Phát lộ bãi cọc cổ trận Bạch Đằng lịch sử: Một số câu hỏi cần đáp án?

Google News

(Kiến Thức) - Việc phát hiện ra bãi cọc cổ trận Bạch Đằng đặt ra nhiều vấn đề cần làm rõ như cùng là cọc phục vụ trong trận chiến Bạch Đằng 1288 nhưng cọc Cao Quỳ to hơn so với cọc được phát hiện tại Quảng Yên? Bãi cọc Cao Quỳ thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 2 hay lần 3? Phương pháp chôn cọc thế nào?...

Chiến công của nhà Trần năm 1288 là một chiến dịch quân sự
Mới đây, việc phát hiện, khai quật được bãi cọc cổ tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) là vô cùng có ý nghĩa, mở ra những nhận thức mới về tầm vóc vĩ đại và quy mô rộng lớn của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử của quân dân nhà Trần.
Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho rằng, việc phát hiện bãi cọc cổ Cao Quỳ làm đảo lộn khá nhiều những gì đã biết về trận Bạch Đằng năm 1288.
“Từ trước đến nay, chúng ta vốn chỉ biết quân dân nhà Trần dẫn dụ, chọn giờ đánh địch để chiến thắng đế chế Nguyên Mông ở dưới khu vực Quảng Yên. Nhưng giờ ở đây lại có bãi cọc này, phải gọi đại chiến công của nhà Trần năm 1288 tại Bạch Đằng là một chiến dịch quân sự chứ không chỉ là một trận chiến đơn thuần” - Giáo sư Lê Văn Lan nói và cho rằng, chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 là minh chứng cho sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc phát hiện bãi cọc cổ tại Cao Quỳ là một phát hiện cực kỳ quan trọng, làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Mông - Nguyên.
Phat lo bai coc co tran Bach Dang lich su: Mot so cau hoi can dap an?
Bãi cọc được phát hiện tại cánh đồng Cao Quỳ. 
“Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Khi phát hiện ra trận địa này, xem ra phải sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử” - GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá.
Giáo sư Giang nói rằng, trước đây, chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm “neo” là bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh) và tất cả nghiên cứu trước đây đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua việc phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên, cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế “hỏa công” tiêu diệt các thuyền địch.
Còn qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ cho thấy, trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên. Và qua đó chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.
“Lâu nay đã có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng thì bây giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông hai địa phương đều có đóng góp, nhưng xét về cấu trúc địa chất thì việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn, vì có núi non phù hợp với phục binh, còn bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi đã được quân ta dụ địch vào để đánh” - GS Giang nói.
Phat lo bai coc co tran Bach Dang lich su: Mot so cau hoi can dap an?-Hinh-2
 Giáo sư Vũ Minh Giang.
GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đánh giá bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê là phát hiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, từ đó xác định rõ hơn tất cả những nghiên cứu từ trước đến nay về trận chiến Bạch Đằng năm 1288 là đúng và có cơ sở.
Đây không chỉ là chiến công vĩ đại bậc nhất của dân tộc Việt Nam mà còn là chiến công mang tầm thời đại, có ý nghĩa quốc tế vô cùng to lớn. Đóng góp của trận đánh Bạch Đằng đã làm rạng rỡ công danh, lịch sử, cội nguồn của dân tộc.
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhấn mạnh, việc phát hiện ra ra bãi cọc cổ này sẽ giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng được sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta.
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Tổng Biên tập Tạp chí Khảo cổ học, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, việc phát hiện 27 cọc gỗ cổ và 21 hố đất đen là những mốc chứng quan trọng để nói lên mối quan hệ với trận chiến Bạch Đằng năm 1288.
Vẫn còn một số câu hỏi cần lời giải?
Việc phát hiện bãi cọc cổ ở Cao Quỳ được cho là vô cùng ý nghĩa, mở ra những nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Mông - Nguyên. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Vấn đề thứ nhất cần làm rõ, vì sao đều là cọc phục vụ trong trận đại thủy chiến Bạch Đằng 1288, nhưng cọc mới được phát hiện ở Thủy Nguyên, Hải Phòng lại to hơn nhiều so với cọc được phát hiện trước đó ở Quảng Yên, Quảng Ninh?
Cụ thể, 27 cọc cổ được phát hiện tại 3 hố khai quật trên cánh đồng Cao Quỳ cho thấy, các cọc bị gãy phần đầu, gỗ màu đỏ sẫm, rắn chắc như gỗ sến nhựa và lim. Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, cách nhau theo chiều đông tây khoảng 5 – 7m, kích thước các cọc không đều nhau, loại nhỏ 10 – 18cm, loại lớn 28 – 32cm, cá biệt có cọc có đường kính 37 – 40cm...
Phat lo bai coc co tran Bach Dang lich su: Mot so cau hoi can dap an?-Hinh-3
Cọc cổ phát hiện ở Cao Quỳ to hơn cọc phát hiện tại Quảng Yên (Quảng Ninh). 
Dựa vào địa tầng của MC7, MC8 có thể đoán định khu vực xuất lộ cọc là một bãi bồi ven sông, đã bị phủ lấp qua thời gian. Các cọc xuất lộ trong lớp bùn xám có thể được chôn/đóng xuống lớp bùn đen lẫn cát hoặc xuyên qua cả sinh thổ. Trên các cọc có “ngoạm” dùng để luồn dây kéo; đối với cọc to hơn thì “ngoạm” này dùng để gắn thanh gỗ làm bè để dễ dàng di chuyển.
Kết quả xác định niên đại C14 của cọc gỗ 3 (hiện lưu giữ tại đình Làng Mai) cho thấy cọc này có niên đại 1270 – 1430 AD.
Từ các nhận xét trên, có thể thấy rằng các cọc được đóng/chôn trong khu vực bãi bồi ven sông, phân bố không thẳng hàng và thêm vào đó là kết quả xác định niên đại đã cho thấy các cọc gỗ có thể thuộc bãi cọc được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, Viện Khảo cổ học cho biết, bãi cọc Cao Quỳ mới phát hiện có quy mô khá lớn. Tại bãi cọc có các cọc gỗ lớn nhỏ xen kẽ.
“Cọc được bố trí theo ý đồ chiến thuật rõ ràng với nhiều tầng, lớp. Hệ thống cọc đều nằm ở lòng sông trước đây. So với cọc từng phát hiện ở Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa và Yên Giang (TX.Quảng Yên, Quảng Ninh) thì cọc tại Cao Quỳ to hơn, chân cọc không được đẽo nhọn, cách thức phân bố cũng khác” - Tiến sĩ Hiếu cho biết.
Đồng thời, Tiến sĩ Hiếu cho rằng, bãi cọc ở Quảng Yên mang tính phòng thủ chiến lược ở những vị trí hiểm yếu và có khả năng thu hẹp dòng chảy tạo thành rào cản chiến thuyền địch. Bãi cọc mới ở Cao Quỳ có khả năng dùng để ngăn chặn không cho giặc tiến vào sông Giá.
Vấn đề thứ 2, cần xác định bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 2 hay lần 3.
Viện khảo cổ nhận định, bãi cọc thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn mà buộc quân Mông - Nguyên đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc được bố trí sẵn của Trần Quốc Tuấn, nhấn chìm toàn bộ quân Mông - Nguyên xuống lòng sông Bạch Đằng, chấm dứt hoàn toàn mộng xâm lăng của đế quốc Mông - Nguyên với quốc gia Đại Việt.
Phat lo bai coc co tran Bach Dang lich su: Mot so cau hoi can dap an?-Hinh-4
Giáo sư sử học Lê Văn Lan. 
Tuy nhiên, GS Lê Văn Lan lại cho rằng, vị trí của bãi cọc này nằm trong giai đoạn 2 của chiến dịch Bạch Đằng Giang. Đây là nơi chặn giặc, đưa giặc vào bẫy giai đoạn 1 là làm chậm bước tiến, hao tổn binh lực địch.
“Tôi cho rằng, công năng của những chiếc cọc tìm thấy ở cánh đồng Cao Quỳ không giống với những chiếc cọc tại nơi diễn ra giai đoạn 3 của trận chiến, kết thúc hiển hách chiến dịch Bạch Đằng Giang” - GS Lê Văn Lan nói.
Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi các cần các chuyên gia khảo cổ, lịch sử làm rõ như Tại sao các cọc gỗ lại được đóng ở vị trí này? Các cọc được đóng bằng phương pháp nào và có phải chỉ có đóng không và đóng bằng cách nào hay còn có cả chôn?...
>>> Mời độc giả xem video Bãi cọc nhà Trần nghìn năm tuổi được khai quật:
 

