Ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch: Xem xét bãi nhiệm ĐBQH, đình chỉ chức vụ

Google News

(Kiến Thức) -  Ngày 25/8, ĐB Phạm Phú Quốc – người có hai quốc tịch đã có đơn xin thôi ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Hiện Đoàn ĐBQH TP HCM đang xem xét kiến nghị QH bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Quốc.

Ông Quốc xin thôi Đại biểu Quốc hội
Liên quan vụ ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Síp, chiều 1/9, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Văn phòng UBND TP HCM, Sở Nội vụ, Sở TT&TT TP HCM đã tổ chức họp báo thông tin về vụ việc trên.
Tại buổi họp báo, ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT&TT TP HCM thông tin, vào ngày 25/8, hãng tin Al Jazeera (kênh thông tin Nhà nước của Qatar) tung ra tài liệu mật liên quan hàng loạt chính trị gia các nước từng mua hộ chiếu của Síp (Cyprus - đảo quốc nằm phía đông Địa Trung Hải). Thông tin này cho biết, Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc nằm trong danh sách hơn 1.400 hồ sơ được nước này phê duyệt cấp hộ chiếu vào tháng 12/2018.
Ong Pham Phu Quoc co 2 quoc tich: Xem xet bai nhiem DBQH, dinh chi chuc vu TGD Tan Thuan
 Đại biểu Phạm Phú Quốc.
Theo ông Từ Lương, ngay sau khi có thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch, các cơ quan chức năng của TP đã làm việc với ĐB Phạm Phú Quốc.
Tại buổi họp báo, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, ngày 25/8, ĐB Phạm Phú Quốc có đơn xin thôi ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận. Trước đó, ngày 27/8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các đơn vị chức năng.
Xem xét đình chỉ chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận
Theo ông Hà Phước Thắng, qua phản ánh của báo chí, qua đơn giải trình của ông Quốc, các đơn vị đã rà soát lại và báo cáo hướng xử lý.
Việc vào tháng 12/2018, ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp là thể hiện không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức. Qua đề xuất của Đoàn ĐBQH, UBND TP, Ban Tổ chức Thành ủy TP. TP HCM đã thống nhất hướng xử lý đối với ĐB Phạm Phú Quốc.
Theo đó, Đoàn ĐBQH TP HCM sẽ họp lại và có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác ĐBQH, kiến nghị lên Quốc hội xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ông Phạm Phú Quốc.
Cùng với đó, về mặt Đảng, lãnh đạo thành phố đã giao cho Ban tổ chức thành ủy, Ủy ban kiểm tra thành ủy sẽ làm việc và xem xét đề xuất lãnh đạo thành phố quyết định trong tháng 9/2020.
Đối với chức vụ Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Tân Thuận của đại biểu Phạm Phú Quốc, UBND TP đã giao cho Sở Nội vụ TP tham mưu sẽ có quyết định đình chỉ chức vụ này.  Sau đó, TP HCM giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm đại biểu Phạm Phú Quốc khi công tác tại Công ty tài chính đầu tư thành phố và công ty Tân Thuận trước khi xem xét cho thôi việc. Những đầu việc này sẽ hoàn thành trong tháng 9/2020.
Ong Pham Phu Quoc co 2 quoc tich: Xem xet bai nhiem DBQH, dinh chi chuc vu TGD Tan Thuan-Hinh-2
 Quang cảnh buổi họp báo.
Lý do ông Quốc không báo cáo việc có quốc tịch Síp là gì?
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của các PV xung quanh việc ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP HCM, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nói rằng, đây là điều đáng tiếc với Đoàn ĐBQH TP HCM. Trong đơn, ĐB Phạm Phú Quốc nói rằng quốc tịch Síp là do gia đình bảo lãnh, thông tin mua quốc tịch 2,5 triệu USD là không chính xác. Ông Quốc nói rằng, người bảo lãnh là vợ và con trai, con của ông học và làm việc ở Anh.
Ông Khuê cho biết, thành phố không thoái thác. Ban đầu là từ thông tin trên báo nước ngoài. Sau đó, lãnh đạo thành phố vừa báo cáo cơ quan cấp trên, vừa xem xét, kiểm chứng thông tin một cách đầy đủ.
“Khi thông tin rộ trên báo chí, Thường trực Đoàn ĐBQH thành phố đã mời ông Phạm Phú Quốc lên làm việc. Khi đó, ông Quốc vẫn nhất quán thông tin là có quốc tịch Síp do gia đình bảo lãnh. Lý do không báo cáo với tổ chức là có lý do cá nhân.
"Nhưng với trách nhiệm của một ĐBQH, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo, chiếu theo quy định và lương tâm của một ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc cần phải báo cáo đầy đủ sự việc. Trách nhiệm của một ĐBQH và trách nhiệm với cử tri" - ông Phan Nguyễn Như Khuê nói và cho biết, trong đơn ông Phạm Phú Quốc có bày tỏ sự ăn năn trước sự việc.
Theo lời ông Khuê về trách nhiệm của một đảng viên của ông Phạm Phú Quốc, sẽ căn cứ vào tự nhìn nhận của ông Quốc, cơ sở Đảng sẽ đối chiếu với quy định và sẽ có thông tin rộng rãi với cử tri thành phố. Thú 6 tuần này, Đoàn ĐBQH TP sẽ ngồi lại, có một báo cáo toàn diện về sự việc này.
