Mới đây, Báo điện tử Kiến Thức tiếp nhận được đơn kêu cứu của tập thể người thân các bị cáo nguyên là cán bộ xã, huyện Thạch Thất trong vụ đền bù giải phóng mặt bằng tại dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Nội dung đơn cho rằng UBND huyện Thạch Thất đang cố tình “chây ì” quyết định rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ việc này để chuyển lên cơ quan tố tụng ở phiên tòa phúc thẩm tới đây?
Trình bày trong đơn, bà Lê Thị Tươi (vợ của bị cáo Nguyễn Thành Huyên, cựu cán bộ Ban GPMB huyện Thạch Thất) cho biết, năm 2006 chấp hành chỉ đạo của cấp trên, huyện Thạch Thất đã thành lập Ban giải phóng mặt bằng và các tổ kiểm đếm để phục vụ kiểm đếm giải phóng mặt bằng Dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô 600ha, thuộc địa bàn huyện Thạch Thất.
|
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. |
Trong quá trình kiểm đếm phục vụ việc giải phóng mặt bằng, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, tổ kiểm đếm số 4 do ông Đỗ Văn Dũng, nguyên PCT UBND xã Hạ Bằng làm tổ trưởng, cùng các thành viên đã đưa ra số liệu kiểm đếm chưa chính xác.
Nhận thấy số liệu kiểm đếm chưa chính xác, một số hộ dân có đất đấu thầu tại khu Cầu Sa (xã Hạ Bằng) đã phát đơn khiếu kiện UBND xã và tổ kiểm đếm.
Tháng 9/2011, các cán bộ thuộc tổ kiểm đếm số 4 đã bị khởi tố gồm: ông Đỗ Đình Dũng; Ông Nguyễn Thành Huyên, ông Nguyễn Đức Tâm, nguyên cán bộ địa chính xã Hữu Bằng; Ông Phùng Hòa Bình, nguyên trưởng thôn 7, xã Hạ Bằng; Bà Vương Thị Hoa, nguyên cán bộ ban GPMB; Ông Nguyễn Xuân Tuyết, nguyên Chủ tịch UBND xã Hạ Bằng; Ông Nguyễn Văn Xuyến, nguyên PCT HĐND xã Hạ Bằng; Ông Nguyễn Văn Lý, lao động tự do.
Theo bà Tươi, lý do cơ quan cảnh sát khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam một số người trên là do tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội Nhận hối lộ. Tổng số tiền gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước là 3.065.689.205 VNĐ.
Bà Tươi cho rằng, theo số liệu thực tế và qua các văn bản hướng dẫn đền bù GPMB do Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Hà Tây (cũ, nay là Hà Nội) ban hành, thì thất thoát trong vụ án này chỉ ở mức 388.058.206 VNĐ. Điều này đã được luật sư nêu tại tòa.
Cho rằng bản án sơ thẩm mà TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt các bị cáo ngày 25/11/2016, là quá nặng, có nguy cơ oan sai, chưa đúng so với bản chất của sự việc nên người thân các bị cáo cũng như các bị cáo đã có đơn kháng cáo lên TAND Cấp cao và các cơ quan chức năng.
“UBND TP Hà Nội sau khi tiếp nhận được đơn kiến nghị cũng đã ban hành văn bản số 174/BCĐ-NV1 ngày 13/4/2018, về việc đôn đốc UBND huyện Thạch Thất thực hiện chỉ đạo của UBND TP.
Nội dung văn bản chỉ đạo của UBND TP HN nêu rõ: Việc phê duyệt phương án điều chỉnh của UBND liên quan đến vụ án mà TAND cấp cao tại Hà Nội đang thụ lý... Kết quả phê duyệt phương án điều chỉnh này của UBND huyện Thạch Thất sẽ được Cơ quan CSĐT - Bộ CA chuyển theo hồ sơ vụ án và cũng là căn cứ để Tòa án xem xét việc kháng cáo của các bị cáo cho lần xét xử sau, đồng thời cũng giải quyết dứt điểm đề nghị của CQCSĐT.
... UBND TP chỉ đạo UBND huyện Thạch Thất sớm phê duyệt phương án điều chỉnh và gửi Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ điều chỉnh, bổ sung các thửa đất... cho CQCSĐT", - bà Tươi thông tin.
Liên quan đến sự việc, trả lời PV Kiến Thức, ông Nguyễn Kim Loan - PCT UBND huyện Thạch Thất cho biết, huyện có nhận được văn bản nói trên của TP Hà Nội và đã chỉ đạo xã rà soát thực hiện.
Tuy nhiên, khi hỏi về tiến độ thực hiện đến đâu khi mà các bị cáo trên được đưa ra xét xử phúc thẩm. Ông Loan cho biết xã vẫn đang rà soát.
“Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo xã rà soát rồi. Coi như là cái gì chắc chắn được, đúng quy định của pháp luật sẽ điều chỉnh. Xã vẫn đang rà soát, phân loại đối tượng nếu xã gửi lên thì huyện sẽ gửi cho các cơ quan, ban ngành thẩm định” – Ông Loan nói.
Bà Tươi bức xúc: "Theo như văn bản số 174/BCĐ-NV1, việc UBND huyện Thạch Thất phê duyệt phương án bồi thường và chuyển cho cơ quan CSĐT là tư liệu rất quan trọng để Tòa đánh giá sự việc trong phiên xét xử Phúc thẩm. Thế nhưng, việc huyện Thạch Thất chậm đưa ra phê duyệt phương án bồi thường phải chăng là đang "chây ì" chỉ đạo của UBND TP HN (?!)".
Theo bản án sơ thẩm ngày 25/11/2016 mà Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt, thì bị cáo Đỗ Văn Dũng nhận mức án 14 năm tù, Nguyễn Thành Huyên 15 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Nhận hối lộ”.
Các bị cáo Phùng Hòa Bình, Nguyễn Đức Tâm lĩnh án 7 năm tù; Vương Thị Hoa 5 năm tù; Nguyễn Xuân Tuyết, Nguyễn Văn Xuyến và Nguyễn Văn Lý cùng lĩnh án 3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”