Nguồn VTC Now. 

Đề xuất công nhận bãi cọc Cao Quỳ là di tích quốc gia
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, việc bãi cọc bằng gỗ đã phát tích tại cánh đồng Cao Quỳ là sự kiện đặc biệt quan trọng, bãi cọc có nhiều liên quan đến 3 cuộc chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử của cha ông ta, đó là: năm 938, Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán; năm 981, Lê Đại Hành đại thắng quân Tống và năm 1288 Trần Hưng Đạo đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Khu vực bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, cùng với khu di tích Bạch Đằng Giang sẽ là một địa chỉ đỏ để giáo dục và hun đúc truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, thành phố nên mở rộng phạm vi khảo sát; có thể khai thác bãi cọc thành khu công viên, di tích, nơi chứng tích đầy đủ nhất về trận chiến Bạch Đằng, có thể xây dựng rừng lim để tạo cảnh quan xung quanh và mong lãnh đạo thành phố coi đây là cách triển khai lâu dài, bền vững; có kế hoạch để bảo vệ di tích một cách khoa học, từ đó phát huy giá trị của di tích để làm nơi sinh hoạt văn hóa cho nhân dân.
GS.TSKH Vũ Minh Giang cũng đề nghị thành phố cần có biện pháp để bảo vệ bãi cọc không bị xâm phạm. Hải Phòng cần triển khai ngay biện pháp bảo tồn và phát huy di tích; phải đưa ra khung pháp lý bảo vệ như hoàn thiện các thủ tục để đưa bãi cọc vào di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó, phải có cách làm tái hiện lại trận chiến thắng Bạch Đằng trên đất Hải Phòng để giáo dục cho các thế hệ.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng - Lê Văn Thành yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao khẩn trương triển khai thủ tục công nhận di tích lịch sử cấp thành phố; sớm xúc tiến các thủ tục đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đặc biệt cho bãi cọc Bạch Đằng tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ.
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)