Liên quan vụ việc đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (SN 1971) – cựu cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh dâm ô 3 bé gái tại trung tâm và đã bị khởi tố bắt tạm giam để điều tra, mới đây, TP HCM đã chỉ đạo Ban giám đốc Sở LĐ,TB&XH tổ chức kiểm điểm, xử lý các cá nhân liên quan đến sai phạm ở trung tâm hỗ trợ xã hội.
Đáng chú ý, trong số cán bộ bị kiểm điểm có Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH Trần Ngọc Sơn. Mới đây, bản thân ông Sơn khi trao đổi với báo chí cũng xác nhận ông cùng nhiều cá nhân tại sở đang trong quá trình kiểm điểm sau vụ việc một cán bộ tại Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP HCM dâm ô nhiều bé gái.
Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao ông Trần Ngọc Sơn, Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH bị kiểm điểm? Ngoài kiểm điểm ra ông Sơn có thể bị xử lý gì khác?
|
Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng kẻ dâm ô hàng loạt bé gái. |
Theo tìm hiểu của PV, ông Trần Ngọc Sơn là phó giám đốc phụ trách lĩnh vực trẻ em và bảo trợ xã hội của Sở LĐTBXH TP HCM. Do vậy, vụ việc để xảy ra cán bộ Trung tâm hỗ trợ xã hội TP Hồ Chí Minh dâm ô hàng loạt bé gái, ông Sơn cũng bị liên đới trách nhiệm trong công tác quản lý.
Được biết, ông Sơn và các cán bộ liên quan ngoài việc bị xử lý về mặt chính quyền còn bị xử lý về mặt Đảng nếu là đảng viên.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, dưới góc độ pháp lý, trách nhiệm của người đứng đầu phụ trách việc quản lý lĩnh vực trẻ em và bảo trợ xã hội là vô cùng quan trọng.
“Lẽ ra Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH Trần Ngọc Sơn phải thường xuyên kiểm tra, quản lý việc thực hiện pháp luật cũng như các vấn đề khác của cơ quan. Tuy nhiên, khi xảy ra vụ việc cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội dâm ô hàng loạt bé gái trong thời gian dài, rõ ràng ông Trần Ngọc Sơn cũng phải có trách nhiệm” - luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Theo Luật sư Hoàng Tùng, để xác định việc kiểm điểm ông Trần Ngọc Sơn có đúng quy định của pháp luật hay cần phải kỷ luật nghiêm khắc hơn do buông lỏng trách nhiệm quản lý để xảy ra việc ông Nguyễn Tiến Dũng – cán bộ trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM dâm ô hàng loạt bé gái thì cần xét xem tính chất, mức độ buông lỏng quản lý của cán bộ trong trường hợp này như thế nào, có hay không hành vi bao che của cán bộ tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM.
Điều 3, Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định rõ các hành vi bị xử lý kỷ luật.
Cụ thể, vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức. Vi phạm pháp luật bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Như vậy, luật sư Hoàng Tùng cho rằng, cần xem xét rõ tính chất, mức độ buông lỏng quản lý, hậu quả từ hành vi của Phó giám đốc Sở trong trường hợp này có dấu hiệu của các hành vi bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 3 Nghị định 34/2011/NĐ-CP hay không?
“Nếu có vi phạm vào các hành vi quy định tại Điều 3 trên thì ông Trần Ngọc Sơn có thể bị áp dụng các hình thức kỉỷ luật theo quy định của pháp luật. Còn nếu không có hành vi vi phạm theo quy định trên thì việc ông Sơn viết bản kiểm điểm là đúng quy đinh của pháp luật”- luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, trẻ em là đối tượng được xã hội và pháp luật đặc biệt quan tâm bảo vệ, do đó, cần điều tra cụ thể để làm rõ mức độ hành vi buông lỏng, thiếu trách nhiệm của những người đứng đầu Trung tâm hỗ trợ xã hội.
Từ đó, có những cách thức xử lý phù hợp, hợp tình, hợp lý nhằm mang tính chất răn đe nghiêm khắc đối với các cơ quan trong việc nâng cao trách nhiệm quản lý của mình, tránh lơ là gây ra những hậu quả nghiêm trọng tương tự.
Theo yêu cầu của UBND TP HCM, Sở LĐ,TB&XH tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân liên quan đến các sai phạm tại trung tâm này. Tập thể và các cá nhân có sai phạm làm kiểm điểm trên cơ sở xác định trách nhiệm một cách trung thực, thành khẩn, tự giác, tự nhận hình thức kỷ luật (nếu có) và có biện pháp khắc khục.
Các cá nhân làm kiểm điểm ngoài Phó giám đốc Sở LĐ,TB&XH Trần Ngọc Sơn còn có nhiều cán bộ khác khác bao gồm: Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Nguyễn Thành Phụng, Phó phòng phụ trách Trung tâm hỗ trợ xã hội Lê Bá Hoàng và nữ chuyên viên Nông Thị Bích Chuyển.
Đối với Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM, Giám đốc Võ Thị Thanh Kim, 3 Phó giám đốc cùng Trưởng phòng Quản lý hồ sơ, Trưởng phòng Quản lý đối tượng và tập thể ca trực trong các ngày xảy ra sai phạm phải làm kiểm điểm.
Ngoài ra, các cá nhân là đảng viên cũng sẽ bị xử lý cả về mặt Đảng. Thời gian kết thúc kiểm điểm chậm nhất là ngày 15/12 và có kết quả trước ngày 20/12.
Trước đó, nhiều bé gái dưới 16 tuổi tố cáo bị ông Nguyễn Tiến Dũng, cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP HCM trụ sở tại quận Bình Thạnh, dâm ô.
Cụ thể, ngày 15/11/2019, Công an phường 13, quận Bình Thạnh tiếp nhận tin trình báo của gia đình em D.T.K.D về việc em và các bạn khác chung phòng bị cán bộ Nguyễn Tiến Dũng trong Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố có hành vi dâm ô nhiều lần.
Ngay khi nhận tin báo tố giác tội phạm, Công an quận Bình Thạnh đã làm việc với đối tượng Nguyễn Tiến Dũng. Tại cơ quan Công an, đối tượng Dũng khai nhận đã thực hiện hành vi dâm ô đối với các em trong ca trực vào tháng 6/2019.
Căn cứ kết quả điều tra và tài liệu thu thập, sáng ngày 18/11/2019 Công an quận Bình Thạnh đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Tiến Dũng (SN 1971, thường trú quận 3) về hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi tại Trung tâm hỗ trợ xã hội thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện Công an quận Bình Thạnh đang tiếp tục điều tra, xử lý đối tượng Nguyễn Tiến Dũng theo đúng quy định của pháp luật.
Mời độc giả xem video Vụ nhiều trẻ bị dâm ô: Trách nhiệm Sở LĐ-TB&XH TPHCM: