Sau khi bị đưa đi bộ mấy ngày, qua những con đường núi ngoằn nghèo hiểm trở, Tú Anh được “áp giải” đến một vùng bạt ngàn chè mà mãi sau này cô mới biết là thuộc địa phận tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).
Vì mối “thân tình” với tên buôn người, cô thoát khỏi cảnh bị bán vào nhà chứa, được chủ một trang trại mua với giá rẻ về làm việc tại một nông trường chè.
Ngay ngày hôm sau, Tú Anh bắt đầu phải làm việc. Công việc không quá nặng nhọc nhưng thời gian làm việc kéo dài, tâm lý hoang mang vì bị lừa bán, nhớ chồng thương con đến quay quắt... nên cô bị ốm nặng. Cơ thể yếu ớt, sút cân nhanh chóng, không nuốt nổi bất cứ thứ gì.
May mắn, trong thời gian này, Tú Anh gặp được một số phụ nữ người Việt đồng cảnh ngộ. Nhóm phụ nữ này quê ở miền Nam, bị lừa bán sang Trung Quốc đã gần 2 năm.
Nhìn thấy hình ảnh của mình những ngày đầu tiên mới sang, họ đồng cảm và thương xót nên thay phiên nhau động viên, chăm sóc. Nhờ vậy, sức khỏe của cô dần hồi phục và nhanh chóng làm quen, bắt nhịp với cuộc sống mới.
Gác lại mọi lo toan, Tú Anh bắt đầu tập trung vào công việc để lấy niềm tin ở chủ. Cô gần gũi với những người Việt đã ở đây lâu, trò chuyện với họ cho vơi đi nỗi buồn và dò la thông tin để tìm cách bỏ trốn.
|
Nạn nhân Vương Tú Anh trò chuyện với PV. |
Theo lời những phụ nữ đã ở đây lâu, việc trốn chạy đã có nhiều nhưng số người thoát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những người bị bắt lại nặng thì bị đánh chết, nhẹ thì bị đánh “thừa sống thiếu chết”. Bởi vì, địa hình ở đây vô cùng hiểm trở, không biết đường rất dễ bị lạc, trong người lại không có tiền, không thạo tiếng nên không thể thoát được.
Tận mắt chứng kiến vài vụ trốn đi bị bắt lại, bị đánh cho hỏng người nên Tú Anh khá e dè, vài lần tranh thủ thị sát địa hình để tìm đường về nhưng thấy không khả quan nên ý định trốn chạy trong cô không còn mạnh mẽ như trước nữa.
“Nghe nói, nếu chăm chỉ làm việc, trả được hết số tiền mà chủ mua về làm việc thì họ sẽ thả về Việt Nam. Đã có nhiều trường hợp biết điều và chăm chỉ nên được về sau vài năm dốc sức. Tìm hiểu được như vậy nên tôi cày đầu vào làm việc, nhịn nhục không dám cãi lại chủ nửa lời để nuôi hy vọng một ngày được trở về nhà, về quê” - Tú Anh nghẹn giọng chia sẻ.
Thời gian thấm thoát trôi, sau 7 năm với nhiều lần bỏ trốn bất thành, cơ hội ngàn năm có một đã đến với cô. Đã chiếm được tin tưởng của chủ nên Tú Anh được chủ cho theo xe ô tô giao chè cho một nhà máy ở trung tâm huyện. Trong thời gian ở đây, cô bí mật tích cóp được khoảng 10 triệu tiền Việt Nam, đã có thể giao tiếp ít nhiều bằng tiếng Trung nên có thời cơ là có thể trốn được.
Khi chiếc xe giao chè đi đến chỗ đường rộng, thấy tập trung đông dân cư, cô xin tài xế xuống đi vệ sinh và mua chai nước. Vừa xuống khỏi xe, cô vào nhà vệ sinh rồi lẻn ra đằng sau quán nước ven đường cắm cổ chạy không dám ngoái đầu lại. Cách đó không xa thấy có taxi nên cô vẫy, vội vàng leo lên xe bảo tài xế chạy thẳng ra cửa khẩu Tân Thanh.
Ngồi trên xe, tiếng thở dốc và tiếng tim hòa nhịp, những giọt nước mắt cứ thế tuôn trào trong vỡ òa, nức nở. Ra đến gần biên giới, người tài xế tốt bụng liên lạc với một bà lão chuyên dẫn phụ nữ Việt bị bán sang Trung Quốc vượt biên trở về Việt Nam nhờ giúp Tú Anh với số tiền công là 300 nhân dân tệ (khoảng một triệu tiền Việt). Sau nửa ngày đi bộ theo đường rừng để vượt biên, cô òa khóc khi đặt chân lên mảnh đất quê hương.
Thuê nhà trọ nghỉ ngơi một ngày, một đêm để suy nghĩ và chuẩn bị tâm lý kỹ càng, hôm sau Tú Anh bắt đầu hành trình về nhà với những mặc cảm và cả hy vọng. Sau bao ngày nỗ lực sống để chờ ngày trở về, người đàn bà ngã gục tại cửa khi biết chồng đã lấy vợ hai và có một đứa con riêng.
Ba người đang sống trong căn nhà khang trang, còn hai đứa con trai sinh đôi của cô còn nhỏ nhưng không được học hành, đang lang bạt đâu đó ngoài xã hội để kiếm sống. Chuỗi ngày tháng tăm tối chưa kịp khép lại, những nỗi đau mới đã chất chồng.
Nước mắt đắng cay của người đàn bà lại hòa vào cơn mưa tầm tã ngày hôm đó, những thử thách mới lại bắt đầu...
>>> Mời quý độc giả xem video Tên trộm liều lĩnh (nguồn Youtube):