“Sáng ngày 12/10/2019, khi tôi bắt đầu sử dụng những giọt nước sạch đầu tiên của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasopco) cho ngày mới thì phát hiện nước hôm nay có mùi lạ. Mở cửa ra hỏi hàng xóm thì mới biết cả xóm cũng đang xôn xao câu chuyện nước sạch có mùi lạ… tuy nhiên, dù cho nước có mùi lạ, chúng tôi vẫn phải sử dụng” - Đó là tình cảnh của hàng trăm nghìn gia đình sinh sống ở Thủ đô trong ngày đầu tiên xảy ra sự cố Nhà máy nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu bẩn.
|
Nguồn nước dẫn vào Nhà máy nước Sông Đà do Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu bẩn. |
Tuy nhiên, tại thời điểm đó, không ai biết, nước vẫn cứ được bơm đi để sử dụng khắp các quận, huyện của Hà Nội.
“Lỗ hổng” nguy hiểm
Cho đến thời điểm hiện tại, khi bài viết này được xuất bản khắp cả nước, sự cố nước sạch nhiễm dầu bẩn về cơ bản đã được khắc phục. Những kẻ được coi là nguồn cơn dẫn đến sự cố này cũng đã bị cơ quan chức năng tạm giữ, điều tra. Thế nhưng, nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Thủ đô vẫn còn đó…
Nhiều gia đình đã sắm những cái chum tích nước dự phòng sự cố, có gia đình lo lắng cho tương lai bệnh tật đã chuyển hẳn sang dùng nước đóng chai cho an toàn… Dường như niềm tin vào nguồn nước sạch ở Thủ đô sau sự cố đã rơi rụng đôi ba phần.
Đau thương hơn, phía sau câu chuyện nước nhiễm dầu còn gây ra cái chết thương tâm cho anh Nguyễn Viết Việt Anh (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) vì thau rửa bể ngầm chứa nước sinh hoạt của gia đình.
|
Dầu thải chảy theo khe suối đến hồ Đầm Bài - nơi cấp nước cho Nhà máy nước sạch sông Đà. |
Đằng sau sự cố này, chúng ta đã thấy vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước hiện nay đang rất sơ sài, hay nói cách khác thiếu và yếu. Điều đó đang tạo nên một mối lo ngại, một lỗ hổng an ninh trong quản lý nguồn nước sạch. Bởi, nếu như chất thải xả xuống nguồn nước không phải là dầu thải mà là một loại hóa chất, một loại thuốc độc không màu, không mùi thì sẽ gây ra thảm họa như thế nào?
Điều đáng nói, việc quản lý nguồn nước sinh hoạt nhìn ngoài xem chừng rất chặt chẽ với những quy định và các ban bệ đầy đủ từ cơ quan cấp bộ, cho tới sở, ban ngành của chính quyền địa phương. Song khi xảy ra sự cố thì chẳng thấy một cơ quan hữu trách nào có động thái giải quyết kịp thời từ cảnh báo ngay cho tới có biện pháp cấp bách ổn định cuộc sống người dân.
Điều đó minh chứng rõ trong những ngày người dân phải hứng chịu sự cố. Hành động duy nhất của các cơ quan quản lý TP Hà Nội suốt 4 ngày đầu là lập ra một đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng - y tế để đánh giá chất lượng nước tại Nhà máy Sông Đà rồi bắt người dân đợi chờ, thay vì đưa ra khuyến cáo về mối nguy hại. Trong khi đó, quy trình lấy mẫu nước, xét nghiệm để phân tích ra các chỉ tiêu trong nước về màu sắc, mùi vị, độ pH, clor dư, manganese... trong phòng thí nghiệm có thể cần phải có thời gian khá dài...
Có thể nói, cách quản lý, quản trị kiểu “sống chết mặc bay” đã tạo ra những lỗ hổng rất đáng lo ngại trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước sạch cung cấp cho đời sống và sinh hoạt của người dân.
|
Người dân Hà Nội trong những ngày thiếu nước sạch vì sự cố Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu bẩn. |
Khi nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng an ninh nguồn nước đang rất có vấn đề, chính bản thân ông cũng đã phải uống nước bẩn 3 ngày. “Tôi cũng ăn nước bẩn mất 3 ngày. Họ đã không chú ý đến sức khỏe và lường hết các vấn đề tác hại có thể gây cho nhiều người. Có thể nói là hết sức vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết”, ông Hà nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Hà cũng cho rằng: “Vụ việc này là cảnh báo đỏ cho bảo vệ an ninh nguồn nước, đặc biệt là nước cấp cho mục đích sinh hoạt của người dân… Nếu để tình trạng quản lý lỏng lẻo và chất lượng của nhà quản lý, cung cấp nước kém thế thì rõ ràng có thể có nhiều kịch bản có thể xảy ra, không loại trừ kịch bản nào. “Từ vụ việc cho thấy công tác kiểm soát an ninh nguồn nước có vấn đề lớn”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam cho rằng, từ vụ nước nhiễm dầu nhìn nhận một cách đại cục hơn thì mới thấy rõ vấn đề bảo đảm an toàn nguồn nước đang rất yếu. “Với thực tế quản lý nguồn nước hiện nay, nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc có nhiều cơ hội xâm nhập vào hệ thống nước mặt, hệ thống sản xuất nước sạch của nhà máy, thậm chí từ đường ống bơm tới nhà dân.