Nói về thông tin năm 2018, ông Phạm Phú Quốc có đơn xin thôi ĐBQH, ông Khuê xác nhận năm 2018, ông có nhận một lá đơn của Đại biểu Phạm Phú Quốc. Tuy nhiên, đây là đơn ông Quốc thông tin cho Đoàn ĐBQH biết là ông đang bị xem xét kỷ luật về mặt Đảng, chứ không liên quan gì về việc đã có quốc tịch Síp mà cần phải lên tiếng.
Xem xét bãi miễn chứ không chỉ giải quyết theo đơn cá nhân
Thông tin về việc đại biểu nộp đơn xin thôi nhiệm vụ, ông Khuê cho biết theo quy định của luật, ông Phạm Phú Quốc phải được Quốc hội xem xét bãi miễn chứ không chỉ giải quyết theo đơn đề nghị của cá nhân.
Trong các văn bản giải trình, ông Quốc thừa nhận quốc tịch Cyprus là do gia đình bảo lãnh. Ông nói thời điểm 2018-2019 có nhiều việc riêng, không như mong muốn nên gia đình muốn bảo lãnh qua đảo Síp để tiện thăm con.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc kiểm soát, kê khai tài sản của ông Phạm Phú Quốc được thực hiện thế nào, ông Khuê cho biết hàng năm, các tổ chức Đảng đều yêu cầu cán bộ công chức thực hiện nghiêm kê khai tài sản. Nếu là bất động sản hay tài sản hiện hữu thì thực hiện bằng cơ chế Đảng viên gắn liền nơi cư trú, còn tiền tệ đá quý, mở tài khoản thì là việc hết sức khó.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết khi hiệp thương giới thiệu ông Quốc vào ĐBQH vẫn chưa có thông tin gì về việc ông được gia đình bảo lãnh để nhận quốc tịch đảo Síp. Trong hồ sơ cơ quan quản lý vẫn chưa thể hiện việc đại biểu có 2 quốc tịch và vợ có quốc tịch nước ngoài. Do đó, ở đây đặt ra vấn đề ông Quốc không thực hiện một cách đầy đủ những quy định và thiếu trách nhiệm với tổ chức quản lý mình, tức là việc khai báo trung thực về hồ sơ.
Nói về việc năm 2018, ĐB Phạm Phú Quốc bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách nhưng vẫn được bổ nhiệm chức vụ mới, ông Khuê cho biết, UBND TP đã giao Sở Nội vụ rà soát lại việc bổ nhiệm này đã chặt chẽ hay chưa.
“Trước khi có kết quả rà soát từ Sở Nội vụ thì không thể phát biểu cụ thể. Việc đề bạt, bổ nhiệm một cán bộ đều có quy trình” – ông Khuê nói và cho rằng, con người có lúc này lúc kia, không thể toàn diện mà không có sai sót, vi phạm.
Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, với mức kỷ luật khiển trách không đến nổi làm biến chất cán bộ, ảnh hưởng đến năng lực công việc của cán bộ. Chúng ta phải quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ sửa sai và hoàn thiện mình. Nếu có kỷ luật mà không bố trí nữa thì cực đoan quá và không hay lắm.
Đáng chú ý theo ông Khuê, đại biểu Quốc vi phạm đã rõ nhưng không thể phủ nhận những đóng góp của ĐB Phạm Phú Quốc. Trong quá trình làm ĐBQH, ông Phạm Phú Quốc luôn tuân thủ những quy định của Đoàn ĐBQH TP, trong phạm vi công tác luôn cố gắng tư duy, làm tốt vai trò BĐQH. Chính vì vậy, sự việc của ĐBQH Phạm Phú Quốc là một điều rất tiếc. Đây cũng là một bài học cho mỗi đại biểu, mỗi cán bộ tự vấn, tự kiểm soát mình để làm đúng.
Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (Qatar) đăng một loạt bài viết dẫn từ tài liệu mật thu thập được, gọi là “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Cyprus), cho biết chương trình hộ chiếu Cyprus (Cộng hòa Síp) cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này.
Những người này sẽ trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Al Jazeera cho hay, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua “hộ chiếu vàng” (golden passport) này từ cuối 2017 đến cuối 2019 (thời điểm Al Jazeera thu thập được hồ sơ), trong đó có ông Phạm Phú Quốc.
Trả lời báo chí, ông Quốc thừa nhận việc có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018 nhưng "do gia đình bảo lãnh chứ không phải ông "mua" quốc tịch như thông tin từ hãng tin Al Jazeera.

Ông Phạm Phú Quốc (SN 1968, quê tại xã Triệu Phong, huyện Triệu Hải, Quảng Trị). Ông Quốc có trình độ Cao cấp lý luận chính trị; trình độ chuyên môn: Tiến sĩ Kinh tế.

Ông Phạm Phú Quốc hiện là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trước đó ông từng giữ các chức vụ Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP HCM, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.

Ông Phạm Phú Quốc là ĐBQH khoá XIV (nhiệm kỳ 2016-2021), thuộc Đoàn ĐBQH TP HCM.

Ngày 28/9/2018, thời điểm ông Phạm Phú Quốc làm Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc HIFC, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM công bố quyết định thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ của công ty này.
Theo đó, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xác định ông Phạm Phú Quốc cùng 3 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy công ty đã vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM và một số cá nhân đã vi phạm trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác quản lý đảng viên đi nước ngoài; đoàn kết nội bộ giảm sút.
>>> Mời độc giả xem video Xác minh thông tin Đại biểu Quốc hội mua hộ chiếu Đảo Síp (Cyprus)

Nguồn: VTC Now

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)