ hai chỗ ngồi dựng trước cổng. Anh Hưởng tiết lộ: "Mình nảy sinh ý định độ ô tô từ tháng 11/2012 khi cứ phải đón con đi học bằng xe máy đội mưa đội nắng... Lúc hình thành ý tưởng rồi mình lại có thêm động lực phấn đấu vì trước đó đã có người độ thành công chiếc ô tô từ hai động cơ xe điện".
Ngay sau khi hình thành ý tưởng, anh Hưởng đã sưu tầm được hai động cơ xe máy cũ trong đống phế liệu và bắt tay vào công việc chế tạo mà không hề có bản thiết kế trước.
Để tạo khung cho chiếc xe, anh đã dùng những ống thép hàn với nhau thành khung theo ý tưởng mà anh đã định hình sẵn từ trước đó. Tiếp đến là việc chế vô lăng và hai bánh trước theo cơ chế hoạt động giống như ô tô... Tiếp theo đó, anh dùng những tấm thép để gò và cắt làm vỏ xe. Một tuần đầu sau khi bắt tay vào làm anh đã hoàn thành xong phần khung, vỏ ngoài của xe. Công việc khó khăn nhất với anh là độ số lùi cho chiếc ô tô tương lai. Để làm việc này, anh đã nghĩ ra cách dùng bộ số của hai chiếc xe ghép đảo chiều nhau và cố định vào một hộp số do anh tự chế tạo.
Anh Hưởng chia sẻ: "Công việc khó nhất khi độ xe đó là chế tạo hộp số lùi, vì việc này cần độ chính xác cao... Nếu như chế tạo phần vỏ và khung xe chỉ mất một tuần thì việc chế tạo hộp số cũng mất đúng một tuần. Mình đã làm hỏng mất một hộp số, sau đó phải dùng tiếp một bộ máy thứ ba để độ, lần này thì đã thành công. Việc lắp ghép hai hộp số với nhau cho phép xe tiến, lùi thoải mái mà vẫn giữ được tốc độ di chuyển lên đến 70km/giờ".
Chiếc ô tô của anh Nghĩa đang trong quá trình hoàn thiện. 
Sẽ độ thêm nhiều ô tô
Ngoài anh Hưởng, ở Quảng Uyên còn có một số thợ cơ khí khác cũng ra tay độ ô tô. Nói như Nguyễn Xuân Nghĩa, một thợ cơ khí ở trung tâm huyện thì phải độ cho đến khi nào được ô tô mới thôi. Có lẽ vì ý chí đó mà Nghĩa đã mất hơn 6 tháng ròng độ chiếc "xế hộp" ưng ý.
Anh Nghĩa kể: "Tôi độ chung xe với một cậu em tên Linh. Ý tưởng độ xe do cậu em nghĩ ra từ đầu năm 2013, sau đó phải mất cả tuần để vẽ thiết kế khung gầm và bề ngoài sao cho chính xác và đẹp. Khi có bản vẽ thiết kế thì công việc hàn, tiện thuộc về tôi, vì cậu em còn phải đi làm công sở, buổi tối khi tan việc nó mới đến xưởng để phụ tôi độ xe. Tôi độ chiếc xe mất hơn 6 tháng trời và tiêu tốn mất 5 bộ động cơ xe máy. Đến nay, công việc cuối cùng còn lại là lắp ghép hộp số lùi".
Anh Nghĩa chỉnh sửa một số chi tiết của chiếc xe. 
Có lẽ ở thị trấn Quảng Uyên chiếc xe ô tô tương lai của anh Nghĩa là có kiểu dáng đẹp nhất, xe được thiết kế với cốp để đồ rộng rãi. Xe được bố trí 2 ghế ngồi, bộ lốp được lấy từ xe ô tô cũ, cụm đèn pha xenon sáng loáng được lấy từ ô tô nguyên bản, cụm đèn tín hiệu cũng được trang bị khá sành điệu bằng đèn xenon... Một điểm khác biệt nữa là hộp số được thiết kế riêng biệt gắn cố định vào khung gầm khiến cho bộ máy chắc chắn hơn.
Anh Nghĩa khoe: "Chiếc xe mới đưa vào chạy thử và đã đạt đến tốc độ khoảng 80km/giờ. Tuy nhiên, phần hộp số vẫn chưa hoàn thiện, chạy được một thời gian ngắn thì bị bó biên do sử dụng động cơ quá cũ nên phải tháo ra điều chỉnh lại cho phù hợp". Dự kiến đến tháng 8/2013 chiếc xe sẽ hoàn thành và sẽ trở thành xế hộp "long lanh" nhất huyện Quảng Uyên.
Cận cảnh hộp số sau khi độ. 
Tận dụng phế thải
Việc làm ra một chiếc xe ô tô đã là kỳ tích, đằng này có tới 60% chiếc xe được tận dụng từ phế thải. Hầu hết những thợ chuyên độ xe ở thị trấn Quảng Uyên đều lượm nhặt những bộ động cơ xe máy hỏng, sau đó lọc ra những linh kiện còn có thể sử dụng được và lắp ghép với nhau, phần hệ thống điện cũngđược làm bằng cách tận dụng của những chiếc xe khác vứt đi và nối lại thành một hệ thống hoàn chỉnh.
Theo Lâm Anh Hưởng thì chính vì sử dụng nhiều phế liệu nên đã hạn chế được tối đa chi phí trong việc độ xe. Như chiếc xe mà anh độ có tổng giá trị khoảng 10 triệu đồng, sở dĩ giá đội đến 10 triệu đồng là do anh phải phá tung 3 bộ động cơ xe máy ra để lắp ráp lại, đồng thời phải mua mới một số linh kiện thay thế. Nếu như việc độ xe suôn sẻ chỉ tốn 2 động cơ xe máy thì chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều.
"Vì chúng tôi độ xe bằng phương pháp thủ công nên một vài chi tiết máy chưa chính xác, dung sai lớn, có lúc chúng tôi phải chạy đi mượn, nhờ máy tiện, hàn của xưởng cơ khí khác nên khá bất tiện. Nếu có công cụ làm việc chúng tôi sẽ làm được những chiếc ô tô tốt hơn".
Anh Lâm Anh Hưởng
Quách Dương

Bình luận(0)