Ở đây có lỗ hổng rất lớn. Nhà máy nước mặt Sông Đà chỉ quan trắc nguồn với nước đầu vào với mấy chỉ tiêu: quan trắc độ đục, độ pH, nhiệt độ, còn những chất khác như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu... không có quan trắc. Vì vậy, sau vụ việc nhiễm dầu thải, chúng ta cần phải bừng tỉnh lại, phải vá ngay các lỗ hổng”, ông Sơn nói
Ông Sơn cũng tỏ ra lo ngại về mối đe dọa tiềm ẩn đang hiện hữu trên sông Đà, cụ thể, ông Sơn cho biết, hiện nay dọc hai bên bờ sông Đà còn có rất nhiều bồn chứa xăng dầu, tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ, bục vỡ, xảy ra sự cố môi trường. Các cơ sở sản xuất giấy, nước thải hóa chất dọc hai bên bờ sông Đà và gần nhà máy cũng có thể có vấn đề trong xử lý nước thải. Ngoài ra, hoạt động giao thông trên sông Đà có thể va đâm gây ra sự cố tràn dầu” ông Sơn nói.
Thực tế, trên thế giới, nhiều quốc gia thực hiện việc bảo vệ nguồn nước sạch vô cùng nghiêm ngặt, chặt chẽ, có các biện pháp xử lý kịp thời nếu như xảy ra sự cố. Như ở ở Australia, các đập chứa nước được rào chắn kỹ lưỡng. Trên rào chắn, biển được gắn, ghi rõ cấm được xâm phạm, nếu không sẽ bị xử lý. Việc vi phạm tại một khu vực như thế này thậm chí sẽ nghiêm trọng như đột nhập trái phép một cơ sở quân sự, doanh trại hay bất cứ cơ sở nào của Chính phủ.
Tương tự, ở Mỹ, việc bảo vệ nguồn nước sạch cũng vô cùng nghiêm ngặt, các hồ chứa nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt được coi là mục tiêu bảo vệ an ninh, an toàn trọng yếu.
|
Nhà máy nước Sông Đà của Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà – Viwasupco. |
Có thể kể đến việc bảo vệ hồ chứa nước Diamond Valley (Los Angeles) luôn có hệ thống biện pháp và quy tắc bảo vệ an ninh cũng như các phương án xử lý tình huống khẩn cấp riêng, báo cáo cập nhật định kỳ lên cơ quan quản lý không quá 6 tháng/lần.
Rồi nước sẽ quý hơn kim cương
Nước đã góp phần tạo ra sự sống trên trái đất và nước cũng chính là một trong những nhân tố chính để duy trì sự sống của nhân loại. Vậy, nếu một ngày nguồn nước bị ô nhiễm, bị đầu độc không thể sử dụng thì sẽ ra sao? Nhiều chuyên gia, tổ chức môi trường uy tín đã đưa ra các cảnh báo về sự thiếu hụt nguồn nước sạch có thể gây ra nhiều mối nguy hại và không loại trừ sẽ xảy ra chiến tranh vì nước. Vì vậy, có thể nói nước trong tương lai có thể quý hơn kim cương.
Theo Viện Tài nguyên Thế giới (WRI), Việt Nam là một trong 17 quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao. Và sự thiếu hụt nguồn nước có thể gây ra nhiều bất ổn ở hiện tại và tương lai.
Qua sự cố nước sạch bị nhiễm dầu thải, cuộc sống của hàng vạn người dân Hà Nội trong nhiều ngày trở nên rối loạn, đã có những thiệt hại về vật chất, tai nạn làm chết người vì nước. Điều này cho thấy, việc thiếu nước sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường, thậm chí có thể còn dẫn tới những khủng hoảng xã hội.
Tiến sĩ Andrew Steer - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của WRI cho rằng, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về nguồn nước ở mức độ rất cao, là bởi các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp và khu vực đô thị ở các quốc gia này đang tiêu tốn trung bình tới 80% lượng nước trên bề mặt và nước ngầm mỗi năm.
|
Người dân Hà Nội trong cơn khát nước sạch vì sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu bẩn. |
Vì vậy, khi cầu vượt cung thì ngay cả những “cú sốc” thiếu nước ở quy mô nhỏ, vốn được dự báo sẽ ngày càng gia tăng do biến đổi khí hậu cũng có thể tạo ra những hậu quả thảm khốc. Khan hiếm nước là nguyên nhân chính gây ra xung đột và di cư tại nhiều quốc gia.
Thực tế, trên thế giới đã có nhiều quốc gia vướng vào xung đột, bất ổn vì nước. Có thể kể đến cuộc xung đột triền miên ở 2 tỉnh miền Nam Ấn Độ là tỉnh Karnataca và tỉnh Tamilnada. Đó là cuộc khủng hoảng nước khi người dân phản đối các dự án thủy điện có nguy cơ làm giảm nguồn nước sinh hoạt và nuôi trồng trong suốt 15 năm, gây nên nhiều hệ lụy cho kinh tế và bất ổn chính trị Ấn Độ.
Một ví dụ điển hình khác là tình hình khan hiếm nước ở khu vực Trung Đông do các quốc gia đua nhau xây đập giữ nước. Việc này dẫn đến căng thẳng đang ở mức đỉnh điểm giữa Israel và chính quyền Palestine, Jordani và Syri. Không chỉ vậy, việc này còn gây ra các khủng hoảng về nguồn nước cũng ảnh hưởng đến cả các quốc gia lân cận khác.
Như vậy, từ thực tiễn thế giới và những dữ liệu nước ở Việt Nam hiện nay cho thấy, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước đang vô cùng cấp thiết đối với Việt Nam. Nếu không có những hành động kịp thời, thiết thực, hậu quả về sự bất ổn vì thiếu nước sẽ không còn là nguy cơ…