Ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc nhưng không kháng cáo

Google News

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ sai phạm ở cao tốc Trung Lương, ông Đinh La Thăng phủ nhận cáo buộc của VKS và cho rằng mình bị oan, song sau phiên xử, ông Thăng không kháng cáo.  

Đến ngày 13/1, ông Đinh La Thăng (cựu bộ trưởng Bộ GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu thứ trưởng Bộ GTVT) không có đơn kháng cáo vụ sai phạm tại cao tốc Trung Lương - TP.HCM gây thất thoát, lãng phí 725 tỉ đồng khi thời hạn kháng cáo đã hết.
Ong Dinh La Thang phu nhan cao buoc nhung khong khang cao
 Bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Đinh Ngọc Hệ và công ty kháng cáo
Trước đó, đại diện Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đã gửi đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Công ty này cho rằng phán quyết của bản án ảnh hưởng đến quyền lợi, hoạt động tại doanh nghiệp.
Công ty Yên Khánh đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng xác định lại chính xác doanh thu bị che giấu trong hoạt động thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương cũng như quyền sở hữu hợp pháp đối với số tiền này. Đồng thời, Công ty Yên Khánh đề nghị tòa phúc thẩm hủy bỏ các lệnh kê biên, phong tỏa đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của công ty này.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng, người lập Công ty Yên Khánh) cũng kháng cáo. Được biết, đến khi hết hạn kháng cáo theo luật định, vụ án chỉ có ba bị cáo kháng cáo, một người liên quan có kháng cáo quá hạn. Việc kháng cáo quá hạn thường sẽ được xem xét, nếu có lý do chính đáng sẽ được chấp nhận.
Ngày 22-12-2020, TAND TP.HCM xác định doanh thu thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương bị che giấu là hơn 725 tỉ đồng. Đây là tài sản do Bộ GTVT sở hữu, bị các bị cáo chiếm đoạt. Nhằm đảm bảo khắc phục thiệt hại, tòa tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa, kê biên đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Công ty Yên Khánh.
Tòa tuyên phạt bị cáo Thăng 10 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Đây là bản án hình sự thứ ba của ông Thăng.
Các cấp dưới là đồng phạm, bị cáo Trường bị tuyên phạt bốn năm sáu tháng tù và các cựu lãnh đạo cán bộ tại Bộ GTVT và Tổng Công ty Cửu Long 2-4 năm tù.
Với vai trò chủ mưu chiếm đoạt hơn 725 tỉ đồng, bị cáo Hệ bị phạt tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Các bị cáo đồng phạm lừa đảo với Hệ bị phạt từ hai năm án treo đến 10 năm tù.
Bác bỏ cáo buộc nhưng chấp nhận mức án
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thăng bác bỏ toàn bộ cáo buộc và cho rằng mình không phạm tội. Bào chữa cho ông Thăng, các luật sư cũng nêu hàng loạt căn cứ, chứng cứ chứng minh cho việc cáo buộc thân chủ không thuyết phục. Ngoài ra, các luật sư cũng tranh luận xoay quanh số tiền 725 tỉ đồng là của ai…
Tự bào chữa, ông Thăng ví VKS “mang dao mổ trâu cắt tiết gà”, áp dụng sai luật để quy kết tội. Đây là vụ án bán đấu giá mà VKS lấy quy định pháp luật về đấu thầu, “người làm đúng luật thì bị quy kết sai”. Ông thừa nhận chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu của ngành GTVT vì để xảy ra vụ án.
Tuy nhiên, ông bác bỏ việc quy trách nhiệm hình sự với ông. Ông Thăng phân tích khi là bộ trưởng đã phân công theo lĩnh vực cho các thứ trưởng. Ông không giao trực tiếp cho Tổng Công ty Cửu Long. Cáo trạng truy tố ông là người giao trực tiếp là hoàn toàn không có. Ông cho rằng cáo buộc của VKS là suy diễn đối với mình, là “gắp lửa quá lớn ném vào người chúng tôi”.
Nói lời sau cùng, ông Thăng cho rằng dù tòa phán quyết sao ông cũng chấp nhận. Cựu bộ trưởng và cựu thứ trưởng Trường, người có thời gian làm hơn 10 năm, đều mong tòa chiếu cố khoan hồng cho cấp dưới.
HĐXX nhận định hai bị cáo Thăng, Trường và cấp dưới đã có một số hành vi sai phạm khi xây dựng đề án, quyết định cho đơn vị trúng đấu giá là Công ty Yên Khánh (công ty của Hệ) không đúng quy định, không chấm dứt hợp đồng khi công ty này vi phạm hợp đồng trong việc bán quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Hành vi của hai ông đã phạm vào tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Hành vi sai phạm của bị cáo Thăng và đồng phạm đã tạo điều kiện cho Hệ gian dối thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt 725 tỉ đồng.

Ông Thăng sắp hầu tòa vụ Ethanol Phú Thọ
Trong vụ án này, các bị cáo bị giam tại trại giam ở xa. Như bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ luôn bị di lý các nơi để đảm bảo việc xét xử các vụ án ở nhiều nơi khác nhau.

Ngày 22/1 tới, bị cáo Thăng phải ra TAND TP Hà Nội, tiếp tục bị xét xử về tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).


Theo Hoàng Yến/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)