Liên quan vụ tranh chấp ngôi nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao (Quận 1, TPHCM) dẫn đến việc 1 thẩm phán và 1 giảng viên cùng một số người bị tố tự ý "đưa" trẻ em ra khỏi nhà thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian gần đây, ngày 27/9, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã ra quyết định khởi tố vụ án "Xâm phạm chỗ ở của người khác" theo điều 158 bộ luật hình sự.
Trước đó, cơ quan công an đã triệu tập làm việc với ông Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND quận 4 và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. HCM sau khi những người này bị tố ngang nhiên xông vào nhà "bắt cóc" 3 cháu nhỏ.
Liên quan sự việc trên, dư luận băn khoăn, nếu bị khởi tố bị can, thậm chí bị truy tố về tội "Xâm phạm chỗ ở của người khác" ông Nguyễn Hải Nam, thẩm phán TAND quận 4 và ông Lâm Hoàng Tùng, giảng viên Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. HCM sẽ phải chịu trách nhiệm thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Chị Thảo tố cáo thẩm phán và giảng viên bắt cóc 3 cháu nhỏ. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, vụ việc trên có dấu hiệu bắt giữ người trái pháp luật và xâm phạm chỗ ở của công dân. Bởi vậy, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án để điều tra làm rõ và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định pháp luật là đúng.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, cha mẹ có quyền và nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động. Bởi vậy, nếu không được sự đồng ý của cha mẹ thì không ai có quyền bắt giữ, quản lý trẻ em.
Việc một nhóm người lạ mặt đến giằng co, bắt những đứa trẻ khỏi tay mẹ của chúng mang lên xe ô tô rời đi có dấu hiệu của hành vi trái pháp luật. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ đối tượng đã bắt trẻ em mang lên xe có mối quan hệ thế nào đối với nạn nhân? Có nhằm tước đoạt quyền quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục của người mẹ hay không ? Hành vi này có phải là bắt cóc để nhằm chiếm đoạt tài sản hay không? Có mục đích xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của các bạn nhân hay không?
Trong trường người bắt những đứa trẻ này mang đi không phải là cha đẻ, không có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng, không có quan hệ thân thích với những đứa trẻ thì hoàn toàn có thể khởi tố hình sự về tội bắt giữ người trái pháp luật.
Nếu việc bắt giữ này nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ xử lý hình sự về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ việc này là rất nghiêm trọng, gây hoang mang trong quần chúng bởi vậy cơ quan điều tra cần xác minh làm rõ và có kết luận, xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với hành vi nhóm đối tượng lạ mặt đã đánh đuổi những người đang sinh sống trong ngôi nhà, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật cư trú và quyền cư trú của công dân.
Trong trường hợp, người bị đánh đuổi ra khỏi nơi ngôi nhà đó là nơi cư trú hợp pháp (có đăng ký thường trú hoặc tạm trú) thì hoàn toàn có thể xử lý những người đã đánh đuổi người khác ra khỏi nơi cư trú về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015.
“Sự việc có thể xuất phát từ tranh chấp dân sự, tranh chấp về hôn nhân và gia đình tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm hành vi bắt giữ người trái pháp luật, xâm phạm chỗ ở của người khác.
Bởi vậy trong quá trình xác minh tin báo nếu làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm về tội bắt giữ người trái pháp luật và tội xâm phạm chỗ ở của người khác thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Đồng thời, theo Luật sư Cường, trường hợp người vi phạm là cán bộ, người hiểu biết pháp luật, người có chức vụ quyền hạn thì hình thức xử lý phải càng nghiêm minh. Các cơ quan, tổ chức có cá nhân bị nghi ngờ dính níu đến vụ việc này thì cũng cần xem xét xử lý trách nhiệm pháp lý nếu có đơn tố cáo của người bị hại.
Hiến pháp đã quy định công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, việc bắt giữ người là hành vi hết sức nghiêm trọng, bắt giữ, chiếm đoạt trẻ em thì còn nguy hiểm và nghiêm trọng hơn nữa bởi vậy việc này cơ quan điều tra sẽ sớm vào cuộc và làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
Tội xâm phạm chỗ ở của người khác được quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
b) Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
c) Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
d) Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 nãm đến 05 năm.