Cách đây gần một năm, cô gái tên LNPT liên hệ với chúng tôi qua Zalo để cầu cứu. Lúc đó cô đang bị nhốt trong nhà của một vị “hôn phu” ở Giang Tây, Trung Quốc. Cô dùng ứng dụng định vị của Zalo để gửi địa chỉ cho chúng tôi. Cô viết: “Em không thể gọi cho chị được vì họ không biết em giấu được chiếc điện thoại này để liên lạc. Khi em không đồng ý cưới và muốn trở về nhà, họ đã thu hết giấy tờ của em, nhốt em vào đây. Họ chỉ cho em ra nếu em đồng ý làm đám cưới”.
Trước đó cô đã nghe theo lời người mai mối “vượt biên” qua Trung Quốc để xem mặt một người giàu có ở đây. Đắn đo suy nghĩ vài hôm, cô quyết định lấy chồng ngoại để có một cuộc đổi đời.
May mắn thoát khỏi cảnh bị ép bán
LNPT sống cùng mẹ ở huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Dù sống trong gia đình vất vả, nghèo khó nhưng cô có một gương mặt sáng sủa, ưa nhìn. Một hôm, một cô gái trẻ tên B. làm quen với cô. Dần dà cô biết được B. trước đây cũng rất nghèo. Nhưng từ khi lấy chồng ngoại, B. đã một bước đổi đời, có cuộc sống sang trọng. B. khuyên cô cũng nên lấy chồng giàu ngoại quốc.
Mưa dầm thấm đất, sau một thời gian rỉ rả, LNPT đồng ý để B. dẫn qua Trung Quốc để mai mối. Trước khi đi, B. đưa cho mẹ của LNPT 80 triệu đồng. Qua cửa khẩu, cô được đưa đi tiếp đến một gia đình nông dân ở Giang Tây. Thấy gia cảnh khác xa với lời giới thiệu, LNPT đã lo lắng. Đến khi nhìn thấy “chồng tương lai” của mình là một người đàn ông lớn tuổi xa lạ, cô hoảng sợ và quyết định từ chối.
Sự từ chối của cô đã khiến gia đình này tức giận. Họ cho biết họ đã mua cô với giá 460 triệu đồng. Cô không được từ chối hoặc phải trả lại cho họ số tiền họ đã bỏ ra mua. Nếu cô bỏ trốn sẽ bị chặt tay chân. Sau đó họ nhốt cô trong một gian phòng, thu giữ hết giấy tờ, hộ chiếu của cô. May mắn là cô lén giữ được điện thoại. Cô gọi cho mẹ qua Zalo, khóc nức nở cho biết cô đã bị bán. Cô gửi vị trí định vị qua điện thoại nhưng cô cũng không biết đó là nơi nào vì cô không đọc được tiếng Trung.
Chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Công an tỉnh Bình Thuận. Ngay sau khi công an đến nhà cô làm việc, B. đã đến thúc giục cô yêu cầu người nhà chuyển trả tiền để họ thả cô ra. Sau đó, sợ công an bắt vì vụ việc đã được báo cho phía nước bạn, B. đưa cô đến biên giới, bắt xe cho cô về nhà. LNPT bày tỏ: “Em may mắn xoay xở được. Những người khác rơi vô cảnh em thì sao? Em không bao giờ dám nghĩ tới lấy chồng nữa”.
|
LNPT đã rất khéo léo xoay xở để thoát được một cuộc ép bán thân. Ảnh: H.MINH |
Người đi không trở về
Khu phố Ninh Lợi, phường Ninh Thạnh, TP Tây Ninh được xem là khu phố lấy chồng ngoại. Khu phố bé xíu mà đã có hơn 20 gia đình có con gái lấy chồng Hàn Quốc và Trung Quốc. Trưởng khu phố là ông Nguyễn Văn Định cho biết hầu hết các cô gái được mai mối lấy chồng, địa phương không biết, họ chỉ nói con họ đi làm ăn xa. Từng có thời gian lấy chồng ngoại được xem như một phong trào. Dù gọi là khu phố nhưng người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề làm nông và làm mướn nên việc xuất ngoại dường như là một ước mơ của nhiều cô gái trẻ.
Khi ĐTMT bị chết ở Hàn Quốc và mẹ cô phải sang khăn gói đưa tro cốt con gái về (năm 2014) thì người dân ở đây mới bị sốc và cảnh giác với việc mai mối lấy chồng ngoại. Cô lấy người chồng lớn hơn cô vài tuổi, sống ở vùng nông thôn. Sau đó những mâu thuẫn về tiền bạc nảy sinh, chồng thường xuyên đánh đập cô. ĐTMT đòi ly hôn và muốn quay về nhà. Một hôm, cha mẹ cô nhận được điện thoại thông báo cô đã bị tai nạn giao thông chết.
Tuy nhiên, cảnh sát Hàn Quốc đã kết luận ĐTMT bị chồng sát hại và tạo hiện trường giả. Nỗi đau chồng nỗi đau, cha mẹ của ĐTMT gần như ngã khụy. Nhưng chính cha mẹ cô cũng thừa nhận rằng họ đã để cô lấy chồng ngoại chỉ vì cần được “giúp đỡ về kinh tế”.
Sau vụ án chấn động đó, nhiều người hàng xóm của ĐTMT cũng cho biết con em họ cũng không may mắn gì khi lấy chồng ngoại. HP lấy chồng Trung Quốc cách đây bảy năm nhưng cha mẹ cô vẫn phải đi làm mướn và mua bán ve chai, con gái họ không được về thăm nhà. Nhà chồng của HP rất nghèo, họ không cho cô về thăm nhà vì sợ cô… trốn luôn. Những lời hứa sẽ cho cô tiền giúp đỡ gia đình chỉ là hứa hão.
Tìm chồng ngoại trên mạng xã hội, bị lừa 200 triệu
Vừa qua, một phụ nữ liên hệ với báo Pháp Luật TP.HCM nhờ truy tìm tài khoản mà cô đã gửi vào đó 200 triệu đồng để làm thủ tục nhận quà của “chồng ngoại", đây là số tiền cô dành dụm rất lâu mới có được. Sau khi ly hôn chồng, cô sinh sống bằng nghề may gia công quần áo bỏ mối ở chợ. Trong một vài lần lên mạng Facebook, cô làm quen với một người nước ngoài. Ông giới thiệu ông là chủ một khách sạn trên một hòn đảo ở Pháp, vợ ông đã chết, ông muốn tìm một người phụ nữ hiền hậu để làm quen. Sau vài ngày nhắn tin yêu thương qua lại có sự trợ giúp của Google Dịch, ông ngỏ ý gửi tặng “quà cưới” cho cô gồm rất nhiều trang sức đắt tiền. Sau đó, có người gọi điện thoại đến cho cô thông báo cô phải đóng 200 triệu đồng vào một tài khoản của hải quan để thông quan. Cô đóng xong thì “chồng ngoại” lập tức chặn cô trên Facebook, số điện thoại của “hải quan” cũng không liên lạc được.
Nhiều cô gái hiểu chuyện đã từ bỏ ý định lấy chồng ngoại
“Khi các cô gái đến đây đăng ký để được gặp mặt những chàng trai Hàn Quốc, chúng tôi luôn tư vấn rất kỹ rằng họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời ở nước họ vì hạn chế về kinh tế, tuổi tác và ngoại hình. Nên nếu các bạn muốn lấy chồng chỉ vì muốn có tiền giúp đỡ gia đình thì không khả thi. Ngoài ra, khi không có sự hiểu biết về văn hóa, gia đình dễ xung đột, bạo lực, đổ gãy. Hầu hết các cô gái sau khi trò chuyện kỹ với chúng tôi đã xin rút đơn. Chúng tôi xem đó là thành công.”
Một tư vấn viên Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình TP.HCM